GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Loại bỏ Chí Phèo khỏi SGK là ý kiến thô thiển, không đáng bàn"

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí về đề xuất đưa tác phẩm Chí Phèo khỏi chương trình phổ thông, GS. Nguyễn Minh Thuyết không bình luận nhiều, ông chỉ nhấn mạnh đúng một câu.

"Đây là một ý kiến non nớt, thô thiển, không đáng để dư luận và báo chí quan tâm bàn cãi", GS. Nguyễn Minh Thuyết nói ngắn gọn.

GS Nguyễn Minh Thuyết.
GS Nguyễn Minh Thuyết.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo VietNamNet, PGS. Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới nói: "Với tôi bài viết ấy không đáng bàn, vì hiểu về tác phẩm Chí Phèo như thế chứng tỏ trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp".

Về việc tác phẩm "Chí Phèo" sắp tới sẽ được đưa vào chương trình Ngữ văn mới thế nào, Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới cho hay: "Trong dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã hoàn thành, chuẩn bị đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi, việc quy định Ngữ liệu, văn bản được xác định theo một cách làm mới.

Cụ thể là, chương trình chỉ yêu cầu 6 tác phẩm quan trọng, bắt buộc; tất cả các tác phẩm còn lại chỉ nêu trong một danh mục gợi ý giúp các tác giả SGK và giáo viên hình dung ra đề tài, kiểu loại văn bản và mức độ khó theo từng lớp và nhóm lớp; không bắt buộc. Trong danh mục gợi ý ấy có tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Còn việc đưa tác phẩm ấy như thế nào vào SGK thì tùy vào tác giả của mỗi bộ sách như đã nói ở trên.

Tất nhiên đây chỉ mới là chương trình dự thảo, sẽ lấy kiến công luận và phải thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia nữa".

PGS. Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới.
PGS. Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới.

PGS. Đỗ Ngọc Thống khẳng định thêm: Cần khuyến khích và tôn trọng các cách hiểu, quan điểm cá nhân và chấp nhận, hiểu các giá trị phổ quát của tác phẩm trong tiếp nhận, giải mã văn bản không mẫu thuẫn với nhau.

Vì tác phẩm, nhất là các tác phẩm lớn bao giờ cũng vừa có những giá trị ổn định, bất biến, ai đọc cũng phải hiểu như thế; vừa hàm chứa trong nó những “khoảng trống” về nghĩa, luôn mời gọi các đối tượng người đọc khác nhau lấp đầy “khoảng trống”ấy theo cách hiểu của mỗi người.

Do đó, việc dạy đọc hiểu tác phẩm Chí Phèo trong nhà trường cũng cần tôn trọng điều này. Một mặt giáo viên cần tổ chức hướng dẫn cho học sinh để các em hiểu và nắm được các giá trị phổ quát, mặt khác cần tạo kiệu kiện, khuyến khích học sinh phát hiện, đề xuất các cách hiểu mới, khác lạ…

Sau đó, cho các em trao đổi, thảo luận để xem xét, đánh giá các cách hiểu khác biệt ấy. Lựa chọn cách hiểu phù hợp nhất. Tiêu chí đánh giá và lựa chọn ở đây là sự hợp lý và tính thuyết phục.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, bài viết của thạc sĩ Nguyễn Song Hiền (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục ở Trường ĐH Newcastle - Australia) nêu ý kiến nên đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 đã làm dậy lên dư luận xã hội vài hôm nay. Theo tác giả Sóng Hiền, về mặt giáo dục, Chí Phèo có thể tác động xấu đến nhận thức của học sinh phổ thông.

"Nhiều độc giả hiểu sai ý tôi"

Dư luận có hai luồng ý kiến cơ bản, một là tuyệt đối không thể chấp nhận ý kiến này vì Chí Phèo là tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc giàu ý nghĩa; một luồng khác cho rằng cũng nên xem xét lại tác phẩm này có giá trị đến đâu và có còn phù hợp với hiện tại hay không - nên chăng đưa vào chương trình giảng dạy cao hơn hoặc là tài liệu tham khảo.

Về những phản hồi của dư luận, trả lời PV Dân trí, thạc sĩ Nguyễn Song Hiền chia sẻ, nhiều độc giả đang hiểu sai ý của anh.

“Tôi hoàn toàn không có ý định phủ nhận giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Chí Phèo”, tôi không phủ nhận thành công của nhà văn Nam Cao khi đã khắc họa được một nhân vật điển hình kinh điển vào lịch sử văn học Việt Nam”.

Nhưng xét ở góc độ giáo dục thì nó tác động tiêu cực tới tâm lý của các em học sinh lớp 11, giai đoạn mà sự phát triển về tâm sinh lý khá phức tạp. Ở độ tuổi này các em rất dễ nổi loạn, thích thể hiện mình, muốn khẳng định cái tôi. Vì vậy những cái xấu dễ bị tiêm nhiễm và tiêm nhiễm nhanh hơn những cái tốt.

Vậy tác phẩm “Chí Phèo” tác động tiêu cực như thế nào đến các em? Về quan điểm của các nhà phê bình và học giả đều cho rằng Chí là đại diện cho bần cố nông bị áp bức bóc lột và biến thành quỷ dữ: Chí xin đểu, đập phá, chửi bới, rạch mặt ăn vạ, cưỡng bức Nở, uống rượu say, giết người và tự sát. Vậy nếu chúng ta ủng hộ Chí, bảo vệ Chí chúng ta sẽ lý giải với các em thế nào khi một kẻ cùng đường, quẩn bức không lối thoát thì nên uống rượu say, cầm dao giết người rồi tự sát sao?

Ông Nguyễn Song Hiền phân tích: “Chúng ta đã và đang hàng ngày chứng kiến biết bao cảnh thương tâm của bạo lực học đường, giết người cướp của, xin đểu, cưỡng hiếp mà số đông trong đó là trẻ vị thành niên. Liệu chăng giáo dục không tác động một phần vào những hành vi và nhận thức đó của các em?

Tôi chỉ đưa ra một góc nhìn mới ở khía cạnh giáo dục để mong rằng các nhà biên soạn và thiết kế sách giáo khoa có một cái nhìn toàn diện hơn với bất kỳ tác phẩm nào khi đưa vào giảng dạy cho các em. Liệu nó có tính giáo dục cao không và liệu nó có tác động về mặt tâm sinh lý các em không? Không chỉ đơn thuần đánh giá tác phẩm đó về mặt nghệ thuật. Ở mỗi độ tuổi các em phát triển tâm sinh lý khác nhau vì vậy chúng ta không nên và đừng bao giờ dùng cách nghĩ và tư duy của người lớn để áp đặt cho con trẻ”.

Ông Hiền nhấn mạnh: “Những tác phẩm nào hay nội dung nào không còn phù hợp hay có những tác động tiêu cực chúng ta nên cân nhắc để cắt bỏ hoặc chuyển nó ở cấp học cao hơn dù tác phẩm đó có kinh điển đến như nào nữa”.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm