Giáo viên tại Mỹ nhận lương gần 1,64 tỷ đồng/năm
(Dân trí) - Giáo viên trung học tại Mỹ có mức lương trung bình xấp xỉ 66.000 USD (1,64 tỷ đồng/năm). Tại một số tiểu bang như New York, giáo viên nhận lương gần 89.000 USD (2,2 tỷ đồng/năm).
Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động của Mỹ, vào năm 2020, mức lương trung bình cho một giáo viên trung học là gần 66.000 USD (1,64 tỷ đồng/năm).
Các tiểu bang trả lương cao nhất cho giáo viên trung học là New York: 88.890 USD (tương đương 2,2 tỷ đồng/năm), California: 86.900 USD (tương đương 2,16 tỷ đồng/năm), Massachusetts: 84.130 USD (tương đương 2,09 tỷ đồng/năm), New Jersey: 78.900 USD (tương đương 1,96 tỷ đồng/năm) và Connecticut 78.510 USD (tương đương 1,95 tỷ đồng/năm).
Có khoảng 25% giáo viên trung học ở Mỹ nhận mức lương "khiêm tốn" là gần 50.000 USD (tương đương 1,25 tỷ đồng/năm). Cục Thống kê Lao động dự báo tăng trưởng việc làm 5% cho giáo viên trung học trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2031. Trong giai đoạn đó, ước tính có khoảng 48.700 cơ hội việc làm mới dành cho các giáo viên.
Ngoài giáo viên trung học thì giáo viên tiểu học ở Mỹ được trả lương khoảng 65.420 USD (tương đương 1,62 tỷ đồng/năm), giáo viên trung học cơ sở được trả lương 64.990 USD (tương đương 1,61 tỷ đồng/năm), cố vấn học đường nhận lương 62.320 USD (tương đương 1,54 tỷ đồng/năm) và huấn luyện viên thể thao có thu nhập 47.100 USD (tương đương 1,17 tỷ đồng/năm).
Gần đây, tại Mỹ đã có một số lượng lớn giáo viên bỏ nghề và chuyển sang làm các ngành nghề khác. Sự căng thẳng của giáo viên là một trong những yếu tố chính đẩy nhiều thầy cô giáo ra khỏi nghề.
Mặc dù việc giảng dạy luôn áp lực, nhưng nó càng trở nên trầm trọng hơn bởi những thách thức mà nhiều nhà giáo dục đã trải qua do dịch Covid-19. Một con số khổng lồ là 60% giáo viên bày tỏ rằng họ bị căng thẳng hơn khi trải qua dịch bệnh. Nhiều nhà giáo đang cân nhắc thôi việc hoặc đã rời bỏ công việc do căng thẳng.
Các giáo viên tại Mỹ làm việc nhiều giờ mỗi ngày, điều này dẫn đến việc họ bị kiệt sức và căng thẳng. Một số nguyên nhân khác là thiếu nguồn lực, thiếu sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và các vấn đề chính trị.
Khi các học sinh trở lại trường sau dịch bệnh, nhiều giáo viên không có đủ nguồn lực để hỗ trợ học sinh. Ngoài ra nhiều người còn gia tăng lo ngại về an toàn cá nhân do những vấn đề về hành vi bạo lực ở học đường. Cảm thấy sự an toàn cá nhân đang bị đe dọa là một yếu tố lớn góp phần khiến giáo viên cảm thấy căng thẳng hàng ngày.
Ở nhiều trường học, giáo viên phải đối mặt với các bài đánh giá ngẫu nhiên và bị kiểm tra một cách thường xuyên. Việc biết rằng có thể bị đánh giá bất cứ lúc nào cũng dẫn đến tình trạng căng thẳng.
Ngoài ra, còn có một áp lực để giữ tất cả các giáo viên theo cùng một chương trình giảng dạy hoặc cùng một nhịp độ.
Các giáo viên về cơ bản đều muốn giúp tất cả học sinh đạt được thành tích như nhau và cảm giác bỏ lại bất kỳ học sinh nào sẽ khiến họ buồn lòng. Áp lực mà giáo viên tự đặt lên mình để đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng tất cả học sinh cũng có thể góp phần gây ra căng thẳng.
Áp lực trong công việc đã đẩy nhiều nhà giáo ra khỏi nghề mà họ từng yêu thích. Vì thế, một số bang tại Mỹ đang tăng lương cho giáo viên để cố gắng thu hút các ứng viên mới.
Các giáo viên đang đòi hỏi quyền tự chủ, điều kiện làm việc tốt hơn và được hỗ trợ nhiều hơn bên cạnh việc trả lương cao hơn.
Khi một cựu giáo viên thành công trong việc tìm kiếm một nghề nghiệp mới, họ thường chia sẻ kinh nghiệm cân bằng giữa công việc và cuộc sống với đồng nghiệp cũ của họ.
Trong khi nhiều người còn do dự với việc chuyển nghề thì nhiều cựu giáo viên khẳng định rằng, sau khi chuyển sang ngành khác, họ đã nhận ra, giảng dạy đúng là công việc căng thẳng nhất mà họ từng làm.
Khi bắt tay vào công việc mới, các cựu giáo viên cho biết, họ không cảm thấy cần phải có kỳ nghỉ hè khi mà họ đang sống vui vẻ suốt cả năm.