Hà Nội: Sẽ đưa giáo viên giỏi từ nội thành ra trường ngoại thành
(Dân trí) - Thông tin này được Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021- 2022, diễn ra ngày 15/8, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa học sinh nội thành và ngoại thành.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ngoài việc tăng cường đào tạo các em học sinh có thêm nhiều kĩ năng, kiến thức, thời gian tới, đơn vị này đang nghiên cứu, đưa giáo viên giỏi từ các trường có truyền thống tốt ở khu vực nội thành ra ngoại thành, nhằm chuyển giao các kinh nghiệm, phối hợp đào tạo để thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, tính đến hết năm học 2021-2022, 3.649 giáo viên tiếng Anh được Sở GD&ĐT Hà Nội xếp lớp học IELTS để nâng chuẩn.
Ngoài 3.649 thầy cô được học IELTS, 1.900 giáo viên tiếng Anh khác cũng được đào tạo nâng chuẩn quốc tế.
Những giáo viên tiếng Anh được tham gia nâng chuẩn đều đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, được áp dụng với bậc phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Xét chung toàn bộ giáo viên các môn và cán bộ quản lý, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật giáo dục 2019 lần lượt là 92% mầm non, 91,7% tiểu học, 84,5% THCS và 100% THPT.
So với mức trung bình cả nước, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của Hà Nội tương đương tại các bậc, trừ bậc tiểu học cao hơn 20%.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, tuy không quá nặng nề về thứ hạng nhưng giáo dục Hà Nội cần đánh giá vì sao lại đứng thứ 25 toàn quốc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đồng thời, Thủ đô cần tập trung 3 việc, đó là tiên phong, đột phá về hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất cách thức, cơ chế chính sách mới về giáo dục, có cơ chế quản lý để tạo điều kiện cho các nhà trường phát triển; quan tâm chất lượng cả giáo dục mũi nhọn và đại trà vì khoảng cách giáo dục giữa các khu vực còn rất lớn.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2022- 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/8, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất tăng số lượng hiệu phó từ hai lên ba với các trường có 45 lớp học trở lên.
Ông Cương cho biết, theo Nghị định 120 năm 2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, mỗi cơ sở giáo dục công lập không quá hai cấp phó.
Quy định này gây khó khăn cho Hà Nội, bởi đặc thù dân số đông, số lượng trường chuyên, trọng điểm quốc gia lớn khiến tỷ lệ các trường trên 45 lớp học của thành phố khá cao nên việc chỉ có hai hiệu phó gây khó khăn trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành tại các trường.
Hiện các quận nội thành Hà Nội gặp quá tải về số lượng học sinh. Trong khi đó, tại thông tư 18 năm 2018 của Bộ GD&ĐT, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đạt diện tích tối thiểu 6 m2/học sinh (áp dụng với nội thành) và 10m2/học sinh (ngoại thành).
Do vậy, người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô đề xuất với Bộ GD&ĐT để Hà Nội có thể tăng số lượng hiệu phó từ hai lên ba với các trường có 45 lớp học trở lên.
Đồng thời cho ngành GD&ĐT Hà Nội có cơ chế đặc thù trong tính diện tích sàn thay vì đất sử dụng/học sinh để công nhận trường chuẩn quốc gia.
Tính đến hết tháng 6/2022, toàn TP Hà Nội có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên, học viên. Thủ đô cũng có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên.
Năm học 2021-2022, Hà Nội xây mới, thành lập mới 6 trường học; cải tạo, sửa chữa 45 trường; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc