Giáo viên Mỹ dạy tiếng Anh tại VN chia sẻ về Tết Việt

“Tôi đến Việt Nam tháng 9-2010, và ngay lập tức được nghe nhiều người nói về Tết âm lịch dù còn đến năm tháng nữa mới đến dịp lễ quan trọng này. Nước Mỹ của tôi cũng có nhiều ngày lễ nhưng không có dịp lễ nào tương tự Tết âm lịch của Việt Nam cả”.

Đó là chia sẻ của anh Michael Tatarski, người Mỹ, là giáo viên dạy tiếng Anh, hiện sinh sống tại TPHCM, về Tết Việt Nam.

“Ở Mỹ, quán xá và doanh nghiệp thường đóng cửa một hoặc hai ngày vào dịp Giáng sinh hay lễ Tạ ơn. Ngoài ra, vào một số ngày lễ lớn khác như dịp kỷ niệm ngày sinh của mục sư Martin Luther King (con), trường học và các văn phòng làm việc thuộc chính phủ sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, không có dịp lễ nào mà cả nước phải ngừng mọi hoạt động để ăn mừng dài hơi như Tết âm lịch ở đây cả. Tôi nhớ gần đây một tạp chí tiếng Anh có đăng một bài viết so sánh Tết âm lịch giống như sự tổng hợp của Giáng sinh, Tết dương lịch và ngày sinh nhật vậy.

Mặc dù hơi khó để giải thích cho bạn bè và gia đình tôi hiểu Tết âm lịch của Việt Nam là như thế nào vì quá khác biệt so với các ngày lễ của chúng tôi, nhưng ở Mỹ có rất nhiều người biết đến từ “tết” vì một trong những thời khắc quyết định nhất của chiến tranh Việt Nam từng xảy ra vào dịp tết 1968. Mọi người bên Mỹ chắc chắn rất thích ngày tết Việt và hầu như những người được nghe tôi kể đều cảm thấy “ganh tị” vì ở đây được nghỉ rất nhiều ngày để ăn tết.

Không khí lễ hội đã được cảm nhận rõ ràng ngay từ tháng 12 dương lịch khi đèn đuốc thắp sáng khắp đường Đồng Khởi và vài con đường khác ở trung tâm TP.HCM. Các cửa hàng hoa đều ngập tràn hoa mai, loại hoa dành cho Tết âm lịch ở miền Nam. Hàng quán đều được tân trang và mang một diện mạo mới để đón chào năm mới. Hàng xóm trong con hẻm tôi sinh sống đang sơn phết lại nhà cửa và chỉnh trang đồ đạc trong nhà. Có gia đình đang ráo riết xây cho xong ngôi nhà mới trước tết âm lịch nên gần như ngày nào cũng nghe tiếng cưa và khoan điện của họ từ 7g-22g.
 
Giáo viên Mỹ dạy tiếng Anh tại VN chia sẻ về Tết Việt - 1
Michael Tatarski (người Mỹ - giáo viên dạy tiếng Anh, hiện sinh sống tại TPHCM).

Thật thú vị khi nhìn thấy mọi mặt của đời sống đều đang chịu ảnh hưởng lớn của Tết âm lịch. Học sinh của tôi mất tập trung hơn so với ngày thường vì chúng biết sắp được nghỉ. Trẻ con được mua đồ mới, và đặc biệt là bánh chưng được bày bán khắp nơi. Thậm chí chuyện sinh con đẻ cái cũng gắn liền với Tết âm lịch: năm nay là năm rồng nên trẻ con (đặc biệt là con trai) sinh vào năm này được cho là sẽ thành công và giàu có, chính vì thế nên các cặp vợ chồng tìm đủ mọi cách để sinh con sau ngày 23-1 (mồng 1 tết âm lịch).

Tôi mường tượng rằng sau Tết âm lịch, khi nhịp sống đã trở lại bình thường thì TP sẽ rất khác. Mọi thứ sẽ tươi mới và mọi người cũng háo hức để bắt đầu một năm mới. Nhịp sống hối hả của thành phố càng hiện rõ hơn vì họ sẽ lại hăng say làm việc để tìm kiếm thành công mới. Khi ấy, mọi người cũng sẽ thấy trẻ con chơi đùa với đồ chơi mới mà chúng được tặng vào dịp tết âm lịch.

Tết âm lịch và mọi thứ liên quan đến tết đều mang đến cho tôi một cảm giác thật sự đặc biệt mà tôi không thể tìm thấy tại quê nhà. Vốn thích trải nghiệm những phong tục tập quán xa lạ nên tôi rất háo hức khi nhìn thấy mọi người chuẩn bị cho Tết âm lịch tại Việt Nam. Năm nay tôi sẽ ăn tết ở đây và sẽ có cơ hội cảm nhận rõ hơn người Việt ăn tết như thế nào.

Tôi sẽ đi Phú Quốc bốn ngày rồi quay lại TP.HCM để tận hưởng không khí Tết âm lịch trong những ngày còn lại. Tôi rất tò mò muốn biết xem thành phố này có tĩnh lặng đến mức như mọi người nói hay không, hay chẳng qua là do họ nói quá lên mà thôi.

Chúc mọi người ăn Tết âm lịch vui vẻ. Nếu như có đi đâu đó và bắt gặp tôi nằm lim dim trên bãi biển Phú Quốc, hãy cứ để yên cho tôi tận hưởng thứ cảm giác đặc biệt mà tôi đã nói nhé!”.

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm