Hà Nội:

Giáo viên nêu sai phạm hiệu trưởng, lãnh đạo quận lên tiếng

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của <i>Dân trí</i> trước đơn thư phản ánh của một số giáo viên về cách điều hành bị cho là có sai phạm của hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho rằng: “Chỉ là sự không hiểu nhau”.

Theo đơn thư phản ánh về Dân trí, các giáo viên (GV) này cho biết: từ khi thầy Vũ Trọng Khang về làm hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi thì xuất hiện tình trạng nội bộ có hiện tượng mất đoàn kết khiến chất lượng giảng dạy bị giảm sút. Việc này thể hiện ở chỗ trường đang được xếp hạng thứ 73 (năm học 2009-2010) của khối THCS Hà Nội thì năm học 2010-2011 bị tụt hạng xuống thứ 100. Không những thế với việc thiếu minh bạch trong các khoản thu chi, các GV đã lên tiếng nhiều lần nhưng lại bị “trù dập” thể hiện ở việc cắt tiết, phân công chuyên môn sai với năng lực của GV... Theo đơn thư thì vì bức xúc, một số GV đã quyết định viết đơn xin về hưu sớm.

GV nêu nhiều sai phạm của hiệu trưởng

Tiếp xúc với Dân trí chiều ngày 7/11, thầy Trần Việt Thắng, người vừa nhận quyết định nghỉ hưu sớm vào 10/2011 và cũng là đại diện viết đơn phản ánh, cho biết: “Là hiệu trưởng nhưng thầy Vũ Trọng Khang không hiểu được năng lực chuyên môn của cán bộ GV trong trường. Chẳng hạn như một số thầy là GV Toán - Lý thì được phân công dạy công nghệ; giáo viên Văn - Sử thì phân công dạy Giáo dục công dân còn giáo viên thi công chức môn Công dân thì phân công dạy 2 lớp Văn…”.
 
Giáo viên nêu sai phạm hiệu trưởng, lãnh đạo quận lên tiếng - 1

Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Cũng theo thầy Thắng, hiệu trưởng luôn thành kiến, thiên vị. Những GV đứng về phía thầy hiệu trưởng thì được cho dạy nhiều lớp, lớp chọn, lớp đông HS và ngược lại.

Cũng trong buổi gặp này, những GV khác trong đó có cả những người đang còn giảng dạy, thậm chí ngay cả cô Loan - nguyên hiệu phó Trường THCS Nguyễn Trãi (vừa về nghỉ hưu năm 2011 - PV) cũng lên tiếng về việc thiếu minh bạch trong việc thu chi của thầy hiệu trưởng.

Theo lời cô Loan, từ năm học 2009 - 2010, khi mới về nhận nhiệm vụ tại trường, thầy Khang đã tổ chức họp bàn về việc tăng tỷ lệ % tiền quản lý của Giám hiệu. Lúc đầu thầy đòi tỷ lệ GV dạy thêm phải nộp là 15% (trước khi thầy Khang về trường, Giám hiệu đã thỏa thuận với GV dạy thêm là 5%).

Mặc dù đại đa số GV không đồng tình, thầy Khang nhất định đòi 8% vì theo theo giải thích của thầy thì 3% tăng thêm dùng để “bôi trơn” cấp trên. Nhưng sau khi bị phản ánh trên dư luận, thầy đã hứa trả lại 3% cho GV.

Đến tháng 10/2010, thầy lại tổ chức họp bàn về vấn đề tăng lên 10 % tiền quản lý cho Giám hiệu. Việc làm này vẫn không được GV đồng tình.  “Những khoản thu trên sẽ không có vấn đề gì nếu thầy hiệu trưởng minh bạch được các khoản chi”- các GV này cho hay.

Liên quan đến vấn đề thu chi, thầy Thắng còn cho biết thêm, mặc dù từ tháng 7/2011, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quy định không thu 4 khoản tiền của HS (vệ sinh, an ninh, giữ xe, bảo vệ) nhưng đến tháng 9, khi bước vào năm học mới, hiệu trưởng vẫn chỉ đạo thu của mỗi HS 160 nghìn đồng, bất chấp ý kiến phản đối của phụ huynhh. Chỉ sau khi Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân có kế hoạch thanh tra tài chính các trường trong quận vào giữa tháng 10, thì ngày 8/10, thầy Khang mới họp các chủ nhiệm lớp để trả lại số tiền thu trái phép của HS nói trên.

Nhà trường nói gì?

Để tìm hiểu sâu về những thông tin phản ánh, Dân trí đã có buổi làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Trãi. Với lý do đơn thư phản ánh trực tiếp đến bản thân nên thầy hiệu trưởng đã mời Hội đồng liên tịch nhà trường bao gồm cô phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tổ trưởng hai bộ môn chính Văn - Toán, Chủ tịch công đoàn, thanh tra nhân dân nhà trường… cùng tham gia làm việc để đảm bảo tính khách quan.

Giải thích về việc phân công chuyên môn, cô Hiền - tổ trưởng tổ tự nhiên cho hay: “Đối với môn công nghệ thì trường từ trước đến nay không có một GV nào chuyên trách chính cả mà đều là do các GV có chuyên môn về Vật lý đảm nhận. Bởi ở Vật lý 9 có mảng về công nghệ Điện. Việc này đã thực hiện từ nhiều năm nay chứ không phải năm nay mới có”.

Góp thêm ý kiến về vấn đề này, cô Thúy - tổ trưởng tổ xã hội I cho biết thêm: “Đối với ngạch THCS thì có đào tạo các ngành Văn - Sử; Văn-GDCD... Điều này có nghĩa là GV được trang bi đủ kiến thức đối với cả hai lĩnh vực được đào tạo . Chính vì thế khi phân công giảng dạy, chúng tôi dựa vào đúng chuyên môn. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu GV dạy GDCD nên những GV dù được đào tạo chỉ về Văn, hoặc Văn-Sử vẫn phải đảm nhận việc dạy GDCD”.

Trả lời thêm về việc phân công GV, thầy Khang giải thích: “Thực sự lúc nào nhà trường cũng mong muốn có sự ổn định tuy nhiên có những yếu tố khách quan nên nhà trường cũng cần phải điều chỉnh. Chẳng hạn có năm GV đến độ tuổi về hưu nhiều nhưng chưa bố trí bù đắp được nên nhà trường cũng phải điều chỉnh cho hợp lý”.

Trước câu hỏi của PV về việc phần lớn những người tham gia vào công tác chủ chốt của nhà trường đều ở độ tuổi rất trẻ, không thấy sự có mặt của những GV có thâm niên và kinh nghiệm lâu năm, thầy hiệu trưởng lý giải: “Nhìn các GV ở đây thấy là trẻ nhưng các cô đều ở độ tuổi 35 trở lên, có cô sắp đến độ tuổi nghỉ hưu. Còn về chuyên môn thì đây là những GV có thành tích cao nhất”.
 
Giáo viên nêu sai phạm hiệu trưởng, lãnh đạo quận lên tiếng - 2

Thầy hiệu trưởng Vũ Trọng Khang và Hội đồng liên tịch nhà trường làm việc với PV chiều ngày 7/11/2011.

Liên quan đến việc phản ánh từ khi về đảm nhận chức vụ hiệu trưởng chất lượng nhà trường giảm sút thông qua việc số HS theo học giảm, kết quả xếp hạng tụt, thầy Khang đánh giá: “Thú thật khi tôi về trường thì cũng là thời điểm trường đang phá để xây dựng lại. Vào thời điểm đó trường bừa bộn nên đôi khi phụ huynh cũng “ngại” cho con theo học. Tuy nhiên yếu tố chính dẫn đến việc số HS theo học giảm và vài năm trở lại với sự quan tâm của UBND quận Thanh Xuân nên ở mỗi phường đều có một trường THCS công lập. Trước đây, Trường THCS Nguyễn Trãi được phép nhận HS của 4 phường thì hiện nay theo quy định chỉ được nhận ở địa bàn phường Khương Trung. Chính vì nguồn tuyển bị thu hẹp nên trong năm học 2011-2012 chỉ tiêu được giao là 400 (nhằm đáp ứng với cơ sở vật chất được trang bị vừa mới bàn giao đầu năm học này) nhà trường cũng chỉ tuyển được 200 mà thôi”.

Còn về việc mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản không thu 4 khoản nhưng trường vẫn tiến hành thu, hiệu trưởng Khang giải thích: “Kế hoạch thu chi được duyệt từ cuối năm học trước. Chính vì vậy mới có chuyện này nên khi biết sai, trường đã kịp thời sửa và rút kinh nghiệm. Năm nay, trường cũng tuyệt đối không thu tiền xã hội hóa”.

Trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân: Chỉ là sự không hiểu nhau

Trao đổi với Dân trí  chiều ngày 9/11, bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho biết: Bản thân thầy Thắng cũng đã mang đơn phản ánh nộp trực tiếp cho Phòng, nói là tập thể GV nhưng trong đơn này không có chứ ký xác nhận mà ngay bản thân thầy Thắng cũng không ký vào đơn. Nói về mặt hành chính thì đơn thư này không hợp lệ. Tuy nhiên do thầy nộp trực tiếp nên chúng tôi cũng đã chấp nhận và có xuống làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Trãi, tất nhiên là không có mặt thầy Khang để xác minh trong nội dung đơn cái gì là đúng, cái gì không đúng và cái gì đúng một nửa sai một nửa; Ở đây có đúng là một nhóm GV đứng ra phản ánh hay chỉ do cá nhân thầy Thắng…

“Trước hết tôi phải khẳng định có những nội dung phản ánh không đúng sự thật. Nhưng có nội dung theo tôi hiểu đó là sự hiểu nhau chưa rõ hết trong nội bộ, chưa thực sự thông cảm chia sẻ cho nhau nên dẫn đến có đơn thư phản ánh. Tôi cũng phải khẳng định đây không phải là đơn của tập thể GV mà là do cá nhân đứng đơn” - bà Thủy nhấn mạnh.

Theo bà Thủy, việc phân công GV thì theo yêu cầu của ngành đảm bảo rất là công khai, khách quan. Còn việc phân 1 hay 2 lớp là quyền quản lý của nhà trường. Còn căn cứ vào đâu để phân công, phân nhiệm thì tất nhiên sẽ căn cứ vào năng lực, tinh thần trách nhiệm, điều kiện sức khỏe… của từng người.

Về vấn đề chiết khấu tiền phần trăm dạy thêm, học thêm, bà Thủy đánh giá: “Tất cả các văn bản về dạy thêm học thêm chưa bao giờ có nêu là dành bao nhiêu tỷ lệ phần trăm cho chi quản lý hay dạy học mà mà hoàn toàn trên cơ sở thỏa thuận giữa người dạy và người học, giữa hiệu trưởng với những người làm nhiệm vụ này. Đối với Trường THCS Nguyễn Trãi thì trước kia hiệu trưởng cũ thỏa thuận một mức, còn khi thầy Khang về thì thỏa thuận mức khác chính vì thế dẫn đó có một số GV chưa thông nên thắc mắc”.

Liên quan đến 4 khoản miễn thu nhưng Trường THCS Nguyễn Trãi vẫn thu cho đến khi đoàn thanh tra phát hiện thì mới trả lại, bà Thủy phân tích: Trước kia các khoản này thì các trường vẫn được thu. Tuy nhiên năm nay thì lại ra văn bản không được phép thu, nhưng văn bản này lại đến với các đơn vị chậm nên xảy ra tình trạng ở quận Thanh Xuân có trường vẫn thu, trong đó có Trường THCS Nguyễn Trãi.

Nhằm giải quyết dứt điểm việc đơn thư kéo dài, Trưởng phòng GD-ĐT Quận Thanh Xuân cho biết: Tôi đã làm việc với Ban giám hiệu, thanh tra nhân dân… và yêu cầu nhà trường cần phải rà soát lại hết sức khách quan đối với những nội dung trong đơn thư mà GV phản ánh, dù kể cả những người chưa về hưu hoặc đã về hưu thì cũng cần phải xem xét lại. Những cái gì sai thì cần phải điều chỉnh rút kinh nghiệm, còn cái gì làm đúng mà GV chưa hiểu rõ thì cần phải giải thích rất rõ ràng minh bạch để tránh sự hiểu lầm nhau”.

“Tôi cũng đã yêu cầu sau sự việc này cần mời thầy Thắng (người đứng đơn) đến để trao đổi trực tiếp với thầy Khang cùng với sự chứng kiến của người khác. Nếu cần Phòng GD-ĐT có mặt để tham gia chúng tôi cũng luôn sẵn sàng. Còn nếu người phản ánh cố tình không đến thì chúng tôi sẽ tiến hành lập đoàn thanh tra để trả lời theo đơn thư” - bà Thủy kết luận.

 

 
Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm