GS Nguyễn Lân Dũng: “Tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm!”
(Dân trí) - Góp ý về 3 phương án thi quốc gia, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Cả 3 phương án do Bộ GD-ĐT đề ra đều không hợp lý... Bộ cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu”.
Tham luận tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời góp ý cả về 3 phương án thi mà Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến, GS Nguyễn Lân Dũng - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục của UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho biết: “Cả 3 phương án do Bộ đề ra đều không hợp lý. Tôi rất tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là đừng vội vã khẳng định sẽ dùng một trong ban phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ đưa ra, cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu”.
GS Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: Việt Hưng)
Nhất thiết không thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH
Phân tích về 3 phương án thi, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Phương án 1 thi theo môn: Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ Văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ; thí sinh phải đăng ký 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn.
Thi 4 môn dẫn đến học sinh sẽ học lệch và sẽ hình thành hai loại giáo viên: Giáo viên dạy môn sẽ thi và giáo viên dạy môn không thi, đó là một bi kịch cho cả thầy lẫn trò.
Phương án 2: Thi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được để tổng hợp thành 5 bài thi. Nghe có vẻ hợp lý nhưng như vậy vẫn quá nặng vì phải ôn đầy đủ tất cả các môn, nặng hơn cả nội dung thi như hiện nay.
Phương án 3: Thi 11 môn học ở lớp 12 THPT. Tôi chưa thấy nước nào thi theo kiểu tích hợp 11 môn thành 4 bài thi như thế này. Hơn nữa, các môn Ngữ Văn, Toán (tương lai cả môn ngoại ngữ nữa) đều rất quan trọng không thể thi ghép vào các môn khác nữa.
Về việc coi kỳ thi tốt nghiệp THPTT là một kỳ thi quốc gia và các trường ĐH,CĐ có thể lấy kết quả này để xét tuyển sinh viên cho trường mình thì tôi càng không thể đồng tình. Tôi nhất trí cao với ý kiến của GS Đào Trọng Thi và GS Ngô Bảo Châu. GS Dũng dẫn chứng:
GS Đào Trọng Thi cho rằng: “Nếu kỳ thi phải thực hiện hai chức năng không giống nhau là rất khó, sẽ có một chức năng làm tốt, chức năng còn lại thì không tốt. Và xã hội đã có ý kiến nên chọn chức năng tuyển sinh chứ không nên chọn chức năng tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi này mà chọn chức năng chính là tuyển sinh thì không được, bởi Luật Giáo dục Đại học đã giao cho các trường ĐH tự tuyển sinh rồi”.
GS Ngô Bảo Châu đánh giá: “Theo tôi được biết từ trước tới nay các kỳ thi THPT ở Việt Nam còn rất nhiều tiêu cực như xem bài nhau, đưa tài liệu vào phòng thi, giáo viên giải hộ đề thi... Do vậy, tâm lý chung của người dân không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính khách quan của kỳ thi này. Trong khi đó, kỳ thi ĐH Việt Nam hiện vẫn đảm bảo được vấn đề chất lượng và tính nghiêm túc, trung thực trong thi cử. Tôi nghĩ rằng những nhà làm giáo dục nên ngồi lại tính xem có nên tổ chức lại các kỳ thi hay không. Không những vậy, kỳ thi chung này còn “tước quyền” tự chủ trong vấn đề tuyển sinh của các trường ĐH. Nói như vậy không phải kỳ thi “3 chung” sẽ có tiêu cực, song bộ sẽ khó kiểm soát khi ôm hết việc tuyển sinh của các trường ĐH. Trong khi đó, kỳ thi ĐH mặc dù thi đề riêng hay đề chung thì các trường vẫn có quyền tự quyết và họ sẽ có trách nhiệm hơn khi đang tuyển sinh cho chính mình, trường nào cũng muốn tuyển cho mình những sinh viên tốt”.
GS Dũng cho rằng: “Luật Giáo dục ĐH quy định quyền tự chủ của các trường ĐH cho nên nhất thiết không thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH. Mỗi trường có một yêu cầu riêng về tuyển sinh cho nên đấy là công việc của từng trường, Bộ chỉ cần giao chỉ tiêu tuyển sinh và kiểm tra việc thi cử xem có nghiêm túc hay không mà thôi”.
Xét học bạ để cấp bằng tốt nghiệp THPT
Trả lời câu hỏi, nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta cần có phương án thay thế như thế nào để đánh giá đúng chất lượng dạy và học hiện nay?
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Nếu bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT thì tất nhiên học sinh chỉ tập trung học các môn sẽ chuẩn bị thi ĐH, CĐ và lơ đãng đối với mọi môn học khác. Chúng ta biết rằng kiến thức vào đời của mỗi người chỉ có nền tảng từ những năm ngồi dưới trường trung học mà thôi. Sau đó làm gì có cơ hội nào khác để học? Vậy phải làm sao vẫn có bằng tốt nghiệp THPT một cách xác đáng mà không cần thi? Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng cho học sinh. Đó là học sinh phải thường xuyên kiểm tra từng môn học và có ghi học bạ. Cuối từng năm học căn cứ vào học bạ mà các thầy cô giáo quyết định cho lên lớp hay phải lưu ban. Với học sinh mọi lớp đều cần làm như vậy.
Hết lớp 12 Hội đồng nhà trường sẽ xem xét một cách công minh đối với từng học sinh để có thể yêu cầu một số học sinh cần học lại. Những học sinh còn lại sẽ được đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT. Nhà trường không nên đánh giá giáo viên ở việc học sinh được lên lớp nhiều hay ít mà phải đánh giá giáo viên ở chất lượng giảng dạy thực chất tại trường. Giáo viên phải có trình độ, phải nghiêm túc trong giảng dạy và trong các kỳ kiểm tra giữa học kỳ.
Nếu chỉ xét học bạ để cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm, chạy thành tích để đủ điều kiện chứng nhận tốt nghiệp?
GS Dũng cho hay, khi đã có kiểm tra thường xuyên, có học bạ nghiêm chỉnh, cộng thêm tinh thần trách nhiệm của từng thầy cô giáo và sự đồng tình của phụ huynh học sinh thì khó có thể xảy ra các hiện tượng như chạy thầy cô hoặc chạy theo thành tích một cách vô lý. Trách nhiệm của các Sở GD-ĐT là theo dõi quá trình đánh giá của từng trường để có sự chấn chỉnh cần thiết. Sở GD-ĐT phải có trách nhiệm thẩm tra danh sách Hội đồng các trường gửi lên xem có đúng không. Khi học sinh chưa đủ điều kiện thì nhất thiết không được xét tốt nghiệp.
Sẽ phá hỏng hoàn toàn bậc phổ thông
Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT liệu có ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sự phát triển của ngành giáo dục không?
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Nếu không tiến hành theo đề nghị trên đây của tôi mà vội vã bỏ thi sẽ phá hỏng hoàn toàn bậc phổ thông. Thầy không muốn dạy, trò không thèm học. Và khi thầy cô giảng các môn mà học sinh không định hướng sẽ thi ĐH,CĐ thì học sinh sẽ hoặc là bỏ học, hoặc là nói chuyện riêng... Tất nhiên, sẽ có người nói nếu tiến hành kiểm tra nghiêm túc thường xuyên thì sẽ có không ít học sinh lưu ban. Trong điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở kinh tế của các trường và đời sống của đa số dân chúng hiện nay thì làm sao chấp nhận được việc để lưu ban nhiều học sinh. Đó là chuyện hoàn toàn khác. Đấy cũng là nguyên nhân cần đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước ta hiện nay.
Theo GS Dũng, sắp tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức phản biện nghiêm túc Đề án đổi mới sự nghiệp giáo dục trước khi được trình ra tại Hội nghị Ban chấp hành TƯ Đảng. Chúng ta cần có một chương trình sâu nhưng không nặng (hiện nay chương trình học rất nặng nhưng lại thấp so với nhiều nước trên thế giới). Làm sao để học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui, mỗi kiến thức thu nhận được là quan trọng, là hữu ích nhưng lại dễ nhớ. Đừng bắt học sinh nhớ nhưng kiến thức không đáng nhớ hoặc thường xuyên thay đổi. Làm sao mà mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy sao cho phù hợp với thời đại internet thì sẽ có rất ít học sinh phải lưu ban, rất ít học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Hồng Hạnh