Bài thi IQ, EQ cho học sinh: Gấp quá hóa hỏng?

(Dân trí) - Theo Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, học sinh và phụ huynh vẫn chưa được làm quen nhiều với khái niệm IQ, EQ, vì thế để áp dụng bài test vào tuyển sinh lớp 6 cần phải công khai đề mẫu cho học sinh làm quen trước.

Liên quan đến việc nhiều trường “hot” ở Hà Nội tuyển sinh vào lớp 6 bằng phương thức test IQ và EQ, một hình thức mới khiến nhiều phụ huynh lo lắng, phóng viên báo điện tử Dân Trí đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt, nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em.

Cần công khai đề mẫu để học sinh làm quen với phương thức tuyển sinh bằng bài test IQ, EQ

Cần công khai đề mẫu để học sinh làm quen với phương thức tuyển sinh bằng bài test IQ, EQ

Theo bà Lan Anh, phương thức test IQ và EQ có nhiều ưu điểm, thứ nhất: Giúp học sinh tiểu học sẽ có nhiều thời gian trải nghiệm tuổi thơ hơn là "cày mặt" đi ôn luyện từ năm lớp 3.

Thứ hai, không thi các môn văn hóa, con trẻ có cơ hội tiếp cận phạm vi kiến thức rộng hơn, đa lĩnh vực hơn, không quá chăm chăm “học gạo” toán, tiếng Việt nữa.
 
Thứ ba, không bị áp lực thi cử. “Thử nghĩ xem, con trẻ lớp 3 đã đưa vào “lò luyện chuyên” thì còn gì là tuổi thơ nữa. Suốt ngày chỉ học và nuôi như gà công nghiệp, trẻ mất dần những kỹ năng sống căn bản, hạn chế khả năng sinh tồn và khó thích nghi trong cuộc sống đầy biến động này”, Thạc sỹ Lan Anh nói.

Bên cạnh đó, bà Lan Anh cũng chỉ ra những nhược điểm của phương thức này, thứ nhất: Quá gấp gáp về khoảng thời gian từ khi công bố dạng đề IQ, EQ đến khi thi quá ngắn – giải pháp tình thế thường khó nhìn xa được là thế.

Thứ hai, học sinh bị động cũng bởi thời gian công bố dạng đề quá ngắn, học trò không có thời gian, cơ hội để làm quen dạng đề, bộ đề trước khi thi. Ở các cấp học trên, Bộ GD-ĐT thường có đề mẫu, dạng đề công khai cho học sinh ôn luyện.

Thiết nghĩ, với các trường này, thời gian chuyển đổi đề ngắn như vậy, họ có công bố dạng đề cho học sinh không?

Thứ ba, tạo tâm lý lo lắng cho phụ huynh không cần thiết. Ngay khi biết thông tin đổi hình thức thi này, rất nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng, thậm chí chán nản vì trước đó, họ đã có 3 năm chuẩn bị cho con ôn luyện theo dạng đề cũ.

Cũng từ sự thay đổi này, có thể rất nhiều học sinh có thể đỗ nếu thi dạng đề cũ, nhưng lại trượt khi thi đề mới này.

Theo Thạc sỹ Lan Anh, học sinh và phụ huynh vẫn chưa được làm quen nhiều với khái niệm IQ, EQ, vì thế để áp dụng vào bài test, cần phải công khai đề mẫu cho học sinh làm quen trước.

Phụ huynh căn cứ đề mẫu đó để tìm các bài tương tự cho con làm. Đây cũng là cách cho học trò chủ động hơn, tự tin hơn khi bước vào phòng thi, tránh tâm lý căng thẳng không đáng có.

Tiếp đó, nên lùi thời gian thi ít nhất 1 tháng so với thời gian cũ, để học sinh có thêm thời gian làm quen với dạng đề mới. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để “ứng phó” với giải pháp cũng tình thế của các trường.

Đồng thời, phụ huynh cũng nên trao đổi với con về việc thay đổi đề thi, giải thích cho con những khác biệt giữa 2 dạng đề ở mức độ đơn giản nhất để con hiểu. Bố mẹ cũng không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào con, hãy để cho con bước vào trường thi một cách thoải mái nhất, thư thái nhất; như vậy, chúng ta sẽ giảm một phần những áp lực thi cử cho các con.

Cùng liên quan đến việc tuyển sinh lớp 6, tối ngày 16/4, sau buổi họp của ban giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Sở GD-ĐT đã thống nhất về phương thức tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016 của các trường trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện quy định này, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng phương án tuyển sinh để trình Sở GD-ĐT xem xét. Trước khi thống nhất về các phương án tuyển sinh của các trường, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, giáo viên các nhà trường.

Hà Nội có 627 trường THCS và trường phổ thông có cấp THCS. Trong số 6 trường gửi đề xuất về phương thức tuyển sinh lớp 6, Sở GD-ĐT Hà Nội thống nhất với phương án tuyển sinh của 3 trường: Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Curie. Cụ thể, năm học 2015-2016, trường Nguyễn Tất Thành (thuộc trường ĐH Sư phạm) đề xuất phương thức tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực HS. 

Sở GD-ĐT nhận thấy phương án này là phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay. Đây cũng là vấn đề mà các trường thuộc hệ thống sư phạm phải đi tiên phong, vì vậy sau khi xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục và nhiều giáo viên, Sở GD-ĐT thống nhất với đề xuất này của trường Nguyễn Tất Thành. Phương án của trường Lương Thế Vinh và trường Marie Curie xây dựng là xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực HS thông qua việc tổ chức các trò chơi trí tuệ. 

Theo Sở GD-ĐT, đây là các trường ngoài công lập, có thể chủ động trong tổ chức tuyển sinh và cũng là những đơn vị có môi trường phù hợp để thực hiện theo phương thức này.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cũng cho biết, trừ 3 trường đã đề cập ở trên, các trường còn lại trên địa bàn Hà Nội đều phải thực hiện theo đúng phương thức do Bộ GD-ĐT quy định là xét tuyển để tuyển HS vào lớp 6, kể cả trường THPT Chuyên Hà Nội - Amstrdam. Được biết, phương án đề xuất của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực đa trí tuệ của HS. 

Theo nhận định của Sở GD-ĐT, đây là phương án tuyển sinh được sử dụng ở nhiều nước tiên tiến và có nhiều ưu điểm, song sau khi nghiên cứu và ghi nhận các ý kiến góp ý, Sở GD-ĐT nhận thấy cần có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ hơn về các điều kiện để triển khai, vì vậy nên trong năm học 2015-2016, việc tuyển sinh vào lớp 6 của trường THPT Hà Nội - Amsterdam thực hiện theo phương thức xét tuyển.

Lê Tú
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm