Hai thủ khoa xứ Nghệ học cùng trường, cùng “mê” Ngoại ngữ
(Dân trí)-Xuất sắc đỗ thủ khoa khối D2 và D3 Trường ĐH Ngoại thương, hai nữ sinh Bùi Thị Thảo Hương và Nguyễn Thị Thu Tâm (cùng học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) chia sẻ con đường dẫn đến ngôi vị thủ khoa qua việc tự học và niềm đam mê Ngoại ngữ.
Nguyễn Thị Thu Tâm: “Đặt mục tiêu cao để thử sức mình”
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, là con thứ 2 trong gia đình, ngay từ năm lớp 1, Tâm đã được bố mẹ định hướng cho học chuyên Pháp. Ban đầu, Tâm cũng chỉ đến với bộ môn này như một môn học mà thôi. Nhưng càng tiếp xúc, Tâm càng cảm thấy thích thú và trở nên say mê từ lúc nào không biết.
“Tiếng Pháp không chỉ là một ngoại ngữ, nó còn là phương tiện giúp em tìm hiểu văn hóa của con người, đất nước Pháp và những quốc gia nói tiếng Pháp. Càng đi sâu, em càng nhận ra những nét khác biệt và tương đồng giữa nét đẹp văn hóa Pháp và văn hóa Việt Nam, điều đó đã mang lại nhiều hứng thú cho em”, Thu Tâm chia sẻ.
Chính vì niềm đam mê đó, Tâm đã đạt được rất nhiều giải thưởng trong các kỳ thi tiếng Pháp. Liên tục trong 12 năm liền, Thu Tâm đều là học sinh giỏi. Năm lớp 8, Tâm được chọn đại diện học sinh tỉnh Nghệ An sang Pháp tham gia học giao lưu 1 tháng tại Cotes D'armor. Liên tiếp sau đó, đạt nhiều thành tích: giải Nhất học sinh giỏi (HSG) tỉnh tiếng Pháp (năm lớp 9), giải Khuyến khích HSG quốc gia tiếng Pháp (lớp 11) và giải nhì HSG quốc gia tiếng Pháp (lớp 12). Những nỗ lực học tập không mệt mỏi đã giúp Tâm vượt qua kỳ thi của Quỹ Hỗ trợ Phát triển Tài năng Pháp và được cấp học bổng toàn phần du học Pháp.
Chia sẻ về quá trình ôn thi, Tâm cho biết: “Vì được ưu tiên xét tuyển và lợi thế tiếng Pháp có sẵn nên em cũng yên tâm ôn thi và không chịu nhiều áp lực. Môn Văn em chỉ trọng tâm học thuộc ý chính và làm theo dạng đề. Còn môn Toán thì em ôn tập kĩ càng kiến thức thầy cô truyền đạt, giải các dạng đề và học tập từ các bạn”.
Không giấu nổi niềm vui mừng khi con gái đỗ thủ khoa, anh Nguyễn Sĩ Đường - bố của Thu Tâm tâm sự, kết quả này chính là thành quả mà Tâm đã nỗ lực trong suốt 12 năm học.Gia đình anh Đường cũng ủng hộ quyết định của con gái sang nước Pháp du học theo học bổng toàn phần du học của Quỹ Hỗ trợ Phát triển Tài năng Pháp.
“Trâm đã lớn nên chúng tôi muốn cho Tâm tự lập và tự học cách trang bị cho mình những kỹ năng sống khi phải xa nhà. Chúng tôi tôn trọng quyết định của con bởi đấy là đất nước mà cháu nó yêu mến và chúng tôi cũng tin là Tâm sẽ làm tốt và luôn biết cách vượt qua bản thân”, anh Đường cho biết.
Bùi Thị Thảo Hương: Thành công nhờ tự học
Mặc dù sách tham khảo tiếng Nga không nhiều nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô nên dần dần Hương làm chủ được kiến thức. “Mỗi thứ tiếng đều có nét hay riêng, em không dám nói tiếng Nga là thứ tiếng hay nhất nhưng nó vừa sâu vừa rộng, có một nét giống tiếng Việt là rất nhiều ẩn ý, có nhạc điệu, riêng điều này thì em thấy rất thú vị”, Hương hào hứng khi nói về cái “duyên” với môn Tiếng Nga.
Cuối năm 2012, một tai họa bất ngờ ập xuống gia đình Hương khi bố Hương, cũng là trụ cột của gia đình đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn lao động. Mất đi chỗ dựa về vật chất lẫn tinh thần, mẹ lại ốm đau triền miên do bệnh tim tái phát, con đường học hành của 2 chị em có lúc tưởng chừng như bị gián đoạn.
Nhà Hương cách trường 7km nên hàng ngày từ mờ sáng, Hương đã phải thức dậy nấu ăn, ôn bài và chuẩn bị sách vở để đến trường. Thời gian ôn thi HSG quốc gia căng thẳng, nhiều hôm Hương phải nghỉ trưa ngay tại trường và lót dạ bằng những ổ bánh mì để chiều học tiếp.
Tham gia kì thi HSG quốc gia từ năm lớp 11 nên Hương đã sớm làm quen với áp lực căng thẳng và cường độ ôn thi rất nặng nề. Cũng nhờ đó, kiến thức về môn chuyên đều được bồi dưỡng rất đầy đủ và chắc chắn, đây chính là điểm tựa tâm lý để cả Hương tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH. Đỗ thủ khoa khối D2, Trường ĐH Ngoại thương với 27,5 điểm chính là kết quả của sự nỗ lực không biết mệt mỏi trong học tập của cô học trò mồ côi giàu nghị lực.
Nói về kinh nghiệm học tập, Hương cho biết mình tự học là chính. Riêng ba môn thi đại học được Hương dành nhiều thời gian để nắm kiến thức thật chắc chắn rồi mở rộng các kiến thức đó bằng cách giải nhiều bài tập nâng cao. “Sau khi kết thúc năm học thì em tự ôn ở nhà, không đi học thêm. Em học không quá nhiều, trong khi có nhiều bạn học ngày học đêm. Em nghĩ kiến thức đã tích lũy từ lâu, ôn là để sắp xếp lại chứ không phải học lại, không cần phải quá nhồi nhét nếu không sẽ rất dễ bị loạn”, Hương chia sẻ.
Nghe con kể chuyện, chị Nguyễn Thị Thắm - mẹ Hương vừa mừng vừa tủi bởi việc Hương trở thành sinh viên Trường ĐH Ngoại thương là ước mơ cháy bỏng bấy lâu nay của Hương nhưng con đường phía trước còn lắm khó khăn. Giờ đây, chị là trụ cột nhưng gặp cảnh đau ốm liên miên. Nay Hương chuẩn bị nhập học, cậu con trai lên lớp 11 cũng tại trường chuyên Phan Bội Châu mà chị Thắm chưa xoay xở được gì. “Bây giờ tôi chỉ mong sao còn có đủ sức khỏe để nuôi hai chị em nó ăn học. Dẫu vất vả nhưng tôi chỉ mong hai con học tập thành người để sau này đỡ đần cho gia đình và mang kiến thức của mình xây dựng quê hương, đất nước…”, chị Thắm tâm sự.
Cô Dương Thị Minh Nguyệt - giáo viên chủ nhiệm của Hương cho biết: “Gia đình Hương rất hoàn cảnh nhưng em là học sinh giàu nghị lực, học rất giỏi và chăm chỉ trong học tập. Ngoài ra, Hương là một lớp phó học tập năng nổ, nhiệt tình được thầy cô, bạn bè quý mến. Ba năm THPT tại trường chuyên Phan Bội Châu, tổng kết các môn đều trên 9 điểm”.