Giúp học sinh “hâm nóng” tinh thần học tập sau Tết

(Dân trí) - Sau kì nghỉ tết kéo dài, nhiều trẻ em uể oải quay lại với việc học tập. Theo một số chuyên gia, nên tùy từng đứa trẻ để áp dụng một số cách thích hợp giúp các em lấy lại tinh thần học tập học sau Tết.

“Hội chứng” chán học

Sau 9 ngày nghỉ tết, cô con gái 4 tuổi của chị Thu Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vật vã không chịu tới trường. Chị cho biết, cứ vài ngày nghỉ, cháu lại hỏi bố mẹ “ngày mai thứ mấy, con có phải đi học không”? Bố mẹ phải làm công tác tư tưởng mãi, con mới yên tâm chơi tết.

Sau gần chục ngày nghỉ ngơi, con gái chị bắt đầu chán tới lớp. “Sáng thứ hai và là ngày đi học đầu tiên của năm mới, con gái mình khóc lăn lóc không chịu đến trường. Cháu gào lên: “Con không thích đi học đâu, chỉ thích ở nhà với bố thôi”, chị Hà cho hay. Rút cuộc, chị phải mất cả tiếng đồng hồ mới đưa con đi học.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công (Đại học Đồng Nai), hội chứng chán học sau tết là biểu hiện thường thấy của nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là học sinh mầm non và cấp 1, cấp 2.

Hội chứng này có thể do cha mẹ quá mải mê cho con hưởng thụ ngày tết mà quên nhắc nhở các con liên quan đến việc học. Cũng có thể trong những ngày nghỉ tết, do bố mẹ quản lý lỏng lẻo kiểu “bù đắp” cho con những ngày học hành vất vả nên cho ôm điện thoại, chơi game… quá nhiều dẫn đến tác dụng ngược. Chẳng hạn, bình thường bố mẹ chỉ cho xem truyền hình khoảng 30 phút nhưng ngày tết, nhiều người “thương” nên cho con xem những 3 tiếng đồng hồ thì rất không nên. Đấy là cách quản lý con rất phản giáo dục.

Học sinh Hà Nội trong ngày đầu tiên đến lớp sau kì nghỉ Tết Bính thân (ảnh: Mạnh Thắng)
Học sinh Hà Nội trong ngày đầu tiên đến lớp sau kì nghỉ Tết Bính thân (ảnh: Mạnh Thắng)

NGƯT Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Song ngữ Wellspring (Hà Nội) cho biết, sau kì nghỉ hè, nghỉ tết là kì nghỉ dài thứ hai trong năm. Trẻ em dễ chán nản vì trong những ngày nghỉ này, các em không phải học bài, được chơi thoải mái và được ngủ nướng. Chẳng hạn trong ngày đầu tiên đi học của năm mới mà trời rét, lại phải dậy sớm như sáng nay, chắc chắn nhiều em học sinh sẽ uể oải là điều đương nhiên.

Ông Đại cho biết, năm nay số học sinh nghỉ học trong ngày đầu tiên sau kì nghỉ tết của trường mình không nhiều. Chỉ một số em đi du lịch xa với gia đình nên thời gian bị kéo dài và có xin phép nhà trường nghỉ ngày đầu tiên.

Vừa động viên vừa khuyến khích

Để các em hào hứng trở lại việc học tập sau tết, theo một giáo viên, nhiều gia đình cho trẻ học căng để quen ngay với cường độ. Tuy nhiên, điều đó càng làm cho trẻ sợ hãi học tập. Tốt nhất, gia đình có thể đan xen việc nghỉ ngơi, vui chơi với việc học để chuẩn bị cho trẻ trước khi nhập học trở lại.

Cha mẹ cần kể nhiều về bạn bè, trường lớp và hỏi con các câu hỏi kiểu như: “Trong lớp con thân nhất bạn gì? Con nhớ bạn nào nhất…”. Điều đó sẽ khơi gợi cho các em tâm lý nhớ bạn, nhớ trường để đi học. Ngoài ra, ở các trường, nhiều nơi có các hình thức mừng tuổi, lì xì bằng những món quà nhỏ để giúp các con hứng khởi.

Nhà giáo Đặng Đình Đại cho biết, sau buổi chào cờ đầu năm mới trong sáng nay, nhà trường đã tổ chức bốc thăm may mắn để lì xì cho một số em. Hình thức “hâm nóng tinh thần” này, theo ông Đại mỗi năm đều có thay đổi để tạo hứng khởi và mới mẻ.

Bố mẹ động viên con trong ngày đầu tiên đi học sau kì nghỉ Tết năm nay (Ảnh: Mạnh Thắng)
Bố mẹ động viên con trong ngày đầu tiên đi học sau kì nghỉ Tết năm nay (Ảnh: Mạnh Thắng)

“Nhiều trường đã có cách làm rất tốt sau ngày đầu tiên dạy học trở lại của năm mới. Chẳng hạn, có trường dành cả tiết học đầu tiên để bốc thăm trúng thưởng, sinh hoạt tập thể hoặc tạo các trò chơi. Một số trường mang tên danh nhân thì cho học sinh đến dâng hương tưởng niệm trong ngày đầu năm mới… Những việc làm này, một phần vừa tạo động lực giúp các em thư giãn để trở lại trường, vừa để học sinh hiểu được cội nguồn và có những ngày học tập đầu xuân đầy ý nghĩa”.

Còn theo Ths Nguyễn Văn Công, ngay trong thời gian nghỉ tết, các gia đình nên phân bố giữa việc nghỉ và học tập hợp lý. Không nên có thay đổi quá lớn, dẫn đến việc trẻ chán học hoàn toàn.

Tất nhiên, bố mẹ đáp ứng cho con nghỉ ngơi đúng ý nghĩa ngày tết nhưng không nên quá lạm dụng việc nghỉ. Thời điểm này, tốt nhất bố mẹ nên có uốn nắn và điều chỉnh kịp thời, vừa động viên vừa khuyến khích bởi việc phát huy tính tự giác hoàn toàn trong giai đoạn này sẽ rất khó giúp các em lấy lại được thăng bằng sau nghỉ tết.

Đồng quan điểm này, trước đó TS Nguyễn Kim Quý (nguyên giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cố vấn Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567-Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, ngoài việc duy trì thời gian học bài hàng ngày với các con khoảng 2 tiếng/ngày, các gia đình nên khuyến khích trẻ lấy lại động lực học tập bằng những câu chuyện vui như: Đầu năm không nên lười quá, nếu không sẽ xúi quẩy cả năm, không nên chơi hoặc ngủ quá nhiều nếu không sẽ bị béo, xấu… Những điều này sẽ giúp trẻ có niềm tin để trở về kỉ luật học tập.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)