Gương hiếu học của thiếu nữ Cơtu 20 năm “đeo” khối u trên mặt
(Dân trí) - Một ngày trung tuần tháng 6, cơn mưa núi rừng bất chợt đã níu chân chúng tôi ở lại thôn Đhờ Rôồng. Tại đây, chúng tôi được nghe đồng bào kể về tấm gương hiếu học của thiếu nữ Cơtu bị khối u trên mặt nhưng hằng ngày vẫn cố gắng đều đặn đến lớp.
Cô học trò giàu nghị lực ấy là em Arâl Cố (20 tuổi, trú thôn Đhờ Rôồng, xã Tà Lu, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam). Em Arâl Cố là học sinh lớp 11/6, Trường THPT Quang Trung.
Nỗi đau chồng lên nỗi đau
Theo lời giới thiệu của một số người dân, chúng tôi băng qua con suối Tà Lu, rồi qua cánh đồng lúa trơn trượt để đến thăm nhà em Arâl Cố.
Vượt con dốc chênh vênh, nhà em nằm cao ngất trên một ngọn đồi nhỏ, xung quanh bao trùm cả một cánh rừng heo hút. Đúng lúc, khi chúng tôi vừa đặt chân tới nhà thì em Arâl Cố cũng vừa mới về sau chuyến vào rừng kiếm củi.
Anh Arâl Am Liêng (23 tuổi, người anh trai duy nhất của Cố) cho biết: “Năm ni nó (chỉ em Arâl Cố - PV) đã 20 tuổi rồi nhưng có dám ra đường như mấy đứa khác mô. Thật tội nghệp!”.
Khi chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình, Anh Liêng chậm rãi kể: “Năm 1990, em Cố chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình. Niềm vui chưa dứt thì thời gian sau, gia đình bỗng phát hiện càng ngày mắt trái em Cố càng to dần, lộ rõ biểu hiện của căn bệnh u mắt. Mặc dù nghèo khó nhưng bố mẹ mình không cầm lòng được, nên tất cả những vật dụng có giá trị đều lần lượt đem đi bán để lấy tiền chữa trị cho em. Ngày đó, ở vùng cao này người dân ít đưa người bệnh đến trạm y tế, mà chỉ nhờ đến các thầy cúng, thầy mo chữa bệnh mà thôi. Cuối cùng, mắt trái của em không thể chữa khỏi được và ngày càng to dần cho đến hôm nay…”.
Theo lời kể của gia đình thì mắt em Cố mắc phải căn bệnh u mắt từ lúc mới sinh ra. Căn bệnh hiểm nghèo này đã cướp đi mắt trái của em và để lại di chứng đau đớn. Em Arâl tâm sự: “Lớn lên, gia đình cho em đi học. Nhưng mỗi lần đến lớp, em cũng đều bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Nhiều lần định nghỉ học ở nhà nhưng gia đình động viên nên lại tiếp tục đến lớp”.
Có lẽ, chính niềm đam mê “con chữ Bác Hồ” đã thôi thúc đôi bàn chân em đến lớp, đến trường học tập, vượt qua những tự ti về bệnh tật.
Thật không may, chỉ trong hai năm 2003 và 2004 bố mẹ em lần lượt qua đời do đau ốm, để lại hai con mồ côi với một căn nhà tranh xiên vẹo, sống lay lắt qua ngày. Thương em, người anh trai đã đi “bắt vợ” để có người chăm sóc em trong những ngày anh vắng nhà, lên nương phát rẫy.
Anh Arâl Am Liêng nghẹn ngào kể: “Gia đình mình nghèo nên chẳng có đủ tiền để đưa em Cố đi bệnh viện chữa trị. Nhiều lần thấy em nó đau đớn, quằn quại mà lòng mình đau như cắt”.
Gương sáng hiếu học
Có lẽ, với đồng bào Cơtu nơi đây, hình ảnh cô bé “đeo” căn bệnh u mắt hằng ngày vẫn đều đặn đến đường đi học đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Không những thế, em Cố còn là tấm gương hiếu học tiêu biểu, là niềm tự hào của cả bản Đhờ Rôồng.
Câu chuyện đến trường của em cũng rất gian nan. Dù trời mưa hay nắng, ngày nào cô bé Arâl Cố vẫn đều đặn đi bộ bước chân đến trường với đoạn đường dài hơn 6km. Với em, được đến trường đi học là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.
Em Arâl Cố tâm sự: “Ngày trước, khi bố mẹ còn sống vẫn hay thường nhắc nhở em gắng tâm học hành, không được buông xuôi với số phận. Ai có nghĩ gì thì mặc, phần mình cứ thế mà làm…”.
Có lẽ, chính nhờ những lời căn dặn trước lúc đi xa của cha mẹ mà bây giờ em vững tin hơn mỗi khi đến trường học tập dù thời gian ban đầu, bạn bè xa lánh Cố do chưa thông cảm với tình cảnh của cô bạn kém may mắn.
Cuộc sống tưởng đã mở ra trước mắt em Cố khi em được một tổ chức nhân đạo nhận tài trợ cho em mổ mắt. Thế nhưng sau ca mổ đầu tiên cắt bỏ một khối u vùng má do đoàn bác sĩ Hàn Quốc thực hiện vào năm 2005, khối u vẫn tiếp tục phát triển sau phẫu thuật. Vì việc phẫu thuật này mà Cố phải nghỉ học 1 năm do không theo kịp chương trình. Trở lại trường được hơn 1 năm, em lại phải tiếp tục ra Hà Nội, vào Sài Gòn cho hai lần phẫu thuật tiếp theo. Đồng nghĩa với đó là em lại bị mất hơn 1 năm nữa cho ước mơ theo đuổi con chữ của mình.
Nhưng Cố vẫn chưa thoát khỏi căn bệnh quái ác mình đang mang. Khối u dù đã nhỏ hơn nhưng vẫn hiện hình trên khuôn mặt gây cho em bao đau đớn. Không khuất phục trước bệnh tật, Cố vẫn tiếp tục trở lại trường, nỗ lực học tập dù chặng đường vươn đến ước mơ của em phía trước còn rất dài và đầy chông gai. Quãng thời gian nghỉ học, em Cố đã bị mất nhiều kiến thức, thế nhưng em vẫn nỗ lực từng ngày, vượt qua những khó khăn của bệnh tật và hoàn cảnh.
Một buổi đến trường, một buổi phụ giúp anh chị chăm sóc nương rẫy, quán xuyến việc nhà, vất vả là thế nhưng chưa bao giờ Cố lụi tắt hy vọng. Khoản tiền trợ cấp xã hội ít ỏi được em dành dụm cho việc mua sách vở, đồ dùng học tập.
Em Cố tâm sự: “Em sẽ cố gắng học thật tốt, mai này em sẽ làm bác sĩ, chữa bệnh cho những trẻ em nghèo có hoàn cảnh giống em”.
Bài và ảnh: Nguyễn Thành Công