Hà Nội: Vẫn bí phương án xét tuyển lớp 6 đối với trường “nóng”

(Dân trí) - Chiều 21/4, Thành ủy Hà Nội đã dành toàn bộ thời gian buổi giao ban báo chí thường kỳ để lãnh đạo Sở GD-ĐT trao đổi những nội dung liên quan đến tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016. Nhiều câu hỏi được báo chí đặt ra nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Tại cuộc họp báo, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Ngay từ năm học 2014-2015 chuẩn bị cho kế hoạch 2015-2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng tất cả kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Trong đó, quy định điều kiện tuyển sinh đầu cấp, những vấn đề cần chỉ đạo các nhà trường, phòng GD-ĐT và các UBND quận huyện.
 
Việc tuyển sinh từ mầm non đến THCS trách nhiệm thuộc UBND các quận huyện. Muốn làm tốt phải chỉ đạo các trường làm nghiêm túc, công khai, minh bạch, đảm bảo tạo điều kiện cho người dân và học sinh thủ đô. Hà Nội có đủ trường đáp ứng việc học của con em.
Đại diện của Sở GD-ĐT Hà Nội giải đáp các thắc mắc về công

Đại diện của Sở GD-ĐT Hà Nội giải đáp các thắc mắc về công tác tuyển sinh lớp 6.
 

Lo ngại luyện thi IQ, EQ nên chuyển sang xét tuyển?

Trước các câu hỏi, lý do thay đổi đột ngột về việc cho phép 3 trường được tổ chức đánh giá năng lực nhưng sau đó lại hủy, ông Phạm Văn Đại giải thích: Hiện nay ở Hà Nội có một số trường được dư luận đánh giá cao và địa bàn tuyển sinh rộng. Chính vì thế dẫn đến tình trạng số lượng hồ sơ đăng ký đông nhưng chỉ tiêu thì có hạn.

“Từ tháng 3/2015 Bộ trưởng Giáo dục ban hành chỉ thị về chấn chỉnh học thêm dạy thêm trên toàn quốc trong đó có cấm các trường không khảo sát học sinh đầu cấp và không tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề mới, cần tính đến đặc thù thủ đô đang xây dựng trường chất lượng cao.

Chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến đặc thù cho thủ đô. Bộ đã có văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc không tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là lớp 6. Để ban hành quyết định về hành chính phải làm thận trọng trên cơ sở khoa học. Trước hết phải thu thập tất cả thông tin và ý kiến chuyên gia. Chúng tôi đề nghị các trường có lượng học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu phải xây dựng đề án khả thi về tuyển sinh cho phù hợp” - ông Đại cho hay.
 
Ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội
Ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Ông Đại cũng cho biết thêm, sau khi các trường trình đề án lên, Sở GD-ĐT đã mời các chuyên gia, dư luận, nhân dân và báo chí, cha mẹ học sinh để thông tin góp ý làm sao giải quyết chặt chẽ, khoa học vấn đề.

Sau đó, Sở GD-ĐT họp với các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà trường. Khi trao đổi, Sở GD-ĐT nhận thấy có ba trường có khả năng thử thí điểm là THCS Nguyễn Tất Thành, là trường thực hành sư phạm, nơi đào tạo học sinh làm cơ sở thực hành cho giáo viên các trường sư phạm, có thể ứng dụng tiến bộ khoa học vào đổi mới phương pháp dạy và học.

Các trường Lương Thế Vinh và Marie Curie có đánh giá năng lực qua các trò chơi trí tuệ, EQ, IQ. Quan điểm của Sở là khi tổ chức đánh giá năng lực các trường làm có thể làm đột phá tuyển sinh cho ngành, chuyển từ đơn môn sang đa môn, và kích thích năng lực sáng tạo trong học sinh.

Sau khi đồng ý cho phép 3 trường được tổ chức đánh giá năng lực, chúng tôi thấy việc cần xin ý kiến nhà khoa học, cha mẹ học sinh và thông tin đại chúng.

Qua đánh giá của dư luận thì luồng ý kiến đầu tiên đồng tình và cho rằng đây là phương pháp tiên tiến thế giới hay dùng trong tuyển sinh và tuyển dụng trong các công ty, tập đoàn lớn. Luồng ý kiến hai thì lại cho rằng muốn đánh giá IQ, EQ cần cơ sở hoặc trung tâm bên ngoài mới đánh giá năng lực thực sự của người học. Cần có hệ thống giáo sư, chuyên gia chuyên nghiên cứu về vấn đề mới có thể đưa câu hỏi chính xác, phù hợp lứa tuổi. Trong khi các trường chuyên gia còn thiếu, chưa phù hợp lứa tuổi.

Xét thấy vấn đề này còn mới, chưa được phổ biến trong dư luận. Học sinh có thể thay vì học Toán - Văn - Ngoại ngữ sẽ lại đi học để làm sao làm được các bài test IQ, EQ. Sau khi Ban giám đốc nghiên cứu tất cả các ý kiến, Sở GD-ĐT quyết định xét tuyển với tất cả các trường tuyển sinh vào lớp 6 trong năm 2015-2016.

“Thời gian tới sở sẽ cùng các phòng GD-ĐT tăng cường cơ sở vật chất có chất lượng tốt, điều động luân chuyển giáo viên để học sinh có chỗ học thuận lợi. Cách làm này cũng giúp cho các trường có chất lượng đồng đều tránh việc tuyển sinh quá tải ở một số nơi” - ông Đại cho hay.

Hiệu trưởng chủ động xây dựng phương án xét tuyển

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, phần lớn các trường THCS tuyển sinh lớp 6 theo tuyến địa bàn. Những em đã hoàn thành bậc tiểu học ở địa bàn có hộ khẩu thường trú thì được chuyển tiếp lên bậc THCS theo đúng tuyển của mình.

Thông thường Hà Nội hàng năm có 9 trường mà hồ sơ đăng ký xét tuyển cao hơn nhiều so với chỉ tiêu. Sau chỉ thị của Bộ GD-ĐT các trường đã tự xây dựng phương án để tuyển sinh theo phương án xét tuyển như Lê Lợi, Nam Từ Liêm, THCS Cầu Giấy.

Tiết lộ tại buổi họp báo, đại diện của trường THCS Lê Lợi cho hay: Việc tuyển sinh vào lớp 6 của trường dựa trên hồ sơ của bậc tiểu học cộng với các tiêu chí ưu tiên như đạt giải các cuộc thi cấp quận, cấp thành phố...

Tuy nhiên, lãnh đạo quận Hà Đông cũng thừa nhận, với việc địa bàn tuyển sinh của Trường THCS Lê Lợi là những học sinh có hộ khẩu ở quận Hà Đông nên áp lực không quá lớn. Nhiều năm nay nhà trường đã tổ chức xét tuyển theo hình thức nói trên và không gặp nhiều trở ngại.

Trước câu hỏi đặt ra, với một số trường như Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành, thậm chí là cả bậc THCS của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam địa bàn tuyển sinh là cả thành phố thì áp lực là rất lớn. Việc dùng các tiêu chí xét tuyển rất khó khăn. Vậy Sở có phương án chi tiết hay không, nhất là Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam thuộc sự quản lý của Sở?

Nhấn mạnh với báo chí, phó Giám đốc Phạm Văn Đại cho biết: Trước hết hiệu trưởng chịu trách nhiệm tuyển sinh, quản lý vận hành nhà trường. Không ai am hiểu quản lý bằng các hiệu trưởng. Các hiệu trưởng lên phương án báo cáo với phòng, sở để chúng tôi xem xét có phù hợp không, làm lợi cho các học sinh hay không chúng tôi sẽ xem xét và có ý kiến đồng ý phương án đó.

Buổi họp báo kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất là một phương án cụ thể, đặc biệt là của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam lại chưa được giải đáp.

Nguyễn Hùng