Nghệ An:
“Gieo chữ” ở cổng trời Mường Lống
(Dân trí) - Rời đồng bằng xa xôi đến với vùng cao đầy gian khó dạy học giữa heo hút đại ngàn núi cao, những giáo viên cắm bản ở cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) vẫn ngày đêm bám trụ điểm trường, lớp học để miệt mài gieo mầm con chữ cho những ước mơ xanh.
Đất nghèo níu chân người gieo chữ
Vượt qua gần 300km từ TP Vinh, chúng tôi đến Mường Lống (xã Mường Lống gần 100% đều là dân tộc Mông, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) khi mùa đông đã kéo hơi lạnh về khắp núi rừng vùng cổng trời.
Cái rét ngọt mang theo làn sương mù dày đặc len lỏi trên những con đường khiến cho cảnh vật miền sơn cước trở nên huyền ảo. Để vào tới Trường THCS DTBT Mường Lống phải vượt qua con đường quanh co đầy dốc và vực thẳm, ngôi trường của bản người Mông nằm lọt thỏm quanh những dãy núi cao giữa heo hút đại ngàn.
Đón chúng tôi, thầy giáo Bùi Anh Bắc - Hiệu phó Trường THCSDTBT Mường Lống cười hiền: “Lâu lắm rồi trường mới có người tới thăm, cũng bởi xa quá mà”. Rồi những câu chuyện quanh ngôi trường này cũng được thầy cô nơi đây tâm sự bên bát nước chưa kịp uống đã lạnh ngắt giữa tiết trời mùa đông có lúc xuống 0 độ C.
Mường Lống là nơi có khí hậu khắc nghiệt, mùa hạ cái nắng dường như có đỡ hơn chút ít, song khi đông về cái lạnh ở đây như cứa vào da thịt. Cuộc sống nơi đây thiếu thốn đủ bề, đến cái ăn nhiều khi còn chẳng đủ nói gì đến cái mặc.
Nhìn những học sinh chân đi dép tổ ong, trên người chỉ độc nhất chiếc áo khoác mỏng ngồi co ro trong tiết trời lạnh buốt mới hiểu được khát khao học chữ của các em.
Trường có 31 giáo viên thì trong đó có tới 15 giáo viên miền xuôi lên đây công tác, số còn lại là người dân tộc bản địa. Bản Mông thưa thớt người nên cả trường cũng chỉ 362 học sinh, 12 lớp chia đều từ khối 6 tới khối 9. Cuộc sống khó khăn khiến cho những học trò lớp 9 chỉ bé như vừa lên lớp 6.
Hơn 15 năm xa mảnh đất Yên Thành (Nghệ An) về gắn bó với trường mỗi khi nhớ lại ngày đầu đặt chân lên mảnh đất này, thầy Bắc vẫn không khỏi bồi hồi: “Từ đồng bằng lên miền núi nhận công tác đã gặp phải bao nhiêu gian khó. Ngày ấy, đường đi còn đầy sỏi đá, dốc núi cheo leo. Muốn lên với trường phải đi bộ hàng chục cây số.
Khi về tới nhà khắp người chỉ một màu đỏ của đất. Có lên đây, ăn ở với dân, sống với các em học sinh mới thấu hết được những cảnh khốn khổ của đồng bào các dân tộc vùng cao. Với mảnh đất cần gì thiếu nấy này chẳng phải ai cũng chịu được, có người dạy được vài năm phải xin chuyển, một số khác còn bỏ luôn cả nghề”, thầy Bắc chia sẻ.
Trường THCSDTBT Mường Lống được xếp vào một trong những trường khang trang nhất ở đây, thế nhưng cơ sở vật chất còn rất nhiều thiếu thốn. Trước đây, bản chưa có điện, đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, hàng ngày cần mẫn đứng lớp, tối đến thầy cô giáo lại thắp nến, đèn dầu miệt mài bên tập giáo án chuẩn bị cho bài mới vào ngày mai. Mãi tới ngày 20/11/2015, khi điện về bản, trường quyết định bắt điện phục vụ cho giáo viên và học sinh.
Vừa rời ghế nhà trường tháng 6/2015, tháng 9/2015 cô giáo Nguyễn Thị Hà (SN1993, quê ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương nhà cách địa điểm dạy hơn 200km) được phân công về trường công tác. Mới đầu lên với vùng núi cô không khỏi bỡ ngỡ.
“Biết vùng núi khó khăn nhưng em không nghĩ khổ đến thế, lúc vừa lên nhìn cơ sở vật chất nghèo nàn, đường sá đi lại vất vả nhiều lúc chỉ muốn bỏ việc. Nhưng thương học trò nơi đây mến chữ, mến cô nên có muốn bỏ đi cũng không đành”, cô Hà tâm sự.
Nghĩa tình thầy trò
Ở nơi còn nhiều gian khó này tình thầy trò càng trở nên sâu đậm. Cuộc sống khốn khó ở những nơi điểm trường vùng cao heo hút càng đong đầy thêm nghĩa tình. Những nghĩa cử cao đẹp giữa giáo viên và học sinh được bồi đắp thêm theo năm tháng.
Gắn bó với các em vùng cao, trở ngại lớn nhất đối với giáo viên là sự bất đồng ngôn ngữ. Những câu nói tiếng Mông được cất lên khiến thầy cô chỉ biết lặng im, bởi trước nay chưa một lần được nghe thứ tiếng này bao giờ.
“Lên bản Mông, học sinh nói tiếng dân tộc, thầy giáo nói tiếng phổ thông. Lúc đó thì thầy giáo mù tiếng bản địa, học sinh mù chữ, chỉ biết học hỏi lẫn nhau để cùng hòa nhập thôi”, thầy Bùi Anh Bắc cho biết.
Do điều kiện khó khăn nên sách vở và đồ dùng học tập chưa bao giờ là đủ, các em phải học chung sách giáo khoa, có lúc còn ghi chung vào một vở.
Trường có 362 học sinh thì có hơn 100 em ở bán trú, số còn lại các em đi về mỗi ngày. Những dốc núi dựng đứng tưởng như làm khó các em, nhưng bằng sự đam mê con chữ của mình học trò nơi đây vẫn đi bộ qua mấy km mỗi ngày để tới trường.
Cái nắng, cái mưa của vùng cao không làm khó được các em. Chúng đi học từ tờ mờ sáng, khi sương mù còn vây kín lối đi, tan học lại vội vàng về nhà khi cái bụng trống rỗng.
“Ở đây không có xe, chỉ đi bộ. Đi mãi rồi quen không thấy mệt. Nhà em cách trường 6km, nhưng em chỉ đi trong 45 phút. Sáng em đi lúc 6h, học xong về tới nhà 12h rồi. Em cũng muốn ở lại trường nhưng phải về thôi, chiều còn lên rẫy phụ bố mẹ”, em Và Mai Phương (học sinh lớp 9C) chia sẻ.
Gắn bó với nhau lâu, thầy cô xem học sinh như con cái của mình. Thương học sinh, cứ mỗi lần về xuôi kiếm được gì ngon, lạ họ lại dành phần cho trò của mình, mỗi khi mùa đông chuẩn bị về họ lại quyên góp những quần áo cũ trong gia đình ít dùng đến của người thân để đem lên cho các em.
Với những em phải đi học xa nhà cả chục ki-lô-mét thì phải mang cơm nắm đi ăn trưa ngay tại lớp, nhìn những suất ăn đạm bạc chỉ có rau và muối, vài con cá kho mặn mà không cầm lòng được các thầy, cô giáo gọi các em vào ăn cùng dù rằng bữa cơm của các thầy, cô giáo cũng chẳng hơn là bao.
Cuộc sống ở vùng cao còn đó những khó khăn, gian khó. Đời sống giáo viên nơi đây thừa sự thiếu thốn, thiếu sự đủ đầy. Nhưng có lẽ tình yêu nghề, niềm yêu thương học sinh nơi cổng trời Mường Lống cùng niềm vui được truyền con chữ đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho họ.
Một số hình ảnh gieo chữ ở cổng trời Mường Lống do PV Dân trí ghi lại:
Cả trường có 362 em, thì chỉ có 100 em ở bán trú, còn lại sau buổi học các em cuốc bộ về nhà.
Bài: Hồng Thắm
Ảnh: Nguyễn Duy