Giữ mức điểm sàn, ĐH công lập cũng khó tuyển

(Dân trí)- Hôm nay 5/8, hạn cuối cùng để các trường cao đẳng trên cả nước hoàn tất công bố điểm thi cho thí sinh và ngày 8/8 Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn. Tuy nhiên, với mức điểm sàn như năm trước, một số trường đại học công lập dự kiến chỉ tuyển được 25%.

Chỉ 25% thí sinh đỗ nếu giữ mức điểm sàn như cũ
 
Nếu Bộ GD-ĐT giữ mức điểm sàn như năm 2010, không chỉ các trường đại học (ĐH) ngoài công lập mà cả những trường ĐH, nhất là ĐH vùng cũng lo lắng bội phần vì sẽ rơi vào tình trạng không có thí sinh để tuyển.

Trường ĐH Tây Bắc, năm nay có tới hơn 11.000 hồ sơ ĐKDT và số thí sinh dự thi đạt tới 84%.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tây Bắc lại rất lo lắng, cho hay: “Kết quả thi thấp hơn nhiều so với năm trước. Nếu so sánh với mức điểm sàn như năm 2010 là 13 -14 thì công tác tuyển sinh của trường sẽ rất khó khăn vì số thí sinh thi vào trường có thể trúng tuyển chỉ khoảng 25% so với chỉ tiêu. Nhiều ngành có nguy cơ không mở lớp được vì không đủ thí sinh. Do vậy, điểm sàn của Bộ cần thay đổi”.

“Đề nghị Bộ hạ điểm sàn để đáp ứng như cầu học tập của học sinh và đảm bảo sự hoạt động của các trường. Điểm sàn là bao nhiêu đối với các trường dễ tuyển gần như không ảnh hưởng gì nhưng các trường đặt ở vùng miền thì thực sự khó khăn. Quan điểm của Bộ muốn duy trì chất lượng đầu vào là đúng nhưng cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế. Ai cũng muốn đầu vào tốt vì đầu vào tốt đầu ra cũng sẽ tốt, dạy sẽ “nhàn“ hơn, tạo dựng được thương hiệu tốt cho trường. Nhưng vấn đề còn là chỉ tiêu, nhu cầu học tập, công ăn việc làm cho đông đảo cán bộ giảng viên“ - ông Thông cho hay.

Trường ĐH Hùng Vương - Phú Thọ, điểm thi năm nay của thí sinh cũng không cao. Ông Cao Văn, hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương cho biết: “Nếu tính theo mức điểm sàn năm ngoái thì sẽ rất khó cho trường tuyển sinh”.

Tương tự như các trường trên, nhiều trường đại học công lập phía Nam cũng sẽ rơi vào tình trạng khó tuyển như ĐH Bạc Liêu, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH An Giang…

Ông Võ Văn Thắng, phó hiệu trưởng trường ĐH An Giang cho hay: “Nếu điểm sàn năm nay vẫn giữ như năm 2010, thì đầu vào của những ngành này sẽ trở nên khó khăn vì điểm thi thực tế của thí sinh khá thấp. Trường đã dự kiến, nếu điểm sàn không hạ, tuyển sinh không đủ thì sẽ không mở ngành đào tạo sư phạm”.

Sẽ sử dụng “phao cứu sinh”
 
Mùa tuyển sinh 2010, nhiều trường đại học đã xin Bộ áp dụng điều 33 tuyển sinh để tuyển. Đây như là “chiếc phao” mà Bộ GD-ĐT đưa ra để các trường sử dụng biện pháp cuối cùng khi không tuyển đủ chỉ tiêu.

Bộ GD-ĐT quy định điều 33 về việc xây dựng điểm trúng tuyển như sau: Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh. Theo đó, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm); Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 2,0 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết; Đối với các trường ĐH, CĐ được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đối với những trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương được phép định điểm trúng tuyển theo tỉnh, huyện, vùng với mức chênh lệch điểm giữa các tỉnh, huyện (điểm chênh lệch khu vực) lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.

Việc các trường áp dụng Điều 33 để nới rộng điểm ưu tiên, thực tế là hạ thấp điểm trúng tuyển, cho một số ngành để tuyển cho đủ thí sinh.Với lợi thế như vậy, năm nay, dù chưa có điểm sàn nhưng nhiều trường công lập đã sử dụng biện pháp này.

Ông Võ Văn Thắng, phó hiệu trưởng trường ĐH An Giang cho biết: “Năm nay, với 3 ngành nông nghiệp khó tuyển, trường đã có công văn gửi Bộ để xin vận dụng Điều 33 nhằm mở rộng ưu tiên điểm cộng thêm cho các đối tượng, khu vực… Từ đó, hy vọng có được nguồn tuyển ổn hơn”.

Ông Phạm Minh Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tây Bắc, đề nghị: “Nếu Bộ vẫn giữ mức điểm sàn tương đương năm trước thì trường ĐH Tây Bắc mong muốn Bộ cho trường được trực tiếp vận dụng điều 33 của Quy chế Tuyển sinh cho phép tăng mức điểm ưu tiên đối tượng và khu vực đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số để có thể tuyển đủ chỉ tiêu được giao“.

Không chỉ các trường ĐH công lập mà hàng loạt trường ĐH ngoài công lập cũng sử dụng biện pháp này.

Ông Hoàng Hữu Nguyên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây cho rằng: “Nếu Bộ vẫn quan điểm giữ mức điểm sàn như năm trước thì trường chúng tôi lại tiếp tục xin vận dụng điều 33 vào tuyển sinh để hy vọng gọi thêm được nhiều thí sinh”.

Được biết, trong sáng hôm nay 5/8, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tổ chức hội nghị để đề nghị Bộ GD-ĐT thay đổi mức điểm sàn.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm