Hai ngày hai vụ tử vong tại bể bơi trường học, lỗ hổng ở đâu?

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Các đơn vị tổ chức dạy bơi kể cả trong hay ngoài nhà trường đều phải đảm bảo quy định an toàn, có nhân viên cứu hộ theo quy định nhưng một số đơn vị chưa thực hiện tốt yêu cầu này".

Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) - liên quan đến hai vụ đuối nước thương tâm trong bể bơi trường học tại Hà Nội và Nghệ An mới đây.

Theo một số chuyên gia, giáo viên bơi và huấn luyện viên (HLV) bơi đều phải có kỹ năng phòng chống đuối nước cho chính bản thân mình và người học.

Họ có nhiệm vụ phải giáo dục cho người học giá trị của việc học bơi, những nguy cơ và các mối nguy hiểm khi xuống nước, các quy tắc bắt buộc phải tuân thủ khi xuống nước.

Việc phổ biến, hướng dẫn học sinh về những quy tắc này và yêu cầu tuân thủ quy tắc trước khi xuống bể là bắt buộc. Đặc biệt, các đơn vị cần có nhân viên cứu hộ khi tổ chức dạy bơi.

Hai ngày hai vụ tử vong tại bể bơi trường học, lỗ hổng ở đâu? - 1

Các đơn vị cần có nhân viên cứu hộ khi tổ chức dạy bơi (Ảnh: Hoài Nam).

Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 24/8, ông Nguyễn Nho Huy cho biết, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong và ngoài trường học đều phải tuân thủ theo Thông tư của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Theo đó, khi các đơn vị tổ chức dạy bơi kể cả trong hay ngoài nhà trường đều phải đảm bảo quy định an toàn là số 1, có nhân viên cứu hộ theo quy định. 

Cũng theo Phó Vụ trưởng, một số trường học hiện có tuyển dụng nhân viên cứu hộ trong các giờ dạy bơi nhưng một số trường chưa thực hiện đúng quy định này.

Về câu hỏi hiện khoảng bao nhiêu trường học chưa đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo an toàn về dạy bơi, ông Nho cho biết, đơn vị này đang rà soát trên toàn quốc để có tổng hợp cụ thể. 

Được biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bơi là môn học tự chọn được triển khai phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các địa phương, nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số đơn vị phát hành và truyền thông các tài liệu, ấn phẩm hướng dẫn cách phòng chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động đầu tư để tăng cường dạy bơi trong nhà trường bằng các hình thức phù hợp, theo mô hình kết hợp công tư, gia đình - nhà trường - xã hội.

Tuy nhiên chỉ trong vài ngày qua, có 2 vụ học sinh tử vong liên quan đến bể bơi trường học.

Tại Hà Nội, ngày 22/8, lớp 9A1 Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam có tiết bơi trong thời gian 13h20-14h, do giáo viên T.L.T. phụ trách. 

Khoảng 13h20, giáo viên T. tập trung 27 học sinh lớp 9A1 tại khu vực bể bơi. Sau khi khởi động, lớp chia làm 2 nhóm. Một nhóm tự chơi thể thao ở sân trường, một nhóm gồm 11 học sinh được giáo viên T. dẫn vào bể thực hành.

Tuy nhiên, giáo viên T. không phổ biến, hướng dẫn học sinh mà để cho các em tự do xuống bể bơi. Còn bản thân giáo viên T. ngồi trên bờ và sử dụng điện thoại trong suốt tiết học.

Khi học sinh P.H.A. vùng vẫy rồi bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên T. vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, hoàn toàn không hay biết về sự việc. 20 phút sau đó, ông T. gọi các học sinh lên bờ, cho lớp tự giải tán, không điểm danh và không biết về sự vắng mặt của em P.H.A..

Chỉ đến khi nhân viên dọn bể bơi vào khu vực bể vệ sinh mới phát hiện sự việc.

Tối 23/8, thầy T. bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án cũng đã được khởi tố.

Tại Nghệ An, mặc dù không phải trong giờ học bơi nhưng khoảng 15h ngày 22/8, một nhóm học sinh rủ nhau đến bể bơi một trường THPT ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh (Nghệ An) tắm.

Trong lúc tắm, mọi người không thấy em N.T.B. (13 tuổi trú ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) ở đâu nên lặn xuống tìm và phát hiện B. nằm dưới đáy bể bơi.

Theo thông tin cơ quan chức năng cho hay, dù được cấp cứu kịp thời nhưng em B. đã tử vong tối 23/8.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm