Hà Nội: Không ép buộc học sinh học thêm trong dịp hè

(Dân trí) - Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, hoạt động ôn tập văn hoá trong hè cho HS chỉ được triển khai từ 16/7 trên cơ sở tự nguyện, không được ép buộc HS học thêm trong dịp hè; nghiêm cấm việc tổ chức dạy trước chương trình của năm học 2013 - 2014.

Bên cạnh đó, không được tổ chức ôn tập, luyện thi, thi, kiểm tra (có thu tiền) để xếp chọn học sinh (HS) vào lớp chọn, lớp phân ban đối với các lớp tuyển sinh đầu cấp.

Hiệu trưởng các nhà trường, Giám đốc các trung tâm Giáo dục thường xuyên lập kế hoạch ôn tập văn hoá trong dịp hè cho những HS có nguyện vọng được phụ đạo hoặc bồi dưỡng chú ý đối tượng HS yếu, kém và chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của đơn vị mình theo đúng Quy định về dạy thêm, học thêm của UBND Thành phố Hà Nội.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, mục đích của tổ chức hoạt động hè cho HS là nhằm phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên các địa bàn dân cư nơi HS cư trú, tổ chức cho HS được tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi bổ ích, lý thú, thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục HS trong kỳ nghỉ hè năm 2013.

Chính vì thế nhà trường chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn, Hội, Đội ở địa phương để tổ chức bàn giao HS về sinh hoạt hè tại địa phương và tham gia chỉ đạo, tổ chức các hoạt động hè.Việc tổ chức hoạt động hè cho HS thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tăng cường tuyên truyền, vận động khuyến khích các em tham gia có sự ủng hộ của cha, mẹ HS, tránh áp đặt. Tổ chức các hoạt động phải đảm bảo an toàn, giáo dục ý thức chủ động phòng chống các tai nạn, các tệ nạn xã hội cho HS; thông qua các hoạt động tạo tâm thế phấn khởi chuẩn bị tốt các điều kiện bước vào năm học mới.

Cụ thể, nhà trường chủ động phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức bàn giao HS về sinh hoạt hè tại địa phương và tiếp nhận HS trở lại trường học tập sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè. Tổ chức các hoạt động tham quan học tập, các di tích lịch sử, văn hóa… giao lưu với cựu chiến binh, các cán bộ cách mạng lão thành; tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa nhân dịp ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, đặc biệt tiếp tục chăm sóc di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và công trình ghi công liệt sỹ.

Phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trong dịp hè cho HS, đặc biệt chú ý phòng chống tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, dịch bệnh…; tuyên truyền Luật giao thông đường bộ; phòng chống ma tuý; phòng chống tội phạm; phòng chống các tệ nạn xã hội; phòng chống xâm hại, lạm dụng trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho HS..., xây dựng phong cách học sinh thủ đô “Văn minh - Thanh lịch”. Phối hợp với Ban đại diện cha, mẹ học sinh, Công an, Chính quyền địa phương, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời đối với những HS chưa ngoan. Phối hợp với gia đình quản lý con em trong dịp hè, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như buôn bán sử dụng ma tuý, đua xe, đánh bạc…

Bên cạnh đó, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở câu lạc bộ, thư viện, nhà văn hoá, sân chơi thể thao… của địa phương, nhà trường. Căn cứ vào thực tế, điều kiện của nhà trường và nguyện vọng của Hội Cha, mẹ HS, nhà trường phối hợp với các trung tâm TDTT, các nhà văn hoá, nhà thiếu nhi... tổ chức có hiệu quả các lớp dạy bơi, lớp dạy vẽ, thể dục nhịp điệu, bóng rổ..., mở các CLB như nghệ thuật, Toán học, Văn học, Ngoại ngữ, CLB sức khoẻ sinh sản vị thành niên.

Tổ chức các hoạt động giao lưu trong trường, cụm trường, lựa chọn đưa một số trò chơi dân gian phù hợp lứa tuổi HS. Tăng cường giáo dục, định hướng cho HS ý thức tự chọn các nội dung khi sử dụng Internet theo hướng lành mạnh, bổ ích, đảm bảo sức khoẻ. Mở cửa thư viện cho HS đọc sách, báo...

Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường tăng cường hoạt động xã hội, học nghề, lao động công ích. Chẳng hạn như, phối hợp tổ chức cho HS tham gia các đội, nhóm Thanh niên tình nguyện trên địa bàn dân cư do Đoàn Thanh niên địa phương quản lý; Tổ chức cho HS tham gia giữ gìn thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp tích cực tham gia phong trào vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy hàng tuần ở khu dân cư; Tham gia vệ sinh, tu sửa trường, lớp chuẩn bị cho năm học mới; Đặc biệt quan tâm tới HS gia đình chính sách, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS chậm tiến, HS có năng khiếu…

S.H