“Góc khuất” từ cái quỳ gối của cô giáo
(Dân trí) - Việc cô giáo tiểu học ở Long An quỳ gối xin lỗi phụ huynh là sự kiện gây chấn động dư luận không chỉ trong ngành giáo dục. Chuyện xưa nay chưa từng có này là hệ quả đổ vỡ rất nhiều "góc khuất" và những nỗi sợ của các chủ thể trong giáo dục.
Xuất phát điểm đầu tiên của sự việc là việc cô giáo xử phạt học trò bằng việc bắt các em quỳ gối, nhiều em vì thế mà sợ đi học. Để rồi sau đó phụ huynh vào trường phản ánh và sự việc diễn biến theo chiều hướng đau lòng là "ăn miếng trả miếng".
Việc giáo viên xử phạt học trò bằng hình thức quỳ gối là hình thức xâm hại thân thể và danh dự của trẻ nhỏ, vì phạm quyền trẻ em, ngoài ra, sai quy định của ngành. Nhưng trên thực tế, không ít giáo viên vẫn áp dụng, thậm chí "tôn sùng" các hình phạt này.
Khi sự việc bị "đổ bể", trong đội ngũ giáo viên không ít người đứng ra bảo vệ cô giáo vì họ cho rằng việc phạt học trò bằng cách quỳ gối hay sử dụng các hình phạt bạo lực là chuyện bình thường, thậm chí là cần thiết.
Tư duy giáo dục bạo lực đang tồn tại trong trường học. Nó đi ngược với giáo dục tiên tiến, tôn trọng nhân phẩm con người.
Rồi nữa, việc cô giáo chấp nhận quỳ gối trước phụ huynh cũng phơi bày ra nhiều lỗ hổng trong quản lý giáo dục. Đó là nỗi sợ của người thầy. Họ mất đi khả năng tự chủ, rơi vào thế bị động trong nhiều tình huống. Tiếng thở dài "quỳ cho xong chuyện" của cô giáo N. là sự mất tự chủ và buông xuôi của không riêng gì cô giáo N.
Họ làm sai quy định của ngành nhưng mong sai phạm đó được xử lý theo "luật rừng" phụ huynh đưa ra hơn là luật ngành. Bởi họ tin, nếu phụ huynh bỏ qua thì sẽ "xong chuyện", còn mọi việc ầm ĩ hơn thì chưa biết sẽ đi đâu về đâu. Cũng như rất nhiều giáo viên, cô N. sợ bị đuổi việc, sợ ngành, sợ cấp trên, sợ áp lực dư luận. Có thể các lãnh đạo "xử lý" theo dư luận chứ chưa hẳn dựa trên vi phạm của giáo viên. Và không ít lãnh đạo, khi giáo viên có "sự cố" với học sinh, phụ huynh thì... xử lý "người của mình" là dễ êm chuyện nhất.
Một giáo viên ở Nghệ An bày tỏ, trong sự việc này, nếu người hiệu trưởng quyết liệt hơn một chút thì có thể không đến mức này. Giá như lúc đó, hiệu trưởng kiên quyết "Cô không được quỳ, vi phạm của cô không đến mức bị đuổi việc" thì rất khó có cái "quỳ gối" đau thương. Nhưng ông chỉ đưa ra lời khuyên suông và quay lưng vào lúc "nước còn sôi".
Cái quỳ gối của cô giáo là vòng quay bạo lực kẻ mạnh bắt nạt người yếu thế, người yếu thế bắt nạt người yếu thế . Giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, đối diện với rất nhiều áp lực, áp lực kiếm và giữ việc làm, áp lực với thành tích, áp lực chương trình, áp lực thu nhập, áp lực từ các cấp quản lý... Và thay vì đấu tranh, lên tiếng, họ đang có xu hướng dội áp lực đó lên đầu học trò.
Giữa các làn sóng giáo dục Đông Tây kim cổ, phụ huynh đang rất hoang mang trong việc dạy con. Nhiều gia đình mất trạng thái cân bằng trong dạy con và nó bộc lộ trong cả tương tác với nhà trường, giáo viên. Nhiều phụ huynh phó thác hoàn toàn cho nhà trường, không quan tâm đến con. Và chiều hướng ngược lại, nhiều người lại can thiệp thô bạo vào mọi vấn đề của con, bênh con vô lối mà thiếu đi sự khách quan, tỉnh táo và cả sự bao dung, cảm thông.
Trong việc cô giáo quỳ gối, ai cũng thấy ông bố ngang ngược, phách lối nhưng nó cũng xuất phát từ những nỗi sợ. Trước nhất là nỗi sợ hiện hữu, con không dám đến trường vì sợ cô phạt; sợ hình thức phạt quỳ của cô ảnh hưởng đến con mình. Theo diễn biến sự việc, lúc đầu ông bố này gây áp lực với nhà trường để đổi giáo viên hoặc con mình chuyển sang lớp khác. Có thể ông bố này sợ rằng mình đã đến phản ánh sai phạm của cô giáo thì rồi đây con mình sẽ bì phân biệt, trù dập. Ở một góc độ nào đó, phụ huynh cũng yếu thế trong mối tương tác này.
Làm trong ngành luật, ông bố hiểu về quyền của trẻ em, quyền không được phạt trẻ, hiểu về sai phạm của cô giáo. Nhưng rồi ông lại đi ngoài lề về luật lẫn đạo lý để giải quyết sự việc.
Sự việc "cô giáo quỳ gối" không phải là chuyện của một đứa trẻ, một cô giáo hay một phụ huynh mà là của cả ngành giáo dục. Nó chỉ là giọt nước tràn ly, là sự đổ vỡ của nhiều vấn đề như áp lực của giáo viên, bạo lực trong trường học, chương trình, sự tự chủ của người thầy. Và đó là sự đổ vỡ trong tương tác của các chủ thể trong giáo dục: quản lý - nhà giáo - học sinh - gia đình.
Tất cả ứng xử với nhau bằng nỗi lo sợ, đối đầu thì ắt hẳn sẽ thiếu sự tỉnh táo và tôn trọng!
Hoài Nam