Góc chuyên gia: Luyện thi TOEFL iBT không chỉ để đi Mỹ

(Dân trí) - Tại Việt Nam, bài thi năng lực tiếng Anh chuẩn hóa quốc tế TOEFL iBT đã trở nên phổ biến rộng rãi với số lượng người học và thi ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu một cách đầy đủ và chính xác về bài thi này. Hãy cùng cô giáo Đỗ Thúy Hằng – chuyên gia luyện thi, nằm trong top 1% thế giới về điểm TOEFL iBT – điểm qua năm nhầm tưởng thường gặp về bài thi này.


Cô giáo Đỗ Thúy Hằng – top 1% thế giới về điểm TOEFL iBT.

Cô giáo Đỗ Thúy Hằng – top 1% thế giới về điểm TOEFL iBT.

TOEFL (Test Of English as a Foreign Language) là bài thi chuẩn hóa quốc tế nhằm mục đích đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ của người muốn theo học tại một quốc gia nói tiếng Anh hoặc học một chương trình bằng tiếng Anh.

Bài thi TOEFL là thương hiệu độc quyền của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ ETS (Educational Testing Service). Từ năm 2006, các phiên bản trước của TOEFL được thay thế bằng phiên bản thế hệ mới iBT (internet-based test) với hình thức thi trên máy tính và đề thi được chuyển thẳng về trung tâm tổ chức thi qua mạng Internet. Dưới đây là năm hiểu lầm thường gặp về TOEFL iBT mà không ít người học, ngay cả học sinh chuyên Anh, thường mắc phải.

1. Luyện thi TOEFL iBT chỉ để đi Mỹ

Nhiều người nghĩ rằng học TOEFL iBT chỉ để đi du học tại Mỹ, nhưng thực tế không phải như vậy. Điểm TOEFL được chấp nhận tại hơn 9,000 trường đại học, cao đẳng và các tổ chức giáo dục tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới. Đó là chưa kể đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh của một số quốc gia sử dụng điểm TOEFL như một thước đo đáng tin cậy để xét visa cư trú và làm việc, cũng như các cơ quan y tế tin tưởng điểm TOEFL như một tiêu chí quan trọng trong việc cấp chứng chỉ nghề.

Bên cạnh đó, người học có thể luyện và thi TOEFL iBT với mục đích nâng cao kỹ năng tiếng Anh toàn diện, đánh giá sự tiến bộ cũng như năng lực sử dụng tiếng Anh của mình.


Điểm TOEFL iBT được chấp nhận tại hơn 9,000 tổ chức giáo dục toàn cầu (Nguồn: Internet)

Điểm TOEFL iBT được chấp nhận tại hơn 9,000 tổ chức giáo dục toàn cầu (Nguồn: Internet)

2. Bài thi TOEFL iBT đánh giá ba kỹ năng đọc, nghe, viết

Khác với các phiên bản trước của TOEFL như PBT và CBT, phiên bản thế hệ mới iBT kiểm tra toàn diện bốn kỹ năng đọc, nghe, nói, viết của người thi. Bởi vậy, để làm tốt bài thi TOEFL iBT, người học cần rèn luyện kỹ năng nói thay vì chỉ tập trung làm những bài luyện đọc, nghe và viết luận.

Bên cạnh đó, bài thi TOEFL iBT còn có những câu hỏi kết hợp 2-3 kỹ năng như đọc, nghe, nói hay đọc, nghe, viết; giúp người học làm quen và chuẩn bị sẵn sàng cho môi trường học tập mà trong đó việc sử dụng đồng thời nhiều kỹ năng là một điều tất yếu. Có thể nói đây là một sự cải tiến thông minh của ETS, cũng là một điểm sáng giúp TOEFL iBT khác biệt và vượt trội hơn những bài thi năng lực tiếng Anh khác.

3. Phải hiểu biết nhiều lĩnh vực mới có thể làm tốt bài thi

Nếu bạn cho rằng phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" mới có thể làm tốt bài thi TOEFL iBT, nhất là ở phần đọc và nghe, thì bạn đã hiểu nhầm. Việc am hiểu kiến thức khoa học, xã hội là rất tốt, nhưng đó không phải là yêu cầu của ETS đối với người tham gia kỳ thi này. Lý do là vì mọi thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi đều đã được ETS cung cấp rất đầy đủ trong phần nội dung của bài, việc của bạn là phải hiểu được thông tin đó để trả lời câu hỏi.

Bởi vậy, để chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL iBT, bạn không bắt buộc phải đọc về Alexander Đại Đế hay các hành tinh trong hệ Mặt Trời mà hãy dành thời gian trau dồi khả năng tiếng Anh của mình, nhất là tăng cường vốn từ vựng để có thể hiểu đúng và đủ nội dung mà ETS đưa ra.

4. Phần thi nói sẽ được máy tính chấm điểm tự động

Mặc dù TOEFL iBT là bài thi trên máy tính nhưng kết quả phần thi nói là do các chuyên gia của ETS chấm, còn máy móc chỉ đóng vai trò thu âm câu trả lời lại mà thôi. Người chấm sẽ dựa vào 3 tiêu chí quan trọng để đánh giá phần nói của thí sinh bao gồm sự trôi chảy trong lời nói, sự chính xác về ngôn ngữ và cấu trúc câu trả lời. Đây là những yếu tố mà không một phần mềm nào có thể đánh giá chính xác như con người được. Ngay cả phần mềm SpeechRater là chương trình chấm điểm phần nói tự động được sử dụng trong bài thi thử TOEFL iBT qua mạng (TPO – TOEFL Practice Online) cũng chỉ có thể đưa ra một kết quả tương đối, một khoảng điểm từ thấp nhất đến cao nhất giúp người học nắm được trình độ hiện tại của mình, từ đó có kế hoạch phù hợp để chuẩn bị cho bài thi thật.


Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

5. Viết theo cấu trúc khuôn mẫu (template) là có thể đạt điểm cao

Bất cứ ai khi tham gia một kỳ thi nào đều mong mình đạt điểm cao, nhưng nếu nghĩ rằng chỉ cần học thuộc một vài cấu trúc bài viết mang tính khuôn mẫu (template) rồi áp dụng vào bài thi viết TOEFL iBT là sẽ đạt số điểm mong muốn thì chắc hẳn sẽ thất vọng khi nhận phiếu báo điểm từ ETS.

Việc học cấu trúc bài viết mẫu là cần, nhưng chưa đủ. Cần vì cấu trúc mẫu giúp người học hình dung được cách sắp xếp ý một cách logic, khoa học cho bài viết của mình, nhưng chưa đủ vì việc tạo bố cục tốt không phải là tiêu chí duy nhất mà chuyên gia ETS dựa vào để chấm điểm bài viết của thí sinh.

Nói một cách hình tượng thì template chỉ có tác dụng như “khung xương”, giúp bài viết có bố cục và hình thức trình bày tốt, còn việc “đắp da đắp thịt” cho bài viết đó như thế nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng lập luận, trình bày của người viết. Đó là chưa kể đến khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả được đánh giá dựa trên việc sử dụng đa dạng các cấu trúc ngữ pháp, lựa chọn đúng từ dùng trong đúng hoàn cảnh cũng như có cách diễn đạt tự nhiên.

Bởi vậy người học và thi TOEFL iBT chỉ nên xem template như một công cụ hỗ trợ thay vì trở nên phụ thuộc, dựa dẫm, coi đó như một “phao cứu sinh” giúp mình xử lý các dạng đề mà lơ là việc quan trọng nhất là rèn luyện kỹ năng viết học thuật cũng như khả năng tư duy logic, bảo vệ quan điểm thuyết phục bằng tiếng Anh.

Tổng kết lại, có thể coi TOEFL iBT như một tấm hộ chiếu giúp mở ra vô vàn cánh cửa cơ hội cho người học đến với bất kỳ môi trường học thuật nào sử dụng tiếng Anh tại hơn 130 quốc gia trên thế giới.

Việc học và thi TOEFL iBT không đơn giản, nhưng những gì bạn nhận được từ quá trình rèn luyện kỹ năng theo định hướng đúng đắn mà ETS đưa ra để chuẩn bị hành trang trước khi theo học tại một trong hơn 9,000 trường học, tổ chức giáo dục chấp nhận điểm TOEFL chắc chắn sẽ xứng đáng với công sức, thời gian mà bạn đã bỏ ra, như câu nói của Art Williams: “I’m not telling you it’s going to be easy. I’m telling you it’s going to be worth it.” (Tôi không nói với bạn rằng điều đó đơn giản. Tôi nói với bạn rằng điều đó đáng để làm).

Cô Đỗ Thúy Hằng là chuyên gia luyện thi TOEFL iBT tại Hà Nội. Cô nằm trong top 1% thế giới về điểm TOEFL iBT và đã nhận được bằng CELTA (chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài) do trường Cambridge, Anh Quốc cấp và chứng nhận.

Cô Hằng đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh và luyện thi TOEFL iBT. Nhiều học sinh của cô đã đạt số điểm rất cao trong kỳ thi TOEFL iBT và giành được những suất học bổng giá trị từ các trường ĐH hàng đầu tại Mỹ, như em Nguyễn Phan Anh (110/120 TOEFL iBT) giành được học bổng 220.000 USD của trường Colgate, top 20 trường đại học hàng đầu tại Mỹ; em Phạm Minh Hiếu cùng lúc giành được 3 suất học bổng toàn phần (giá trị mỗi suất học bổng từ 270.000 - 290.000 USD) của 3 trường nằm trong top 4 các trường đại học tốt nhất nước Mỹ là Stanford, Columbia và Chicago.

Độc giả Dân Trí có thể gửi câu hỏi về bài thi TOEFL iBT nói riêng và việc học tiếng Anh nói chung để được cô Hằng giải đáp vào địa chỉ email: mshang.toeflibt@gmail.com .

Cô giáo Đỗ Thúy Hằng