Thiếu bài tập Tết, quản con không nổi

(Dân trí) - Trong khi nhiều phụ huynh mừng rỡ khi giáo viên không giao bài Tết cho con thì ngược lại, không ít ông bố bà mẹ lại ước gì Tết có bài tập như một cách quản trẻ.

Không luyện bài thì luyện… game

Một vài năm gần đây, chủ trương không giao bài tập về nhà cho học trò dịp Tết của nhiều trường học nhận được sự ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ông bố bà mẹ lại mệt nhoài khi con thoát khỏi áp lực học tập thì nề nếp bị đảo lộn, trẻ sa vào những trò tiêu cực.


Thoát áp lực bài vở, nhiều học trò ăn Tết ở quán game

Thoát áp lực bài vở, nhiều học trò "ăn Tết" ở quán game

Không phải luyện bài, sách vở vứt xó, không ít học trò thỏa sức luyện… game, lên mạng xã hội hay tham gia vào đủ trò vô bổ như bù khú nhậu nhẹt, đua xe.

Ngay sau ngày học trò nghỉ Tết, các cửa hàng game trong con hẻm nhỏ đường Đinh Tiên Hoàng (P.3, Q. Bình Thạnh, TPHCM) sôi động hơn cứ lúc nào. Giờ nào cũng vậy, từ sáng đến khuya, hầu như các quán đều kín chỗ. “Mấy nhỏ được nghỉ Tết nên chơi ghê lắm”, bác Tư, trông tiệm game hộ con trai, cho biết.

Rồi bác chỉ vào hai cậu học trò ngồi dãy bên trong nói tiếp: “Hai đứa này nhà gần đây, học lớp 7 trường Tr.C.Đ, từ hôm nghỉ ngày nào cũng ăn ngủ ở tiệm 15 - 20 tiếng. Bố mẹ la được chốc lại thấy ra”.

Nhiều tiệm game, các địa điểm chơi các trò nguy hại như bắn cá ăn tiền… hoạt động tích cực hơn trong những ngày nghỉ Tết để phụ vụ đối tượng khách hàng chính là học trò.

Con rảnh rỗi ngày Tết lao vào game, mạng xã hội làm nhiều bố mẹ đau đầu. Chị Nguyễn Ngọc Trinh, ở Q.Phú Nhận,TPHCM có hai con học ở bậc THCS bày tỏ từ hôm nghỉ tới giờ, hai đứa con chị ngồi máy tính ở nhà chán thì kéo nhau ra quán game. Không có bài tập Tết nên chị có la,có mắng cũng chẳng dứt các cháu ra được, chỉ làm cho không khí gia đình thêm căng thẳng.

Phụ huynh đề nghị giao bài tập Tết

Một hiệu trưởng bậc THCS ở Thủ Đức, TPHCM kể, hai năm trở lại đây, trước kỳ nghỉ Tết lại có một số phụ huynh đến gặp giáo viên để đề nghị giao bài tập cho con mình trong kỳ nghỉ.

“Nhiều phụ huynh lúc nào cũng muốn con phải học để đạt thành tích cao, kể cả Tết họ cũng muốn con phải học. Tuy nhiên, có một số người mong muốn cô giáo giao bài tập bởi không có bài vở để con nề nếp và bớt quậy đi”, bà hiệu trưởng nói và cho rằng không có bài vở, nhiều gia đình hiện nay không “quản” nổi con.

Trẻ đang thiếu những hoạt động trải nghiệm ý nghĩa
Trẻ đang thiếu những hoạt động trải nghiệm ý nghĩa

Phụ huynh Trần Minh Tân, ngụ ở Q.3 cho biết, cô con gái lớp 10 của anh từ ngày nghỉ Tết thì ban ngày ôm máy tính, còn chiều tối đến đêm là tụ tập bạn bè, có hôm còn nhậu nhẹt sực nức mùi rượu bia.

“Cả nhà toàn khục khặc chuyện cháu lông bông trong đợt nghỉ. Tôi chỉ ước gì nhà trường giao cho cháu một lốc bài vở thì đỡ biết mấy. Nói thật không có bài vở từ giáo viên, rất khó mà quản mấy cô cậu này”, anh Tân than.

Hầu hết hiện nay các trường học đều “tháo lỏng” không giao bài tập Tết để học sinh có một kỳ nghỉ nhẹ nhàng, không bị áp lực bài vở. Tuy nhiên, một số trường vẫn giao bài tập cho học trò để các em không bị vui Tết mà bỏ bê, khó bắt lại nhịp sau Tết.

Như Trường THPT Gia Định, TPHCM với học sinh khối 10 và 11, giáo viên không bài tập dịp Tết nhưng đối với lớp 12, nhà trường thống nhất sẽ có bài tập cho các em trong thời gian này giúp em không bị “khớp” sau kỳ nghỉ kéo dài hơn hai tuần.

Nhiều gia đình giữ nếp khai bút đầu xuân nhắc nhở về trách nhiệm học tập của trẻ
Nhiều gia đình giữ nếp khai bút đầu xuân nhắc nhở về trách nhiệm học tập của trẻ

Việc không giao bài tập Tết cho học trò trong một vài năm gần đây được dư luận ủng hộ với tinh thần “cởi dây trói” áp lực học tập để trẻ có một kỳ nghỉ đúng nghĩa. Khi con trẻ rời nhà trường, nhiều gia đình lúng túng trong việc quản lý con. Các em hiện nay lại ít tham gia vào việc nhà, các hoạt động trải nghiệm Tết truyền thống. Thêm việc không biết cách quản lý bản thân nên trẻ càng dễ sa vào những trò vô bổ hại thân khi lắm thời gian rảnh rỗi.

Việc trẻ không có bài tập thì không học còn cho thấy học trò thiếu động lực học tập tích cực, học tập để trang bị tri thức, rèn luyện bản thân mà tâm lý chỉ học khi cần đối phó.

Xây dựng “nếp học” cho con

TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ tục “khai bút đầu xuân” hiện nay đã có nhiều thay đổi. Nó không còn phổ biến mà mang đậm ý nghĩa như trước. Tuy nhiên, với nhiều gia đình giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi ngoài những giá trị chân thiện mỹ, việc “khai bút đầu xuân” còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công.

Với các bạn học sinh, khai bút đầu xuân vừa như một nghi lễ trang nghiêm, mang đậm nét truyền thống, vừa giúp các bạn hiểu rõ hơn trách nhiệm học tập của mình. Lễ khai bút đầu xuân trang trọng sẽ giúp các bạn ấy đỡ ngại khi trở lại trường sau kì nghỉ dài. Đồng thời, nghi lễ này cũng giúp cho các bạn nhỏ trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn trong việc học.

Theo TS Hương, thay vì kiến nghị các thầy cô giáo không giao bài tập Tết cho con, các cha mẹ hãy chú trọng tổ chức nghi lễ khai bút đầu xuân cho các con hay giúp con có những hoạt động trải nghiệm thú vị để những ngày Tết của trẻ không trôi qua một vô bổ.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)