Hà Nội: Học sinh phổ thông đưa môn khoa học vào khởi nghiệp

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Với quan điểm "Giáo dục chính là cuộc sống", để những trang sách được vào cuộc sống thường ngày, nhóm học sinh khối 6 một trường phổ thông ở Hà Nội đã biến môn khoa học thành dự án khởi nghiệp.

Từ tiết học về nấm, nhóm gồm 36 học sinh khối 6, Trường Dewey Cầu Giấy đã kết nối liên môn với Kinh doanh, Công nghệ, Sinh học để biến môn học thành dự án có thể khởi nghiệp.

Cụ thể, các học sinh đã biến những kiến thức trong sách vở, từ việc trồng nấm, kết hợp với những kiến thức bên ngoài lớp học của bộ môn kinh doanh- hướng nghiệp, nhằm chào bán, định giá sản phẩm.

Với cách học này, học sinh trở thành trung tâm của việc học, tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, đồng thời chính các em là người kiến tạo nên tri thức cho chính mình.

Hà Nội: Học sinh phổ thông đưa môn khoa học vào khởi nghiệp - 1

Học sinh lớp 6 của nhà trường ủ rơm chuẩn bị trồng nấm (Ảnh: L.P).

Từ những lý thuyết khô khan bỗng trở nên sinh động và thú vị, học sinh hào hứng khi được tự tay tạo phôi, nuôi trồng nấm, hồi hộp theo dõi quá trình sinh trưởng của nấm.

Thay vì đọc chép các môn khoa học khô khan trên bục giảng như trước đây, học sinh tự tham gia trải nghiệm mới mẻ khi trực tiếp làm một nhà khoa học, một doanh nhân, một nhà thiết kế.

Đặc biệt, mỗi học sinh còn có cơ hội khám phá thế mạnh của bản thân khi được trao quyền với những nhiệm vụ sáng tạo như: Vẽ poster, thuyết trình, báo giá, viết thư mời… Đây là điều mà những lớp học đọc chép kiểu truyền thống khó lòng dạy được.

Hà Nội: Học sinh phổ thông đưa môn khoa học vào khởi nghiệp - 2

Rơm được cắt ra, ngâm nước vôi theo tỷ lệ nhất định trước khi trồng nấm (Ảnh: L.P).

Em Bùi Hoàng Thiên Ân, học sinh lớp 6 cho hay, trước đây em không nghĩ môn khoa học và sinh học lại thú vị đến thế.

Không phải những công thức hay phải học thuộc lý thuyết, các em được quan sát và ghi chép lại nhận định của mình về quá trình sinh trưởng phát triển của nấm.

Đặc biệt, tuy dự án này được phát triển ngoài khuôn khổ của môn học nhưng các em được nhà trường ủng hộ và tạo điều kiện từ khâu thực hiện ý tưởng, thuyết trình đưa sản phẩm vào thực đơn của nhà trường để thay thế một phần thịt động vật, giúp bảo vệ môi trường.

Chia sẻ với PV Dân trí, cô Nguyễn Mai Anh, giáo viên khoa học của nhà trường cho biết, quan trọng của việc dạy/học thực tế như trên đây là giáo viên có trao quyền tự chủ cho học sinh hay không. Trong đó, giáo viên chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, hướng dẫn còn các em chủ động thực hiện dưới sự dẫn dắt mang tính định hướng ấy.

Hà Nội: Học sinh phổ thông đưa môn khoa học vào khởi nghiệp - 3

Không chỉ dừng lại ở môn học, nhóm học sinh khối 6 của nhà trường đã ký được hợp đồng cung cấp nấm cho một đơn vị (Ảnh: L.P).

Cũng theo cô Mai Anh, học sinh thường rất sợ các môn khoa học bởi rất lý thuyết và hàn lâm, khô khan.

Nhưng khoa học hiện nay, nếu muốn gần gũi hơn với học sinh phải thông qua các trải nghiệm, thí nghiệm thực hành.

Với cách tiếp cận đó, từ những trang sách, cô và trò đã biến thành các dự án học tập, các dự án liên môn để học sinh yêu khoa học hơn, thấy khoa học gần gũi hơn với cuộc sống bởi khoa học cũng chính là cuộc sống.

Được biết câu chuyện khởi nghiệp sớm không còn quá xa lạ với nhiều học sinh, sinh viên, nhất là từ khi Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 30/10/2017, được triển khai.

Tinh thần khởi nghiệp đã được xới xáo không chỉ ở trường đại học mà còn cả ở trường phổ thông, song từ ý tưởng đến hiện thực là một chặng đường dài với nhiều rào cản, rõ nhất là vấn đề kinh phí.

Về điều này, cô Mai Anh cho rằng, điều khó khăn nhất của học sinh trong việc thực hiện các dự án học tập là làm sao nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ bên ngoài hay nói cách khác là "gọi vốn".

Hà Nội: Học sinh phổ thông đưa môn khoa học vào khởi nghiệp - 4

Món nấm của học sinh lớp 6 được đưa vào thực đơn của nhà trường (Ảnh: L.P).

"Người ta có một câu muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau, muốn các dự án học tập của học sinh được thực hiện trong trường phổ thông và mang đến với nhiều người, trước hết các em phải có năng lực lựa chọn ý tưởng, cùng nhau tìm giải pháp và quan trọng làm sao vận động được sự ủng hộ của các mạnh thường quân hoặc của phụ huynh", cô Mai Anh nói.

Thầy Nguyễn Trọng Tùng, Trưởng Ban kinh doanh- Hướng nghiệp của nhà trường nhận xét, việc dạy học các bộ môn liên quan đến khởi nghiệp trong nhà trường hiện nay, nhất là trường công thường bị rào cản bởi nguồn lực, số lượng học sinh trên lớp quá đông, giáo viên chuyên trách chưa có nên phải kiêm nhiệm.

Kỹ năng mềm hay quản lý tài chính cá nhân là từ khóa quan trọng, đặc biệt trong các nền giáo dục tiên tiến và phát triển, người ta đã dạy kỹ năng này cho học sinh từ cấp tiểu học.

Ở nước ta, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã lồng ghép các hoạt động quản lý tài chính cá nhân từ năm lớp 6 đến lớp 9.

"Theo tôi, chúng ta cũng nên đưa kỹ năng này vào giảng dạy từ sớm để các em có thể quản lý các rủi ro trong cuộc sống", thầy Tùng nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm