Giáo viên hướng nghiệp, hướng những gì mình biết!

Công tác hướng nghiệp ở bậc THPT hiện nay chưa hiệu quả, học sinh chọn nghề sai, không phù hợp với năng lực, sở thích và khả năng tài chính của gia đình, gây lãng phí xã hội. Nguyên nhân, là do thiếu đội ngũ giáo viên hướng nghiệp có trình độ chuyên môn cao.

Hầu hết giáo viên làm công tác này trong các trường THPT đều hoạt động kiêm nhiệm, yếu nghề do thiếu thời gian nghiên cứu chuyên sâu.  
 
Yếu vì kiêm nhiệm

 

Yếu vì kiêm nhiệm

 

Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập báo Giáo dục TP.HCM, hiện nay hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THPT vào học nghề chỉ đạt hơn 10%. Trong khi đó, ở góc độ chọn nghề thì có đến 70% số sinh viên được phỏng vấn là chọn nghề chưa phù hợp với năng lực và sở thích của mình.

 

Hàng năm có gần 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT làm hồ sơ thi ĐH, CĐ dù biết chỉ tiêu vào top trường này ít, gây lãng phí cho gia đình và xã hội. Đây chính là cái yếu trong công tác hướng nghiệp của ngành giáo dục. 

 

Không định hướng nghề nghiệp tốt, mỗi năm xã hội lại gánh chịu sự lãng phí lớn.
Không định hướng nghề nghiệp tốt, mỗi năm xã hội lại gánh chịu sự lãng phí lớn.

 

Ngoài ra, phân tích về  vấn đề này, hơn 120 giáo viên của 120 trường THPT trên địa bàn TP.HCM, chỉ rõ, sở dĩ công tác hướng nghiệp ở bậc THPT chưa cho “trái ngọt” vì áp lực giảng dạy quá nặng.

 

Đa phần giáo viên hướng nghiệp chỉ tranh thủ nghiên cứu trước mùa tuyển sinh, thường ngày không có thời gian để nghiên cứu nhu cầu xã hội, tìm hiểu về bản thân, khả năng tài chính của học sinh và gia đình.

 

“Không thể nào ôm đồm hết được. Không phải giáo viên lười, không chịu nghiên cứu nâng cao khả năng của mình mà vấn đề là lịch đứng lớp đã quá nhiều, thời gian ngoài đứng lớp ít thì nghiên cứu thế nào để hướng nghiệp đạt được hiệu quả cao”, thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên Trường THPT Diên Hồng giãi bày.

 

Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho rằng công tác hướng nghiệp cần được xem là chuyên nghiệp chứ không thể để tình trạng kiêm nhiệm, làm thêm, làm cho có. Người giáo viên hướng nghiệp phải được đào tạo bài bản, có thời gian nghiên cứu sâu nhu cầu xã hội để tư vấn đúng cho học sinh đúng.

 

Phải tăng cả chất lẫn lượng

 

Còn theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm 2008 Bộ GD-ĐT rút chương trình dạy hướng nghiệp cho học sinh từ 27 tiết/năm/lớp xuống còn 9 tiết/năm/lớp. Số tiết giảm đồng nghĩa với chất lượng tiết dạy phải được “khung” lại hẹp, bớt thầy cô.
 

Tuy nhiên thực tế đòi hỏi khác, để nâng cao chất lượng hướng nghiệp buộc phải có thêm đội ngũ chuyên môn, có thêm giáo viên chuyên sâu của lĩnh vực này đi vào tìm hiểu mọi vấn đề xoay quanh cuộc sống của học sinh từ đó mới định hướng tốt được.

 

“Chưa có thống kê cụ thể nhưng nhìn vào nhu cầu của xã hội hiện nay, chúng ta thấy được phải có thêm nhiều giáo viên hướng nghiệp được đào tạo bài bản. Chúng ta phải thay đổi, tăng cả chất lẫn lượng đội ngũ giáo viên này thì mới hi vọng chất lượng hướng nghiệp đi lên. Thấy được điều này, hàng năm Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức nhiều chương trình tập huấn nghiệp vụ. Song sự thật là hiệu quả chưa thật như ý muốn. Thời gian tới sẽ phải nghiên cứu tìm ra giải pháp thích hợp hơn”, ông Thanh nhận định.

 

Ba điểm yếu của công tác hướng nghiệp

 
Ba điểm yếu của công tác hướng nghiệp trong các trường THPT Việt Nam là đánh giá vai trò hướng nghiệp chưa đúng nên chưa đầu tư nhiều cho công tác này, đội nghũ giáo viên hướng nghiệp chuyên môn cao thiếu và giáo viên làm nhiệm vụ này bị chi phối nhiều bởi áp lực giảng dạy.
 
Ở các nước Châu Âu có nên giáo dục phát triển như Bỉ, Anh, Pháp… các trường hình thành đội ngũ giáo viên chuyên chỉ dành nghiên cứu tư vấn hướng nghiệp, họ đi sâu tìm hiểu thông tin mọi mặt đời sống học sinh rồi cho ra những định hướng tư vấn rất hiệu quả. Giáo dục nước ta cũng nên tham khảo thêm mô hình này.
 

ThS Hồ Phụng Hoàng Phoenix, Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ĐH RMIT Việt Nam

 

 

Theo Lâm Minh

Một Thế Giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm