Hành trình trí tuệ Ngô Bảo Châu:

GS Ngô Bảo Châu ngoài toán học

Nói chuyện với GS Ngô Bảo Châu về toán chắc chắn sẽ không bao giờ hết chuyện nhưng khi cùng ông đàm đạo về văn chương và cuộc sống cũng có nhiều điều thú vị.

Ngô Bảo Châu là con người thuộc về toán học nhưng không phải lúc nào ông cũng dành tất cả cho toán học. Nhà toán học vừa giành “Nobel toán” quan niệm: “Ngoài thời gian làm toán, tôi còn thích đọc sách văn học và thỉnh thoảng chép lại một vài câu thơ ”.

 

GS Ngô Bảo Châu ngoài toán học  - 1
GS Ngô Bảo Châu chụp ảnh cùng bố mẹ và hai con gái. Ngoài toán học, Ngô Bảo Châu còn là người rất mê văn chương.

 

Mê văn chương từ bé

 

Chúng tôi biết sở thích văn học của Ngô Bảo Châu qua những gì mà ông viết trên website: thichhoctoan.org do chính ông lập ra và qua lời kể của mẹ ông – PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền.

 

Bản thân Ngô Bảo Châu chưa bao giờ thổ lộ về sở thích ngoài chuyên môn của ông. Thế là cái ý định nói chuyện với Ngô Bảo Châu về... văn chương nảy ra trong tôi.

 

Hồi còn học ở trong nước, nghĩa là khi vẫn còn đang ngồi ghế phổ thông, Ngô Bảo Châu đã nổi danh với thành tích hai lần giành HCV Olympic toán các năm 1988 và 1989 nhưng đó cũng là quãng thời gian ông tìm hiểu và đọc nhiều tác phẩm văn học.

 

“Tứ đại kỳ thư” của văn học Trung Quốc là Tam quốc chí, Tây du ký, Thủy hử, Hồng lâu mộng, ông đã học hết khi còn là một cậu học sinh chuyên toán của khối chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên.

 

Bà Trần Lưu Vân Hiền kể: “Châu đọc và nhớ rất nhiều tác phẩm văn học. Ngoài tiểu thuyết cổ, Châu đọc cả văn học hiện đại. Thường thì Châu đọc một lần là nhớ rõ cốt truyện cũng như các nhân vật”.

 

Có lần, bà Hiền bất ngờ về một khả năng khác của cậu con trai: Châu thuộc nhiều thơ và... biết làm thơ.

 

“Thỉnh thoảng, Châu đọc một bài thơ hay, rất dài của một tác giả trong phong trào thơ mới nhưng Châu thuộc thơ Tố Hữu nhiều nhất. Đôi khi, Châu đọc cho tôi nghe những câu thơ rất lạ, về sau tôi mới phát hiện đó là thơ của Châu”- mẹ Ngô Bảo Châu nhớ lại.

 

Nhà toán học Ngô Bảo Châu tâm sự: “Sau khi sang Pháp du học, tôi đọc nhiều về văn học châu Âu. Văn học Pháp rất cuốn hút nhưng tôi  thích nhất là Thomas Mann, một tiểu thuyết gia của Đức”.

 

Điều khiến Ngô Bảo Châu mê văn Thomas Mann là vì nhà văn này viết văn đầy tính triết học. Sự thông minh cũng như tính hài hước trong các tác phẩm của ông được thể hiện rất nhuần nhuyễn.

 

Có một điều khiến tôi băn khoăn là một người nghiên cứu, làm toán học chuyên nghiệp và đạt tới đỉnh cao như Ngô Bảo Châu, liệu còn thời gian dành cho văn chương.

 

 Ông bảo: “Những lúc không làm toán thì tôi đọc sách văn học. Nói chung,  văn học không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Ở nhà tôi, chưa thống kê nhưng tôi dám chắc sách toán không nhiều hơn sách văn đâu”. 

 

Trong một lần trả lời báo chí vào đầu năm 2010, Ngô Bảo Châu từng đem toán và văn ra để so sánh. Theo ông, văn chương có văn phong thì trong toán học cũng cần phải có phong cách.

 

“Tất nhiên nó hơi khác nhau. Tôi đọc văn của ai thì tôi biết là của người đó, tất nhiên, đọc một đoạn thì không biết nhưng đọc 10 trang thì biết ngay. Toán thì khó hơn vì khi đạt đến mức hoàn hảo thì nó không còn có tính cá nhân nữa, nó vô tính, nó trong sáng đến mức không biết là ai nữa mặc dù phong cách toán học là từ cách suy nghĩ khác nhau của mỗi người”- Ngô Bảo Châu nói.

 

Thói quen bình thường

 

Như bao người khác, Ngô Bảo Châu có cả những thói quen bình thường trong cuộc sống. Thậm chí, có những thói quen mà Ngô Bảo Châu cho là xấu đã “nhiễm” phải trong quá trình học toán và làm toán.

 

Bà Trần Lưu Vân Hiền nói: “Trước đây, Châu rất hiền lành, chưa biết hút thuốc. Vậy mà bây giờ Châu đã hút thuốc lá”.

 

Ngô Bảo Châu có thể nói chuyện với một ai đó về mọi chuyện nhưng ông lại chưa bao giờ “bật mí” về cuộc sống riêng của mình, nhất là về gia đình nhỏ.

 

Qua mẹ và những người thầy của ông, chúng tôi mới biết Ngô Bảo Châu từng yêu sớm và yêu rất mãnh liệt.

 

Tiến sĩ Vũ Đình Hòa, thầy giáo thời phổ thông của Ngô Bảo Châu, kể: “Ngô Bảo Châu từng tuyên bố nhiều lần rằng sẽ... không bao giờ lấy vợ. Nhưng sang Pháp được vài năm, tôi nhận được thiệp báo hỷ của Châu”.

 

Vợ Ngô Bảo Châu cũng là bạn học thân thiết của ông. Hai người kết hôn năm 22 tuổi rồi cùng nhau sang Pháp. Ngô Bảo Châu có ba cô con gái xinh xắn. Cô con gái lớn nhất của ông đã 16 tuổi, còn cô út cũng đã 8 tuổi.

 

Ngô Bảo Châu không giải thích vì sao ít khi nói về gia đình nhỏ rất đáng yêu của mình. Mỗi lần có ai hỏi ông chỉ cười rồi... im lặng.

 

Có lẽ Ngô Bảo Châu vẫn còn “ngượng” vì tuyên bố “không lấy vợ” thời trai trẻ nông nổi nhưng rồi lại lấy vợ sớm nhất trong đám bạn cùng lứa!

 

PGS-TS Vũ Đình Hòa nhận xét về quyết định lấy vợ sớm của Ngô Bảo Châu: “Tôi nghĩ đó là một quyết định đúng đắn của Châu. Lấy vợ sớm, cậu ấy ổn định sớm và dành thời gian nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học. Một con người có nhiều năng lượng để làm việc và nghiên cứu thì anh ta cũng có năng lượng để làm nhiều việc khác. Ngô Bảo Châu là một người như thế”.

 

Ngô Bảo Châu tâm sự: “Nghĩ  được câu nào hay hay thì tôi chép ra câu đó thôi. Tôi không nghĩ đó là thơ”. Thơ của Ngô Bảo Châu ẩn chứa một điều gì đó lạ và khác biệt. Ông viết trong bài Cuội: “Rong chơi để rơi mất tuổi/Mải đùa với bướm chú cuội mất tên”. Hay trong bài Con đường và mục đích thì ông lại bày tỏ suy nghĩ mang tính chiêm nghiệm: “Có một con đường ta đi/ Giá chi không bao giờ tới đích”. Lại có những bài thơ “giao cảm” giữa toán và văn rất nhuần nhuyễn. “Định lý đủ, định lý thiếu/ Biết bao nhiêu thì đủ/ Sai bao nhiêu cũng thiếu...”. 

 

Mẹ giáo sư Ngô Bảo Châu kể: “Ngô Bảo Châu mê toán từ nhỏ nhưng tính cách không lầm lì và ít nói đâu. Hồi đi học, lúc nào Châu cũng là đứa hiếu động nhất lớp. Tôi nhớ hồi mẫu giáo, Châu còn thích múa và được chọn là đứa con trai duy nhất trong dàn múa của lớp mẫu giáo. Nó múa ai cũng khen dẻo như con gái”.

 

Theo Mạnh Duy

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm