Hà Nội: Hàng loạt trường tiểu học lạm thu

(Dân trí) - Bộ GT&ĐT vừa gửi UBND thành phố Hà Nội kết luận thanh tra về dạy thêm, học thêm và các khoản thu chi đầu năm. Qua quá trình kiểm tra tại một số trường tiểu học, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT đã phát hiện hàng loạt trường lạm thu.

Dạy thêm tràn lan, nhiều khoản thu ngoài quy định

Theo Bộ GD&ĐT, hầu hết các trường tiểu học được thanh tra đều tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm, học thêm trái quy định. Tuy nhiên, phản ánh của học sinh qua phiếu khảo sát của Đoàn Thanh tra Bộ Giáo dục cho thấy, các Trường tiểu học: Láng Thượng, Ngọc Lâm, Cổ Nhuế B, Kim Giang vẫn có tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh từ 16h30 đến 20h00 các ngày học và thứ bảy, chủ nhật. Riêng trường tiểu học Láng Thượng, quận Đống Đa, học sinh nêu rõ tên 3 giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.
 
Quá nhiều khoản thu khiến cha mẹ học sinh chật vật kiếm tiền đóng học cho con (ảnh minh họa)

Quá nhiều khoản thu khiến cha mẹ học sinh chật vật kiếm tiền đóng học cho con (ảnh minh họa)

Trong khi đó, trường tiểu học Đông Ngạc B, Cổ Nhuế B (huyện Từ Liêm) và trường tiểu học Láng Thượng (quận Đống Đa) liên kết với các trung tâm dạy tiếng Anh tại trường ngoài giờ học chính khóa nhưng chưa quản lý tốt nguồn kinh phí đóng góp của học sinh.

Trường tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai tổ chức dạy thêm một số môn như tiếng Anh, tin học, luyện chữ trái quy định của Bộ GD&ĐT ban hành.

Quá trình kiểm tra Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng phát hiện một số hạn chế như một số trường chưa lập dự toán chi để làm căn cứ tính toán mức thu (trường tiểu học Cổ Nhuế B, trường tiểu học Xuân Đỉnh và trường tiểu học Kim Liên) hoặc nhà trường lập dự toán không đầy đủ, chi tiết như trường tiểu học Đông Ngạc B.

Một số trường chưa tổ chức họp với cha mẹ học sinh để trình bày dự toán chi và dự kiến mức thu đã gửi văn bản xin ý kiến cha mẹ học sinh đồng ý hay không với các khoản thu do nhà trường đề xuất như trường tiểu học Láng Thượng, trường tiểu học Kim Giang, trường tiểu học Kim Liên. Theo nhận xét của Thanh tra Bộ GD&ĐT thì cách làm này đã dẫn đến việc một số cha mẹ học sinh bức xúc, không đồng thuận với chủ trương của nhà trường.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số trường chưa quản lý chặt chẽ quỹ tiền mặt như trường tiểu học Cổ Nhuế B, đến thời điểm thanh tra vẫn giữ số tiền thu thỏa thuận tại két của trường. Trường tiểu học Xuân Đỉnh để giáo viên giữ, chưa thu về quỹ trường tiền đóng góp thỏa thuận của các lớp.

Một số trường được thanh tra có hiện tượng thực hiện các khoản thu tự nguyện quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh theo hình thức bổ đầu, thu không đúng quy trình và dự kiến chi các khoản trái quy định như trường tiểu học Kim Liên thống nhất chủ trương thu 350.000đ/học sinh/năm học trong khi chưa có kế hoạch nội dung, dự toán chi.

Trường tiểu học Thượng Thanh, quận Long Biên thu kinh phí hỗ trợ sửa chữa nhỏ trong trường với mức thu 20.000 đồng/học sinh/năm học; kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo hình thức bổ đầu, khối cao nhất là 300.000 đồng/học sinh/năm học trong khi chưa lập kế hoạch công việc và dự toán chi, chưa được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên.

Trường tiểu học Ngọc Lâm, quận Long Biên chưa lập kế hoạch công việc và dự toán chi nhưng đã thu kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh với mức 100.000 đồng/học sinh/năm, trong đó dự kiến chi hỗ trợ Tết Nguyên Đán cho giáo viên.

Trường tiểu học Láng Thượng, quận Đống Đa thu kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh với mức 350.000 đồng/học sinh/năm, dự kiến để chi hỗ trợ giảng dạy, chi Tết cho giáo viên.

Trường tiểu học Đặng Trần Côn A có lớp 3B thu 300.000đ/học sinh để lắp điều hòa, và 547.000 đồng/học sinh/năm để lập quỹ hoạt động; lớp 3H thu 600.000đ/học sinh cho quỹ hoạt động và 357.400đồng/học sinh/năm để tổ chức đi tham quan..

Yêu cầu xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai pham

Sau khi kiểm tra, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung thanh tra, làm rõ những sai phạm của các trường về dạy thêm, học thêm kể trên. Trên cơ sở kết quả thanh tra, tiến hành xử lý hoặc kiến nghị UBND các quận, huyện xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm, đồng thời chỉ đạo các trường khắc phục hậu quả theo hướng dừng ngay việc dạy thêm, học thêm và thu tiền trái quy định, trả lại tiền đã thu sai; xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên vi phạm.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý về Bộ trước ngày 30/10/2012.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý thu, chi đầu năm của các trường công lập và dạy thêm, học thêm đối với tất cả các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên trên địa bàn…

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện quản lý chặt chẽ công tác dạy thêm, học thêm đối với tất cả các cấp học và các khoản thu, chi đầu năm học đối với các cơ sở giáo dục công lập; kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trên địa bàn.
 

Ngay sau khi có kết luận Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 15/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính cùng UBND các quận, huyện thực hiện những kiến nghị trên và báo cáo kết quả về thành phố.

Quang Phong - Sỹ Hùng