GS Trần Thanh Vân và những nỗ lực không mệt mỏi

(Dân trí) - Ở tuổi gần 80, Giáo sư Trần Thanh Vân vẫn nỗ lực không mệt mỏi cho những dự định mà ông ấp ủ. Ông luôn mong muốn đóng góp chút sức nhỏ của mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học nói chung, cũng như nền vật lý nước nhà nói riêng.

Những ngày qua, gần trăm nhà Vật lý đến từ 30 quốc gia và lãnh thổ đã cùng hội tụ tại chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX, diễn ra từ ngày 28/7 đến 17/8 tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đặc biệt, trong vài ngày tới trong chuỗi sự kiện này còn có sự hiện diện của 5 nhà khoa học từng đạt giải Nobel quốc tế sẽ đến TP Quy Nhơn.

Bên cạnh các hội thảo chuyên đề về vật lý, dịp này còn khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Với giá trị khoảng 6 triệu USD, được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 20ha, gồm các hạng mục: Tòa nhà hội nghị với hội trường lớn, các phòng hội thảo và văn phòng dành cho học tập và nghiên cứu, phòng chiếu thiên văn học, phòng triển lãm, thư viện, Trường Kỹ sư có thể đào tạo đến trình độ thạc sĩ chuyên ngành (thông qua sự hợp tác của các trường đại học trong và ngoài nước), khu nhà khách đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đây được xem là dự án tâm huyết mà GS Trần Thanh Vân ấp ủ trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học nói chung, cũng như cho nền vật lý Việt Nam nói riêng.

Giao sư Trần Thanh Vân đang trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài
Giáo sư Trần Thanh Vân đang trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài.

Chia sẻ với PV Dân trí về sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế này, GS Trần Thanh Vân cho biết: “Việc xây dựng Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ Khoa học và Giáo dục Liên ngành (International Centre for Interdisciplinary Science and Education/ ICISE) tại TP Quy Nhơn nhằm phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các bạn trẻ ấy nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế trình độ cao.

Khi được hỏi vì sao giáo sư lại chọn TP Quy Nhơn để xây dựng trung tâm ICISE, GS Vân chia sẻ: “Thực tế chúng tôi đã chọn một số địa phương của miền Trung, ngay cả Quảng Bình - quê hương của tôi cũng lên tiếng ủng hộ, mời gọi nhưng vì một số lý do khác như có tỉnh mưa liên tục, có tỉnh lại nắng nóng, trong khi Quy Nhơn có khí hậu khá ôn hòa. Ngoài ra, TP Quy Nhơn, Bình Định là vùng đất có truyền thống về giáo dục lâu đời, nhất là lợi thế trường ĐH Quy Nhơn đã hình thành trên 50 năm sẽ mở ra cơ hội cho giáo viên cũng như sinh viên giao lưu học hỏi”.

GS Trần Thanh Vân chia sẻ thêm: “Quan điểm của tôi là bất cứ làm việc gì cũng phải chân thành, tình nghĩa. Một số nhà khoa học đoạt giải Nobel đến với Gặp gỡ Việt Nam, thì trước đây họ đã có thời gian làm việc với tôi rất lâu, sau đó họ mới thành danh, thê nên đã có thâm tình từ trước. Tuy nhiên, để mời hàng trăm nhà khoa học ngoại quốc, đặc biệt là có những nhà khoa học đạt giải Nobel cùng về đây không hề dễ dàng. Vì thế, tôi luôn mong các nhà vật lý trẻ của Việt Nam hãy tận dụng cơ hội này. Riêng đối với các bạn sinh viên, giảng viên chuyên ngành liên quan của Trường ĐH Quy Nhơn nên đến đây để được gặp gỡ, chia sẻ những băn khoăn, mong muốn, biết đâu sẽ bổ sung thêm ít nhiều kiến thức giúp nâng cao trình độ, không chỉ trong học tập, giảng dạy mà còn trong nghiên cứu khoa học”.

Giao sư Trần Thanh Vân đang trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài
Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành sẽ là nơi gặp gỡ, trao đổi của các nhà khoa học quốc tế.

Thế nhưng, điều mà GS Trần Thanh Vân rất băn khoăn là hiện nay nhiều nhà vật lý trẻ của Việt Nam có đủ trình độ, khả năng làm nghiên cứu. Nhiều nhà vật lý lấy bằng tiến sĩ nước ngoài hẳn hoi nhưng khi về nước thì việc vận dụng vào trong thực tế hầu như không có.

“Khi chuẩn bị hội nghị Gặp gỡ Việt Nam, tôi mời một số nhà khoa học trẻ Việt Nam có bằng tiến sĩ nước ngoài đang giảng dạy ở một số trường trong nước nhưng họ đều phản hồi không thể đến được. Lý do vì không có kinh phí đi lại nhưng xin khoa, xin trường nơi công tác lại không cho. Vì thế, có người muốn đi phải bỏ tiền túi ra. Tôi thấy đó là một sự lãng phí một cơ hội rất tốt”, GS Trần Thanh Vân nói.
 
Giao sư Trần Thanh Vân đang trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài
GS. Trần Thanh Vân (thứ hai, bên trái) cùng phu nhân là GS. Lê Kim Ngọc (ngoài cùng bên trái) đi thăm Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành.

Không chỉ đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, mà còn biết đến nhiều hoạt động từ thiện, GS Trần Thanh Vân cùng phu nhân là GS Lê Kim Ngọc - một nhà sinh học nổi tiếng thế giới cùng phối hợp với tổ chức Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam tại Pháp (AVN) gây quỹ để trợ giúp trẻ em ở Việt Nam và trợ giúp, xây dựng 2 làng trẻ em SOS Đà Lạt, Quảng Bình, xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại Thủy Xuân (tỉnh Thừa Thiên - Huế). 

Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX chính thức khởi động từ 28/7 đến 17/8 tại nhiều địa điểm ở TP Quy Nhơn với 4 hội nghị quan trọng gồm Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn (từ 28/7 đến 3/8); Vật lý na nô: từ cơ bản đến ứng dụng, từ 4/8 đến 10/8.

Điểm nhấn của hội nghị lần này là khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn, với chủ đề “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” được tổ chức từ 11/8 đến 17/8 sẽ có sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học, trong đó có 5 nhà khoa học vật lý đã từng đoạt giải Nobel gồm các giáo sư người Mỹ là Jack Steinberger (Nobel Vật lý năm 1988), David Gross (Nobel Vật lý năm 2004), Georges Smoot (Nobel Vật lý năm 2006), Jerome Friedman (Nobel Vật lý năm 1990) và Sheldon Glashow (Nobel Vật lý năm 1979). 

 
Doãn Công