Giáo viên giãi bày vì sao học sinh chán học môn Lịch sử
(Dân trí) - Dư luận đang tranh cãi về việc tích hợp môn Lịch sử nhưng có điều quan trọng nhất cần phải bàn là vì sao học sinh lại chán học môn Lịch sử, làm thế nào để học sinh thích học môn Lịch sử, đó mới là một vấn đề cần bàn nhất hiện nay.
Dưới đây là những bộc bạch của giáo viên dạy môn lịch sử chia sẻ về vấn đề vì sao học sinh chưa yêu thích môn lịch sử.
Đừng để giờ học sử như một môn “tra tấn”
Cô Đỗ Thị Kim Xinh – Giáo viên Lịch Sử, trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội cho biết, có rất nhiều yếu tố khiến học sinh không thích môn Sử.
Thứ nhất: bởi vì xã hội hiện tại đang theo xu hướng làm ăn kinh tế, con người thực dụng hơn.
Thứ hai, bản thân hầu hết học sinh đều thi khối tự nhiên, hoặc lựa chọn khối thi không có môn Lịch sử.
Thứ ba, do lượng kiến thức trong sách, cá nhân tôi thấy nếu tự mình không chịu tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy thì quả thật giờ học Sử thành một môn “tra tấn”.
Trong giờ dạy nếu tôi chỉ viết sự kiện và thông tin ngày tháng năm lên bảng thôi thì không thể tạo nên hứng thú cho học sinh, cho nên giáo viên phải tự tìm tòi. Tuy nhiên có giáo viên không có điều kiện tìm hiểu nhiều tài liệu khác, nhất là giáo viên ở vùng nông thôn, việc cập nhật không thường xuyên được. Đất nước vốn từ nên kinh tế nông nghiệp đi lên, cho nên người dân không quan tâm nhiều đến chính trị, khi mà giảng cho học sinh những kiến thức về tình hình thời sự, tin tức quốc tế thì đều thấy ngạc nhiên và đó phản ánh một điều rằng kiến thức về lịch sử của ta còn thiếu.
Thực sự khi Bộ giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong đó tích hợp môn lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc phải nói rằng, tôi cũng đã làm tích hợp từ trước đó rồi. Tức là đưa Văn vào Lịch sử, đưa Địa vào và giáo dục công dân tôi đã dạy từ trước đó lâu rồi. Tôi đã đưa ra những tư liệu trực quan, tư liệu văn học nhằm tạo cảm hứng cho các em trong giờ học, thứ hai bản thân tôi cũng tự giảm tải chương trình đi. Đối với học sinh ban A, các em ấn tượng những gì làm nên lịch sử tuy nhiên phải có cách tiếp cận khác hơn so với bình thường.
Vấn đề bây giờ ở chỗ làm thế nào để môn Lịch sử học được hay lên, tạo cảm hứng cho học sinh. Và một dân tộc nếu không có cội nguồn không nhận định được Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay tôi thấy điều đó rất đáng lo. Cá nhân tôi thấy tất cả các môn học ở trường phổ thông không có môn nào có tác dụng giáo dục mạnh như Lịch sử, nó tự đi sâu vào, và tự điều chỉnh hành vi.
Mong muốn của tôi làm thế nào để đổi mới phương pháp và nội dung để cho việc giáo dục lịch sử có ý nghĩa thiết thực. Bây giờ xã hội toàn cầu hóa, việc giao thoa văn hóa trở nên dễ dàng hơn nếu học sinh không có tính lịch sử, tính dân tộc thì đó cũng là một điều nguy hiểm.
Xóa bỏ cách học thuộc lòng môn sử
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ Linh- giáo viên dạy Lịch sử, trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ, thực ra không chỉ môn lịch sử mà tất cả các môn, môn nào các em thi đại học nhiều thì thường các em đầu tư nhiều thời gian, môn nào không có trong khối thi thì các em đầu tư ít.
Thái độ của các em với môn Lịch sử thực tế khi dạy ở trường, các em không hề chán học sử. Điều đó cũng phụ thuộc vào khả năng, truyền đạt của giáo viên trên lớp, cách thức tổ chức dạy và kiểm tra của từng giáo viên. Vài năm gần đây tôi đã có đổi mới trong việc dạy học và kiểm tra đối với môn Lịch sử.
Trước hết tôi xóa bỏ cách dạy đọc chép, bắt học sinh học thuộc lòng các sự kiện, mốc thời gian, lịch sử nhân vật một cách máy móc. Tuy nhiên trong giờ học thì học sinh phải tập trung lắng nghe để trả lời được các câu hỏi của tôi đặt ra. Từ đó học sinh sẽ cảm thấy thoải mái, không bị gò bó, áp lực với việc phải nhớ lượng kiến thức nhiều như vậy, nên các em cảm thấy không hề chán ghét môn Lịch sử.
Thực tế lớp học sinh lớp 10, lớp 11 không phải không thích học lịch sử, tôi thấy trong giờ học các em đón nhận một cách vui vẻ, nhiệt tình, hào hứng. Chỉ khi đến cuối cấp do yếu tố thi cử chi phối. Cho nên việc các em thường học lệch, tập trung vào những môn mình thi, nên dần bị chểnh mảng hơn với những môn mình không thi, ví dụ như Sử.
So với các môn xã hội thì môn Sử khó học hơn vì có quá nhiều mốc thời gian. Bây giờ chúng tôi đổi mới thi đề kiểm tra hướng mở, tổng hợp, khái quát, phân tích. Nên học trò không có cảm giác chán, thờ ơ nữa.
Đặc trưng của môn lịch sử là hệ thống về hiểu biết của loài người từ xưa đến nay. Điều quan trọng là các môn khoa học xã hội luôn đòi hỏi truyền tải của giáo viên, làm sao để thực sự truyền cảm, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị hấp dẫn về con người và nhân vật, sự kiện lịch sử.
Để làm được điều đó tôi đọc tài liệu, luôn trau dồi thêm kiến thức về lịch sử làm sao có thể truyền tải được những sự kiện, nhân vật lịch sử một cách hấp dẫn giúp cho học sinh cảm thấy môn học cuốn hút không bị khô khan, khó nhớ… Tôi muốn học sinh ngoài việc học Lịch sử để ghi nhớ truyền thống của cha ông, thì còn có thể liên hệ những kiến thức đã học từ Lịch sử vào các môn học khác nhất là những môn khoa học xã hội.
Kim Khang ghi