1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hành trình trí tuệ Ngô Bảo Châu: Từ lời khuyên của bố

Khi tốt nghiệp THPT, Ngô Bảo Châu vẫn chưa nghĩ sẽ gắn cuộc đời với toán học. Con đường đến với toán học của Ngô Bảo Châu khá gập ghềnh nhưng nếu ông không chọn toán học thì toán cũng chọn ông.

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng Ngô Bảo Châu thời là học sinh phổ thông phải mê toán lắm, nhưng sự thật lại không hẳn vậy. Ngay cả khi đã giành được 2 HCV Olympic toán quốc tế năm 1988 và 1989, Ngô Bảo Châu vẫn chưa xác định sẽ gắn cuộc đời mình với toán học.

 

Hành trình trí tuệ Ngô Bảo Châu: Từ lời khuyên của bố  - 1
Gia đình nhà toán học Ngô Bảo Châu.

 

Gợi ý nghiên cứu về... sông Hồng

 

Thời học THCS, Ngô Bảo Châu giỏi đều các môn. Ông cho biết: “Hồi đó, ngoài toán, tôi còn thích học văn và rất khá ngoại ngữ”. Lên cấp 3, Ngô Bảo Châu cũng chưa xác định là sẽ học chuyên sâu về toán.

 

“Bố thường khuyên tôi nên học chuyên toán vì ông nói nhìn thấy ở tôi tố chất toán học. Thế là tôi thi vào khoa chuyên toán thôi chứ cũng không mê mẩn toán đến độ mụ mị người như có ai đó hình dung đâu” - ông tiết lộ.

 

Sau khi đoạt 2 HCV Olympic toán, Ngô Bảo Châu vẫn khá lận đận. Năm 1988, khi ông đoạt HCV đầu tiên ở Úc với số điểm tuyệt đối 42/42, cũng là năm Nhà nước bỏ tiêu chuẩn đặc cách cho học sinh lớp 11 giành HCV Olympic quốc tế. Kể cả có giải vàng thì học sinh vẫn phải học hết lớp 12 rồi mới được tiêu chuẩn đi du học.

 

Thế nên mới có chuyện kỳ thi Olympic toán quốc tế một năm sau đó, Ngô Bảo Châu vẫn góp mặt và tiếp tục mang vàng về cho đội tuyển toán VN.

 

Đầu tiên, Ngô Bảo Châu được học bổng đi Nga nhưng ông lại muốn có một môi trường cởi mở và mới mẻ hơn. Thế là ông đăng ký học tiếng Hungary để xin học bổng đi nước này. Đúng năm đó, xảy ra tình hình bất ổn ở Đông Âu và Ngô Bảo Châu suýt phải gác lại giấc mơ du học.

 

Trong cái rủi có cái may, có một vị tiến sĩ người Pháp sang hợp tác với Viện Cơ học, nơi bố Châu là GS Ngô Huy Cẩn công tác. Nghe ông Cẩn kể về thành tích 2 năm liền đoạt HCV Olympic toán của con trai, vị tiến sĩ này lập tức xin cho Châu một suất học bổng đi Pháp.

 

“Lúc đó, đề tài mà vị tiến sĩ gợi ý tôi nghiên cứu là về “sông Hồng trong văn hóa người Việt”. Tôi lên đường sang Pháp và trở thành sinh viên ĐH Paris 6” - Ngô Bảo Châu kể.

 

Khi ấy, Ngô Bảo Châu đã được các giáo sư Pháp nhìn ra tố chất của một nhà toán học. Vì thế, ông được đưa sang một trường đẳng cấp hơn là ĐH Ecole Normal.

 

Tuy nhiên, chính những người đưa Ngô Bảo Châu qua Ecole Normal cũng không biết rằng cậu sinh viên VN này đã ngồi mòn đũng quần ở các giảng đường ĐH Paris 11 - trường tập hợp nhiều giáo sư giỏi nhất của Pháp. Tại đây, Ngô Bảo Châu đi theo con đường nghiên cứu toán và lấy bằng tiến sĩ toán học rồi trở thành giảng viên.

 

15 năm cô đơn với bổ đề

 

Con đường đến với toán học của Ngô Bảo Châu khá gập ghềnh nhưng nếu ông không chọn toán học thì nó cũng chọn ông. Ngô Bảo Châu tâm sự: “Toán không giống với văn. Nếu như ai cũng có thể nhảy vào bình luận, chê bai văn thì lại rất ít người hiểu toán để đánh giá nên tôi có thể âm thầm làm. Như thế đôi khi đạt hiệu quả hơn. Làm văn và làm nghệ thuật đôi khi cũng dễ chịu áp lực làm sao để tác phẩm của mình được công chúng biết đến, còn người làm toán chịu áp lực với bản thân nhiều hơn”.

 

Cho đến nay, thành tựu giải quyết Bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu vẫn được cho là công trình vĩ đại đối với một nhà toán học trẻ. Nhưng cái Bổ đề cơ bản của chương trình Langlands ấy cũng nhiều phen làm khổ nhà toán học VN.

 

Ông kể: “Năm 1993, khi làm luận án tiến sĩ, tôi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện giải quyết bổ đề, dù luận án đó là viết về một công trình khác”.

 

Ngô Bảo Châu từng tâm sự trên blog cá nhân câu chuyện “15 năm cô đơn với bổ đề”. Trước khi ông tiếp xúc với bổ đề, bài toán này đã tồn tại 15 năm mà chưa ai giải quyết được. Chính Ngô Bảo Châu cũng phải mất 15 năm để đi tới đích và chiến thắng trong “cuộc chiến” mà nhiều nhà toán học đã dấn thân nhưng thất bại.

 

Năm 2001, Ngô Bảo Châu bắt đầu tới Chicago - Mỹ và hạ quyết tâm giải quyết Bổ đề cơ bản. Khi đó, ông gặp nhiều nhà toán học đã thất bại trước bổ đề và rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. “Tôi có một anh bạn người Mỹ nghiên cứu bổ đề rất lâu nhưng thất bại. Anh ấy nói với tôi về tất cả những khó khăn nếu dấn thân vào lĩnh vực này. Lúc ấy tôi cũng lo nhưng vẫn có niềm tin” - Ngô Bảo Châu kể.

 

Trước khi Ngô Bảo Châu khơi lại Bổ đề cơ bản, giới toán học gần như đã bỏ lĩnh vực này và coi như đó sẽ mãi là một bài toán không có lời giải. Ngô Bảo Châu vẫn âm thầm vừa giảng dạy ở Pháp vừa làm Bổ đề cơ bản.

 

Có một câu chuyện mà ông vẫn nhớ mãi: “Một lần đi xin việc ở Pháp, tôi nói với những người sẽ tuyển mình rằng tôi đang nghiên cứu bổ đề và họ đã cười phá lên. Có người không hiểu bổ đề là gì, có người hiểu thì nghĩ rằng tôi quá ngạo mạn. Thế là tôi không được nhận việc”.

 

Ngô Bảo Châu quan niệm toán học cũng chỉ là một phần của cuộc sống, còn Bổ đề Langlands chỉ là một phần của toán học nên nếu có thất bại thì ông cũng sẽ không quá buồn.

 

“Tôi sợ nhất là mình làm nhưng lại cho đáp án sai thôi, còn làm mà không ra là chuyện bình thường”- ông tâm sự. Có lẽ chính vì quan niệm nhẹ nhàng như vậy nên Ngô Bảo Châu đã thực hiện được công trình để đời.

 

Không để bị hụt hẫng

 

Bổ đề cơ bản do nhà toán học Langlands người Canada đề xuất.  Ông cũng là nhà toán học mà Ngô Bảo Châu ngưỡng mộ nhất. Bố mẹ Langlands là người bình thường, ông cũng không được thụ hưởng một nền giáo dục hàng đầu nhưng đã đề xuất một trong những câu hỏi vĩ đại nhất của toán học hiện đại: Bổ đề cơ bản - tìm câu trả lời cho sự thống nhất giữa hình học và số học.

 

GS Ngô Bảo Châu tâm sự: “Bổ đề đã được giải quyết rồi nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi khác nữa. Tôi cũng luôn cố gắng để tránh rơi vào tình trạng hụt hẫng và chán nản như nhiều nhà toán học sau khi có được những công trình lớn và ngày càng già đi”.

 

Theo Phạm Ngọc

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm