Bạn đọc viết:
Góc nhìn sơ lược về thể thức thi trắc nghiệm môn Toán
(Dân trí) - Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đã cho thi trắc nghiệm môn Toán. Vấn đề mà trước đó đã có nhiều ý kiến chia rẽ, mà cụ thể nhất là đề nghị của Hội Toán Học Việt Nam - rằng nên chưa tiến hành thi trắc nghiệm môn Toán ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Bài viết dưới đây chỉ ra một số khía cạnh được mất của thể thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán.
Toán là khoa học chính xác. Trắc nghiệm chứa đựng thành tố may rủi. Sử dụng thành tố may rủi để đánh giá sự chính xác là đi ngược với bản chất nội tại của Toán học.
Thi trắc nghiệm toàn phần môn Toán không phản ánh sát thực năng lực của học sinh, vì chứa đựng thành tố may rủi, và do đó không đưa lại sự công bằng cho học sinh. Thể thức thi trắc nghiệm toàn phần không phải là lựa chọn tốt nhất cho môn Toán vì chứa đựng thành tố may rủi, không đánh giá đúng năng lực, không đưa lại công bằng cho học sinh, và làm giảm dần khả năng tư duy toán học.
Thể thức trắc nghiệm có những mặt tích cực và mặt âm tính mà khó mô tả hết. Tuy nhiên trong số đó có 4 điều nổi trội sau đây rất cần lưu ý.
1. Có tính gợi ý định hướng (đây là mặt tích cực của thể thức trắc nghiệm).
2. Chứa đựng thành tố may rủi.
3. Tác động đến năng lực tư duy sáng tạo.
4. Không xác định chính xác năng lực đích thực.
Bộ GD&ĐT đã triển khai thi trắc nghiệm môn Toán. Mũi tên đã được bắn khỏi cung. Nếu nói rằng dừng thi trắc nghiệm môn Toán thì đó là điều không thể. Bởi vậy cần một giải pháp cải tiến.
Đó là chia đề thi thành 2 phần:
1. Phần trắc nghiệm đơn giản dành cho các học sinh chỉ cần vượt qua điểm trung bình môn Toán để tốt nghiệp.
Đây là phần dành cho đối tượng các em mà sự nghiệp nghành nghề và cuộc đời về sau không cần nhiều đến kiến thức Toán học. Nên các câu hỏi phần này phải rất đơn giản mang tính phổ cập, để học sinh dễ dàng đạt được điểm trung bình. Sự may rủi trong phần thi trắc nghiệm này hoàn toàn không thể xảy ra đối với các học sinh trung bình và khá Toán, càng hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự xếp hạng nhóm các học sinh khá giỏi Toán.
2. Phần tự luận với lời giải chính xác để đánh giá năng lực đích thực về Toán của học sinh.
Phần này dành cho các em mà nghề nghiệp cần nhiều đến Toán học. Thang điểm cần chia nhỏ cho đến 100 điểm (hay 0,1 nếu để hệ điểm 10) để phân biệt chi tiết năng lực và phản ánh bao quát được mọi khía cạnh mạnh yếu của học sinh.
Phần để thi trắc nghiệm phục vụ cho các em học sinh “không cần Toán” vượt qua môn Toán nên cần có những cải tiến cách mạng.
- Kiến thức rất đơn giản nhưng đa dạng.
- Đề thi phải bao quát chương trình học.
- Cấu trúc bộ đề thi từ dễ đến khó theo thứ tự tăng dần.
- Điểm số các câu không đồng đều.
Trên đây là một góc nhìn sơ lược về thể thức thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia. Mục đích bài viết chỉ để góp thêm tiếng nói giúp cho Giáo dục Việt Nam tốt hơn.
Xin được góp ý thêm rằng, đối với các câu khó nên công bố lời giải bằng bài viết rộng rãi, để các em học sinh và độc giả có điều kiện tham khảo. Bởi tự mình giải chi tiết hết đề thi của Bộ, thì người giỏi Toán cũng khó làm hết trong vòng 90 phút.
TS Toán học Nguyễn Ngọc Chu