Hà Nội: "Tuyển thẳng thí sinh F0, F1 chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách"
(Dân trí) - "Các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất tuyển thẳng các trường hợp F0, F1… đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Tránh việc trục lợi chính sách" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 sáng 3/6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, hiện các ổ dịch ở thành phố đã được kiểm soát tích cực, 6 ngày không có ca mắc mới ở ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, lại có nhiều ca F1 trở thành F0 ở các khu cách ly tập trung.
"Thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ cao cần sự chung sức của mọi người dân để cùng dập dịch" - ông Dũng nói và dẫn chứng tình hình dịch bệnh của nhiều địa phương trên cả nước trong đó có TPHCM.
Đề cập đến việc thi tuyển sinh lớp 10, theo ông Dũng, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã có hướng dẫn liên ngành cụ thể tới các địa phương, điểm thi và cha mẹ học sinh, thí sinh phải thực hiện những phần việc gì để chống dịch. Sở GD-ĐT cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn các hướng dẫn này để mọi người tham gia kỳ thi thực hiện tốt nhất các biện pháp, không để xảy ra các tình huống xấu.
Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ, theo đề xuất của Sở GD-ĐT, thí sinh là F0, F1 (F0 chưa có, 11 F1 rải đều ở nhiều địa bàn) sẽ được tuyển thẳng và việc tuyển thẳng không tính vào các chỉ tiêu được giao. Phương án này được đưa ra để đảm bảo an toàn cho các thí sinh, các lực lượng phục vụ kỳ thi.
"Trưởng Ban chỉ đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất tuyển thẳng các trường hợp F0, F1 và xét tuyển với F2 đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Phải thực hiện chính sách một cách chặt chẽ, tránh việc trục lợi chính sách" - ông Dũng nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của người dân về việc đề thi có giảm thời gian làm bài so với trước đây, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên, chỉ giảm độ dài từng phần để đảm bảo vẫn phân loại được thí sinh.
Đồng thời, thành phố sẽ không tổ chức thi buổi chiều; từ 3 buổi rút thành 2 buổi thi để đảm bảo an toàn, giảm áp lực nhưng vẫn đảm bảo chất lượng trong công tác tuyển sinh.
Ngành Y tế phải chịu trách nhiệm khi cấp giấy xác nhận thí sinh F0, F1, F2
Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022.
Kết luận về nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh chưa từng có do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên công tác tổ chức phải có những kịch bản đặc biệt; yêu cầu, trong mọi tình huống, bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn cho thí sinh và tổ chức thành công kỳ thi này.
Toàn thành phố có hơn 93.000 học sinh đăng ký dự thi. Sở GD-ĐT Hà Nội đã dự kiến bố trí 184 điểm thi và điều động hơn 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tổ chức, phục vụ.
Lưu ý một số điểm quan trọng trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi, Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị, tổ chức thi vào hai buổi sáng cuối tuần để vừa bảo đảm giãn cách, vừa có thời gian thực hiện các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn, khai báo y tế... Thời gian thi rút ngắn, nhưng phải bảo đảm chất lượng bài thi theo đúng quy định.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản tổ chức tổng thể và kịch bản tổ chức cụ thể đối với từng điểm thi; bao quát toàn diện các vấn đề, nhất là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; có phương án xử lý từng tình huống như phát hiện ca dương tính, ca nghi mắc Covid-19, thí sinh có biểu hiện ho, sốt...
Ngoài việc điều chỉnh thời gian thi, các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 sẽ được xét tuyển. Thí sinh đã đăng ký dự thi được chia thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 là thí sinh thuộc diện F0, F1 sẽ được tuyển thẳng; riêng F2 sẽ được xét tuyển vào trường công lập có nguyện vọng đăng ký dự tuyển.
Về việc này, Bí thư Thành ủy đề nghị ngành Y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xét nghiệm và cấp giấy xác nhận F0, F1, F2 cho thí sinh. UBND thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực trong việc này và cả kỳ thi…