Giáo viên quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại: Không dễ dàng!

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Kinh nghiệm nhiều năm tổ chức thực nghiệm sử dụng điện thoại thông minh trong học Toán ở trường THCS và THPT cho thấy, giáo viên quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học không dễ dàng.

Trên đây là chia sẻ của PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT về thông tin “nới” lỏng cho học sinh dùng điện thoại để học tập dưới sự giám sát của giáo viên.

Nội dung bài học cần phải dùng điện thoại

Theo PGS Chu Cẩm Thơ, sau nhiều năm tổ chức thực nghiệm việc sử dụng điện thoại thông minh trong học Toán ở trường THCS và THPT, việc giáo viên quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học không hề dễ dàng.

“Cụ thể, trong các giờ thực nghiệm, chúng tôi đã thiết kế hoạt động phải sử dụng điện thoại, điện thoại có cài app để hỗ trợ việc học, ... Giáo viên và học sinh đều phải tuân thủ nội quy chặt chẽ.

Quan trọng nhất, trong các giờ học đó học sinh có tâm thế tự học khá cao. Các em được hướng dẫn và làm quen với điện thoại, để nó trở thành phương tiện học tập. Còn giáo viên đã được huấn luyện rất kĩ càng”, PGS Chu Cẩm Thơ cho hay.

Giáo viên quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại: Không dễ dàng! - 1

Nếu bài học không cần điện thoại, giáo viên kiên quyết không cho dùng. 

Vì thế, để cho phép học sinh sử dụng điện thoại ở một số bài học trong lớp, theo chuyên gia này, trước hết cần có nhiều yêu cầu, điều kiện “tối quan trọng” được đặt ra.

Thứ nhất, có nội dung bài học cần phải dùng điện thoại. Nghĩa là nếu "không cần dùng điện thoại thì nhất quyết đừng cho dùng".

“Trong giờ học toán chúng tôi thiết kế nội dung dùng điện thoại khi học sinh tham gia trắc nghiệm (Kahoot, Quiz), sử dụng công cụ tính, hình vẽ, ... (Geogebra, Excel…)…

Đồng thời, các nội dung này có tính hệ thống. Khi viết chương trình cho nhà trường, tôi đã chỉ ra và điều chỉnh các bài dạy, để học sinh có điều kiện rèn luyện kĩ năng công nghệ, đồng thời thành thạo phần mềm”, PGS Chu Cẩm Thơ cho hay.

Có khả năng kiểm soát an toàn thông tin

Cũng theo PGS Chu Cẩm Thơ, khi học sinh được sử dụng điện thoại, yêu cầu thứ hai là việc kiểm soát an toàn thông tin.

Chuyên gia này chỉ ra, ở các lớp do mình thực nghiệm, trường học đã là trường công nghệ.

Nghĩa là các học sinh và giáo viên đều thành thạo an ninh mạng, tuân thủ, và được giám sát khi nhà trường đầu tư hạ tầng tốt.

Năng lực kiểm soát nằm ở người giáo viên, nhà quản lí và hệ thống quản lí của nhà trường - gia đình.

Việc này không hề đơn giản và dễ tiến hành bởi đó là quá trình lâu dài. Giáo viên không những tạo ra bài học "phải dùng công nghệ" mà còn đảm bảo được những tình huống phát sinh.

Giáo viên quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại: Không dễ dàng! - 2

Nếu chỉ tra cứu thông tin, không nhất thiết phải dùng điện thoại. 

Thứ 3, điện thoại phải an toàn, đồng bộ. Theo chuyên gia này, ở một lớp học nhưng em có điện thoại, em không có nhưng lại tổ chức bài học có dùng điện thoại thì không ổn.

Đồng thời, các app được cài đặt phải đồng bộ. Chỉ cần sự khác biệt giữa các nền tảng, cho ra những kết quả khác nhau, gây tranh cãi. Như vậy, giải quyết vấn đề còn vất vả hơn cả khi không được dùng.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu chỉ để tra cứu thông tin thì không nên dùng điện thoại.

Trong học tập, thử thách “nhớ”, “kết nối thông tin” đáng để trải nghiệm. Còn những thông tin phạm vi rộng có thể tự do đọc, tìm kiếm ngoài giờ học, không cần thiết phải làm trong giờ.

“Điều tôi muốn nhấn mạnh nhất là "sự đầu tư nội dung để điện thoại có thể khai thác".

Mặc dù công nghệ phát triển nhưng làm thế nào khi kho dữ liệu dùng cho giảng dạy không hề được đầu tư?

Từ nội dung bài học, hoạt động đến các sản phẩm để giáo viên, học sinh khai thác, có bao nhiêu thí nghiệm ảo đã được thiết kế, nghiệm thu?

Có bao trích đoạn tư liệu để có thể làm tình huống trong giờ học môn Văn Sử?

Có bao nhiêu tình huống toán học được minh họa, được thiết kế lại với sự hỗ trợ của công nghệ,..?

Điện thoại thông minh có thể có ích với mọi người, nhưng sẽ không có ích, thậm chí tác dụng ngược với những người không biết dùng hoặc không kết nối với những tiện ích thông minh”, PGS Chu Cẩm Thơ khẳng định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm