Giáo viên Văn nói về chuyện dạy thêm

(Dân trí) - Thực ra, câu chuyện về dạy thêm - học thêm đã được xã hội mang ra bàn luận và mổ xẻ cách đây đã khá lâu lắm rồi, từ hồi tôi - một giáo viên dạy Văn - mới chập chững vào nghề.

Tôi nhớ hồi đó bản thân cũng bon chen và được bạn bè giới thiệu nên cũng có vài suất dạy kèm lai rai, tôi chỉ được dạy kèm tại nhà các em học sinh thôi, một tháng cũng thu nhập thêm vài trăm ngàn đến một triệu đồng để trang trải thêm cho cuộc sống. Đó cũng chính phao cứu cánh cho những sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường Sư phạm cũng như giáo viên mới ra trường công tác ở vùng nông thôn như chúng tôi.

Có thể nói rằng, thời buổi lúc đó, khi phong trào học thêm - dạy thêm chưa bị cấm, thi việc tìm một đến hai suất để dạy kèm tại nhà không khó (chúng tôi không thích tìm qua trung tâm gia sư vì tháng đầu tiên, họ trích tiền hoa hồng rất nhiều). Và đối với tôi, khi đã nhận dạy kèm tại nhà như thế, bản thân người dạy luôn chịu áp lực rất nhiều, chúng tôi dạy đúng thời gian thỏa thuận, từ 1,5 tiếng đến 2 tiếng trong một buổi dạy, tuần dạy từ 2 đến 3 buổi tùy lương thỏa thuận.

Điều mà chúng tôi quan tâm, lo lắng đó là về điểm số đối với học sinh. Với tôi, sau một đến hai tháng điểm số không tiến bộ, thì bản thân tự nghỉ, nên tự nhủ lòng cần cố gắng hết sức. Và tôi thấy rằng, việc này đáng chấp nhận như vậy, vì khi phụ huynh bỏ thời gian, tiền bạc và bản thân họ không cho con đi học thêm đại trà, chấp nhận bỏ một khoản tiền nhiều hơn so với học thêm thì họ có quyền đòi hỏi, Người dạy cần đáp ứng yêu cầu trên và mặc nhiên xem đó là quy tắc mặc cho dù chẳng có hợp đồng nào được kí kết trên giấy. Tôi có thể đếm trên đầu ngón tay những học sinh mà tôi kèm liên tục 4 năm cấp hai. Tôi thấy rằng, việc này hoàn toàn chân chính, vì “gia sư tại nhà” có thể đầu tư một lượng chất xám và thời gian đáng kể.

Nhưng, câu chuyện không êm xuôi ở đó, một thời gian dài, phong trào cấm dạy thêm - học thêm nổ ra, các giáo viên đứng lớp (đa phần các môn chính), họ kéo các em về học ở trung tâm để dễ quản lí và dễ nộp thuế thì “nạn nhân” đầu tiên là các em học sinh, có những em học sinh vừa học kèm Văn ở nhà, vừa phải đi học ở cô giáo đang dạy mỉnh trên lớp.

Tôi nghe phụ huynh tâm sự: “Em à, thời gian này, con bé phải học thêm các môn ở các trung tâm nữa, con học nhiều quá, học thêm mà như chạy xô không bằng”, những người dạy kèm tại gia chúng tôi lo lắng. Với những gia đình giàu có, ngoài cho con đi học vói cô đang dạy ở trên lớp nhằm để đối phó, họ có thể cho con học kèm để có chất lượng thực sự, nếu phụ huynh nào không đủ khả năng, buộc lòng họ phải cho con nghỉ học kèm tại nhà để con được yên thân.

Tôi từng nghe những câu chuyên nhỏ của các em học sinh mà lòng buồn rười rượi: Ở lớp học, những bạn nào không đi học thêm cô, buổi học nào cô cũng gọi lên kiểm tra bài cũ, có bạn một tuần cô gọi đến ba lần, dù thuộc bài hay không thuộc vẫn nhận ba “trứng ngỗng” như thường. Những bạn đi học thêm với cô, cô luôn cho biết đề kiểm tra mười lăm phút, hay một tiết trước nên các bạn ấy đa phần điểm rất cao…

Có câu chuyện khác mà tôi nghe một phụ huynh kể: Con chị này (đang học cấp 2) không có điều kiện đi học thêm tại nhà thầy, đến tiết dạy, thấy cứ cầm cây thước gõ nhẹ vào tay và bảo rằng trò này học môn thầy còn yếu lắm nhé, thế là cô học sinh đó ngày nào cũng bị nhắc nhở, về nhà than thở với mẹ, mẹ đành cho đi học thêm ở nhà thầy, giờ đến nhà thầy lúc nào cũng thấy nườm nượp học trò ra vào.

Thời gian gần đây khi ngành Giáo dục kiểm soát phong trào dạy thêm - học thêm thì những giáo viên vùng nông thôn như chúng tôi muốn kiếm cho mình một suất dạy kèm để trang trải cuộc sống xem ra “không có cửa” nữa. Vì tất cả các em học sinh đa phần đều được “địu” về trung tâm để giáo viên dạy dễ quản lí.

Công việc gì cũng cần người làm có cái tâm, cái tâm tốt ắt hẳn sẽ dẫn đến hành động tốt. Mong rằng giáo dục sẽ có những người thầy, người cô chân chính để giáo dục đúng nghĩa là nghề “trồng người”.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm