Gửi gắm của Bộ trưởng GD&ĐT tới lực lượng thanh tra trước thay đổi lớn

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Trong các kết quả, thành tựu của ngành GD&ĐT có phần đóng góp rất quan trọng của thanh tra, của công tác thanh tra, của các cán bộ làm công tác thanh tra.

Gửi gắm của Bộ trưởng GDĐT tới lực lượng thanh tra trước thay đổi lớn - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt lực lượng thanh tra (Ảnh: MOET).

Thanh tra đóng góp vai trò rất quan trọng

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp mặt toàn thể công chức thanh tra Bộ GD&ĐT vào chiều 26/5. Cuộc gặp mặt diễn ra trong bối cảnh công tác thanh tra tại Bộ sẽ kết thúc nhiệm vụ vào cuối tháng 5 tới.

Từ 1/6, thanh tra Chính phủ sẽ chính thức thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục, khi không còn thanh tra Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong tầm nhìn đổi mới, cách thức tổ chức của thanh tra có các điều chỉnh và thanh tra Bộ GD&ĐT được bàn giao về thanh tra Chính phủ.

Đây là một thay đổi lớn, đánh dấu một giai đoạn mới cho công tác thanh tra trong lĩnh vực giáo dục.

Trước sự thay đổi này, người đứng đầu ngành giáo dục nhận định, từ khi thành lập ngành giáo dục đến nay, thanh tra có vai trò rất quan trọng của tất cả các hoạt động của Bộ nhằm duy trì hoạt động bình thường, tăng cường quản lý nhà nước, giải quyết những trường hợp phát sinh, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo và thực hiện công tác tham mưu. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được thời gian qua của thanh tra Bộ GD&ĐT. Ông bày tỏ các cán bộ thanh tra không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn mang trong mình tinh thần của nhà giáo, sự tận tâm với sự nghiệp giáo dục.

"Bên cạnh trách nhiệm, nghiệp vụ của ngành thanh tra, còn có tinh thần của giáo dục, của nhà giáo, các đồng chí đã kết hợp điều đó trong cách thức làm việc, trong sự cải tiến, trong kết quả đạt được", Bộ trưởng khẳng định.

Gửi gắm của Bộ trưởng GDĐT tới lực lượng thanh tra trước thay đổi lớn - 2

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 3 cán bộ thanh tra Bộ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo (Ảnh: GD&TĐ).

Trong dịp này, Bộ trưởng gửi lời chúc đến toàn thể các công chức, chặng đường sắp tới, trên cương vị nào, ở đâu, cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục phát huy tinh thần của cán bộ thanh tra, kết hợp với kinh nghiệm, trưởng thành trong môi trường giáo dục, đóng góp cho ngành, cho đất nước và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc.

Thay mặt tập thể đội ngũ thanh tra Bộ GD&ĐT, Chánh thanh tra Nguyễn Đức Cường gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ GD&ĐT và khẳng định, ở cương vị nào, cá nhân ông cùng tập thể thanh tra sẽ luôn cố gắng, nỗ lực hết mình, tiếp tục hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao phó.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã trao quyết định nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức theo Nghị định 178/2025/NĐ-CP của Chính phủ; các lãnh đạo Bộ đã tặng cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" cho các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp và đạt thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

Gửi gắm của Bộ trưởng GDĐT tới lực lượng thanh tra trước thay đổi lớn - 3

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho các công chức Thanh tra Bộ GD&ĐT (Ảnh: GD&TĐ).

Kết thúc nhiệm vụ của thanh tra ngành giáo dục

Bắt đầu từ ngày 1/6 tới đây, theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì 12 Thanh tra Bộ (trừ Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an và Thanh tra Ngân hàng nhà nước) dự kiến sẽ kết thúc hoạt động.

Tại địa phương, Thanh tra Sở GD&ĐT cũng kết thúc hoạt động để sáp nhập và chuyển giao chức năng thanh tra về thanh tra tỉnh. Các bộ không còn cơ quan thanh tra và các sở sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước. Đối với các trường học thì không còn bộ phận thanh tra mà chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ.

Nói cách khác, Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, còn chức năng thanh tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ do thanh tra Chính phủ đảm nhiệm. Đây là điểm mới so với quy định hiện hành. Điều này cũng có tác động trực tiếp đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Các sở GD&ĐT và sở chuyên môn, dù không còn bộ phận thanh tra, vẫn có quyền kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình kiểm tra theo chức năng chuyên môn của mình.

Thanh tra Chính phủ tiếp nhận công chức hiện hữu; tiếp nhận chương trình kế hoạch thanh tra hành chính theo kế hoạch thanh tra năm 2025 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đến thời điểm hiện nay.

Đồng thời, tiếp nhận vấn đề tài chính, tài sản và trang thiết bị có liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức của thanh tra Bộ GD&ĐT chuyển về thanh tra Chính phủ.

Hai bên thống nhất danh sách công chức thanh tra Bộ GD&ĐT bàn giao thanh tra Chính phủ tiếp nhận với 18 người; trong đó bao gồm 1 Chánh thanh tra, 1 Phó chánh thanh tra, 3 Trưởng phòng, 2 Phó trưởng phòng và 11 công chức.

Sau sắp xếp, thanh tra Chính phủ sẽ được tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ đúng với quy định, đồng thời, sẽ tham mưu, triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình sắp xếp.