Hà Nội: Cấm các trường ép buộc mức đóng góp đối với phụ huynh

(Dân trí) - Trong năm học mới 2017-2018, đối với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý thực hiện theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ký văn bản gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc hướng dẫn về công tác quản lý thu - chi năm học 2017-2018.

Theo đó, khoản thu học phí đối với trẻ nhà trẻ, mẫu giáo, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên được quy định theo từng khu vực.

Cụ thể, mức học phí với học sinh ở khu vực thành thị là 110 nghìn đồng/học sinh/tháng; nông thôn là 55 nghìn đồng/học sinh/tháng và miền núi là 14 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Hà Nội cấm các trường ép buộc hoặc bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh.
Hà Nội cấm các trường ép buộc hoặc bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh.

Việc thu các khoản khác trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn được áp dụng theo danh mục và quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố về thu, sử dụng các khoản thu khác.

Đối với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của Nhà trường, Sở lưu ý thực hiện theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh.

Bên đóng góp không được có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường.

Đối với khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục, phù hiệu theo quy định của Bộ.

Các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh. Phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định. Đặc biệt, các trường không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ thu, chi đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ

Trong công văn, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ rõ nguyên tắc hoạt động của Ban đại diện cha mẹ. Cụ thể, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: bảo vệ cơ sờ vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quàn lý, tồ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng câp, xây dựng mới các công trình cùa nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; trên cơ sở dự kiến kế hoạch chi tiêu sau khi đã được thống nhất của toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp; Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thề cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm