Hà Nội: Đề thi chuyên Vật lý nặng về tính toán
(Dân trí) - Theo một số chuyên gia, đề thi môn Vật lý vào lớp 10 THPT chuyên KHTN (ĐHQG Hà Nội) dài và khó, kiểm tra toàn diện kiến thức vật lý thực nghiệm và kỹ năng thực hành Vật lí của học sinh nhưng cũng nặng về tính toán.
Ngày 27/5, thí sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên KHTN dự thi môn Vật lý.
Một số giáo viên nhận xét, nội dung đề thi trải rộng từ chương trình Lớp 8 đến chương trình Lớp 9 (lớp 9 chiếm trọng số lớn hơn) gồm 5 câu hỏi tự luận liên quan tới tất cả các lĩnh vực Cơ học, Quang học, Nhiệt học, và Điện học.
Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc phần kiến thức lớp 8, các câu còn lại thuộc chương trình Vật lí 9.
Đề được đánh giá là dài và khó, kiểm tra toàn diện kiến thức vật lý thực nghiệm và kỹ năng thực hành Vật lí của học sinh nhưng cũng nặng về tính toán.
So với đề thi năm ngoái (2018), đề năm nay (2019) có thể coi là tương đương cả về cấu trúc, nội dung, độ phức tạp, và hàm lượng câu hỏi thực hành. Có liên hệ tới thực nghiệm, đánh giá khả năng tư duy khoa học, tư duy thực chứng của học sinh. Khả năng tạo các thí nghiệm để kiểm chứng, đo lường, và đánh giá.
Đề thi 2019 được thể hiện trên ba phương diện:
Đề thi rất dài, học sinh khó có thể làm xong bài thi trong vòng 150 phút, với phạm vi kiến thức trải rộng trong chương trình Vật Lý từ Lớp 8 đến Lớp 9.
Các câu hỏi có độ khó cao, khối lượng tính toán lớn và phức tạp, đòi hỏi học sinh phải có khả năng xử lý số liệu và kiến thức Toán học tốt để áp dụng; ở các dạng toán: giải hệ phương trình, giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình, quang hình học, phần hàm số.
Nhiều nội dung câu hỏi liên quan tới kiến thức thực nghiệm đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tốt về thực hành Vật lý (câu 5 được đánh giá là một câu hỏi chuyên sâu về thực nghiệm)
Nhìn chung, đề thi có khả năng đánh giá và phân loại học sinh với năng lực Vật lí khác nhau và phù hợp với việc thi tuyển học sinh giỏi, chất lượng cao.
M. Hà