GS Đào Trọng Thi nhận bằng danh dự của HV Kinh tế và Pháp luật Mátxcơva

Ghi nhận những đóng góp của GS Đào Trọng Thi cho sự phát triển hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Học viện Kinh tế và Pháp luật Mátxcơva (AEPM), chiều 25/4, Giám đốc Học viện, GS.TS. Vladimir Buiyanov, đã trao Bằng Giáo sư danh dự cho GS Đào Trọng Thi.

Chiều 25/4, tại Học viện Kinh tế và Pháp luật Mátxcơva (AEPM), Giám đốc Học viện, Giáo sư-tiến sĩ Vladimir Buiyanov đã trao Bằng Giáo sư danh dự cho Giáo sư Đào Trọng Thi, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt- Nga, để ghi nhận những đóng góp cho sự phát triển hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Học viện.

Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn và lãnh đạo một số ban, phòng Đại sứ quán. Về phía Nga có các giáo sư, giảng viên, đại diện Hội Hữu nghị Nga-Việt cùng hơn 100 sinh viên của Học viện.

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Buiyanov đánh giá cao những cống hiến của Giáo sư Đào Trọng Thi đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo các thế hệ học sinh Việt Nam; những đóng góp to lớn cho sự hợp tác giáo dục, đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam với AEPM và các trường đại học ở Nga nói chung; củng cố tình hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước Nga và Việt Nam.

Về phía mình, Giáo sư Đào Trọng Thi bày tỏ niềm vinh dự được nhận Bằng Giáo sư danh dự của AEPM; coi đây là sự khích lệ và động viên to lớn không chỉ đối với cá nhân ông, mà là tình cảm và sự đánh giá đối với những kết quả hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam và Liên bang Nga nói chung cũng như với Học viện nói riêng. Giáo sư Đào Trọng Thi cam kết sẽ tiếp tục làm hết sức mình để góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo với Liên Nga và cụ thể là với AEPM.

Trước đó, Giáo sư Đào Trọng Thi đã có bài giảng trước các sinh viên Học viện với chủ đề “Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục đại học tại Việt Nam”, tập trung vào những vấn đề lịch sử giáo dục đại học ở Việt Nam; về Trường Đại học Đông Dương; giáo dục Việt Nam giai đoạn 1954-1986 và giai đoạn 1986 tới nay; chính sách xã hội hóa giáo dục; tính tự chủ của các trường đại học; bảo đảm chất lượng dạy và học.
Theo TTXVN