Vụ “cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh”: Sự quỳ gối của nhân cách!
(Dân trí) - Nói về vụ "Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh", ý kiến nhiều nhà giáo cho rằng, giáo viên mắc lỗi sư phạm khá nặng nề khi dùng hình thức buộc qùy gối để phạt trò còn những người làm cha mẹ bắt cô giáo của con mình quì gối, những bậc làm cha mẹ ấy đã hủy hoại từ nhân cách của mình tới nhân cách con...
Giáo viên mắc lỗi sư phạm nặng nề!
Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, “Tiên trách kỉ hậu trách nhân”, tôi nghĩ đầu tiên, giáo viên mắc lỗi sư phạm khá nặng nề khi dùng hình thức buộc quỳ gối để phạt trò - khi phạt trò, cô giáo đã thể hiện sự kém cỏi cả về năng lực sư phạm và nhân cách người thày.
Tuy nhiên, cô giáo còn có lỗi nặng hơn, làm đau lòng đồng nghiệp và mọi lương tri nhiều hơn khi chấp nhận quì gối trước sự uy hiếp của phụ huynh. Vấn đề của cô giáo không chỉ là mắc lỗi trong giáo dục học sinh mà còn ở văn hoá nhận lỗi.
Lẽ ra, cô giáo cần nghiêm khắc tự chịu trách nhiệm về hành vi thiếu sư phạm của mình, thậm chí, khi đơn độc đứng trước sự uy hiếp của phụ huynh, cô giáo có thể lường tới mọi khả năng xấu nhất như bị hành hung, bị kỉ luật, bị mất việc..., và dù khả năng nào xảy ra, dù đau đớn tới đâu, có lẽ vẫn còn hơn cái quì gối nhục nhã đó. Cô giáo đã tự tước bỏ ở mình yếu tố quan trọng nhất của danh dự con người, danh dự nhà giáo, đó là lòng tự trọng. Không còn lòng tự trọng, danh dự bị hủy hoại, từ nay, cô sẽ làm nghề như thế nào đây?
Còn với phụ huynh, không thể lấy cái sai này để sửa cho một cái sai khác. Khi những người làm cha mẹ bắt cô giáo của con mình quì gối, những bậc làm cha mẹ ấy đã hủy hoại từ nhân cách của mình tới nhân cách con cái, hủy hoại nền tảng đạo lý cơ bản nhất trong các mối quan hệ: cha mẹ - con cái, thày cô - học trò, con người - con người..., hủy hoại truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn năm nay của dân tộc.
Họ đã quên một điều: để thỏa mãn cơn tức giận, họ tự tước bỏ của con mình những điều đẹp đẽ thiêng liêng của đạo làm người. Từ nay, các con sẽ lớn lên với niềm tin: trên đời, không có gì là không thể, nếu muốn, có thể dùng sức mạnh uy hiếp tất cả, buộc quì gối tất cả.
Đã có lần, có người ngạc nhiên khi thấy phụ huynh lớp học thêm ngoài Trung tâm đưa con gái vừa đỗ đại học tới cám ơn cô giáo luyện thi: "Học thì đóng tiền, sao còn cám ơn nhỉ?”.
Đó là cách tư duy khá phổ biến với một số người: giáo viên dạy con họ được nhà nước trả lương hoặc họ trực tiếp trả tiền / giúp việc nấu cơm lau nhà được họ trả lương/ lao công quét dọn đường phố tất nhiên cũng được trả lương, bộ đội chiến đấu được dân nuôi...
Và khi đã trả tiền cho người ta dạy con, lau nhà, đổ rác hay hi sinh vì sự bình yên của mình, người trả tiền tự cho mình cái quyền làm mọi điều, kể cả sỉ nhục nhân cách người được trả tiền.
Quan niệm ấy chi phối cách giáo dục khiến một bộ phận không nhỏ những con người thời nay cho rằng không cần biết ơn bất kì ai trong cuộc đời này! Và cũng chẳng điều gì là quá thiêng liêng trong cuộc đời này! Điều đáng sợ nhất trong quan niệm này là một ngày nào đó, biết đâu, nó sẽ chi phối cả mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khi những đứa trẻ không được dạy bài học về tôn sư trọng đạo, liệu các con có thực sự thấy cần thiết giữ lòng biết ơn và tôn trọng với cha mẹ mình hay không?
Một điều nữa cần nói về môi trường sư phạm của trường! Thày hiệu trưởng nhắc cô giáo không phải quì, rồi đi...dự giờ; ông chủ tịch hội phụ huynh do có việc bận nên cũng ra khỏi phòng - đơn độc trước những phụ huynh đầy sức mạnh, cô giáo đã quì tới 40 phút trước sự chứng kiến của khá nhiều phụ huynh và đồng nghiệp đi qua lại. Vậy không có ai suy nghĩ, xấu hổ, phẫn nộ... trước cảnh tượng ấy hay sao?
Một trong những phương tiện giáo dục quan trọng nhất là nhân cách của người giáo dục, với cha mẹ, thày cô như thế, con cái chúng ta sẽ lớn lên thế nào đây?
Tôi thấy thương con cô giáo! Và những học trò lớp cô dạy khi từ mai, các con luôn phải nhìn cô giáo mình với những hình dung về một tư thế các con chưa nhìn thấy bao giờ!
Sự "tác động" quá đáng từ phía phụ huynh
Ở góc nhìn của một nhà xã hội học, tâm lý, TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM cho rằng, hành động quỳ trước phụ huynh của Nh. không chỉ là cảm xúc nhất thời, cũng không phải là bị ép buộc phải quỳ. Không ai dễ dàng quỳ trước người khác như vậy, ở đây lại là giáo viên. Nhưng ở đây cô giáo đã đánh mất lòng tự tôn, đã xem nhẹ nghề nghiệp, công việc và vị thế của mình.
Là người trong nghề, tiếp xúc với giáo viên bà Thúy hiểu, nhiều giáo viên rất bức bối với công việc, nhất giáo viên phổ thông trong hệ thống trường công. Quá nhiều thứ đổ lên đầu họ, từ quản lý, chương trình, thành tích, chỉ tiêu, kỷ luật... họ vốn đã không được tôn trọng.
Tiếp đó, bây giờ tâm lý học sinh phức tạp, "nhất quỷ nhì ma" không phải tinh nghịch thông thường nữa mà nhiều học trò em thiếu tôn trọng, xúc phạm... Rồi áp lực ngày càng lớn từ phía phụ huynh. Tất cả có thể nói, họ bị chèn ép từ trên xuống dưới.
Với bối cảnh như vậy, cô giáo trong trường hợp này cũng là nạn nhân, họ đành mất tự tôn với nghề nghiệp, với vị thế của mình chứ không chỉ là sự "tác động" quá đáng từ phía phụ huynh.
Chua xót cho hành động yếu hèn của cô giáo nhưng bà Thúy cũng phân tích, trong hoàn cảnh này cô giáo dễ dàng chấp nhận quỳ vì chính bản thân cô thấy mình sai. Giáo viên có phương pháp sư phạm hiểu rõ hơn ai hết xử phạt học sinh quỳ là xúc phạm nhân phẩm các em, không có giá trị giáo dục.
Cô gây tổn thương cho học sinh, mang mặc cảm tội lỗi và mong được chuộc lỗi. Đây có lẽ là điểm sáng trong sự việc đau lòng này. Trong tâm thế mình có lỗi cùng với bối cảnh tranh cãi qua lại, sự căng thẳng của phụ huynh, sự cô độc, mất tự tôn về nghề nghiệp... cô chấp nhận quỳ. Cô giáo cư xử yếu đuối nhưng cũng là một cảm xúc rất người. Trong tình huống rối bời, với nhiều tác động, không ai có thể nói chắc mình có thể cư xử tỉnh táo.
Giáo dục đang như một cái lò hơi
Không chấp nhận hành vi của phụ huynh trong tình huống trên nhưng đứng ở góc nhìn khách quan, bà Phạm Thị Thúy cho rằng, không phải tự nhiên mà phụ huynh nổi giận và hành xử như vậy. Phụ huynh cũng là nạn nhân và họ xả uất ức vào cô giáo.
Giáo dục đang như một cái lò hơi. Bối cảnh xã hội có thể phụ huynh đã rất bức xúc với các vấn đề của giáo dục như bạo hành, bạo lực, bằng cấp, giả dối, các vấn nạn trong giáo dục. Còn trong nhà trường, có thể phụ huynh đã uất ức với giáo viên từ lâu, có thể với cô giáo khác chứ không phải với cô Nh. Họ mang bức bối với giáo viên, với nhà trường trong người từ trước chứ không phải là cảm xúc nhất thời.
Họ đã không tôn trọng giáo viên. Khi sự việc xảy ra, lại quá thương con nên họ làm căng, "xả" những bức bối vào cô Nh.
Đây là một chuyện buồn trong ngành giác dục, đổ vỡ rất nhiều giá trị. Buồn cho hành động phạt học trò thiếu tính giáo dục, tình thương. Buồn cho sự xem thường của phụ huynh đối với giáo viên và buồn cho cả hành động hèn yếu của cô giáo. Trong này, có yếu tố thiếu kiểm soát cảm xúc, cả giận mất khôn nhưng yếu tố chính vẫn là cốt cách con người. Một tình huống bộc lộ cả giáo viên và phụ huynh đều là sản phẩm của một quá trình giáo dục, môi trường giáo dục, xã hội có vấn đề.
Bà Phạm Thị Thúy nhấn mạnh, lên án những hành vi không đúng là việc cần thiết nhưng mọi người cần có nhìn sự việc ở góc độ đa chiều, hiểu được phần nào nguyên nhân sâu xa để thấu cảm, chia sẻ. Còn không, người nhìn thấy lỗi của giáo viên thì lên án giáo viên, người thấy lỗi phụ huynh thì chửi bới phụ huynh, người lại thấy do con trẻ...
Qua sự việc này, theo bà Thúy, tất cả mỗi người cần nhìn lại chính mình để giác ngộ. Giáo viên cần thay đổi tích cực phương pháp sư phạm, tôn trọng học sinh, nghề nghiệp và chính bản thân mình. Phụ huynh cần điềm tĩnh, hành xử đúng mực để giữ sự tôn trọng với người thầy. Vì phụ huynh không tôn trọng giáo viên là đã mất đi cơ hội rất lớn đối với việc giáo dục con. Tất cả những nhìn nhận thông cảm, tư duy tích cực sẽ tránh gây tổn thương cho nhau.
Mỹ Hà - Hoài Nam