Giáo viên bỏ việc vì áp lực phải thu tiền "tự nguyện" của phụ huynh
(Dân trí) - Áp lực phải thu nhiều khoản tiền, trong đó có các khoản mang tên tự nguyện là một trong những lý do khiến chị Bích N. phải bỏ nghề giáo.
Giáo viên không thu đủ tiền bị dọa trừ thu nhập tăng thêm
Chị Bích N. từng là giáo viên dạy toán tại một trường THCS ở quận 8, TPHCM trong 5 năm liền. Năm ngoái, chị N. quyết định nghỉ việc, bỏ nghề giáo vì không chịu được áp lực. Một trong số các áp lực mà chị N. phải gánh vác là thu tiền của học sinh và nộp về nhà trường, trong đó có các khoản tiền mang tên tự nguyện.
Khi chị N. còn làm giáo viên chủ nhiệm, hằng năm, chị phải đứng ra thu đủ mọi loại tiền như: khoản thu đầu năm, quỹ phụ huynh, quỹ lợn đất, quỹ hội chữ thập đỏ, sổ liên lạc điện tử, bảo hiểm y tế, cơ sở vật chất,…
Đáng nói, tại trường cũ nơi chị N. từng công tác, giáo viên chủ nhiệm phải nộp đầy đủ các khoản thu trên về nhà trường trong một thời gian ngắn, thầy cô nào thu chậm sẽ bị dọa trừ thu nhập tăng thêm.
Trước kia, lương của chị N. là 4,2 triệu đồng/tháng, nếu có thu nhập tăng thêm thì chị được nhận thêm 10 triệu đồng/quý.
Đó là số tiền không nhỏ, vì vậy, chị luôn phải "cắn răng" bỏ tiền túi ra nộp trước các khoản thu từ học sinh sao cho kịp thời hạn, để không bị cắt giảm thu nhập.
"Học sinh của tôi đa số có hoàn cảnh khó khăn, không bao giờ nộp đủ tiền đúng hạn. Đơn cử như chỉ 100 nghìn đồng tiền thu đầu năm, 80 nghìn đồng tiền làm mái che cho nhà trường tuy không nhiều nhưng bố mẹ các em nghèo, không có tiền nộp.
Để không bị đe dọa đến thu nhập, đa số giáo viên chủ nhiệm sẽ ứng trước cho học sinh rồi chờ bố mẹ các em nộp sau. Có những khoản tiền tôi ứng ra từ đầu năm nhưng tới giữa năm hoặc cuối năm mới thu về được, nhiều phụ huynh còn không trả tiền cho tôi.
Có năm, hiệu trưởng nhà trường còn tuyên bố thẳng là một số giáo viên ứng tiền bảo hiểm y tế cho các em. Năm đó, tôi ứng cho 6 học sinh với số tiền khoảng 2 triệu đồng", chị N. cho biết.
Theo chị N., trong 5 năm dạy học, năm nào chị cũng phải tự thu quỹ phụ huynh, mặc dù đây là việc của ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS). Lý do là khoản tiền này phải nộp lại hết cho nhà trường, phụ huynh không được chi tiêu. Vì vậy, lớp chị N. không có quỹ riêng.
Mỗi khi lớp cần mua chổi, giẻ lau, đồ trang trí lớp hay in đề cương thì cô giáo phải tự bỏ tiền túi ra mua.
"Giáo viên mất tiền cũng không ngại bằng việc đối mặt với câu hỏi của học sinh rằng "tiền gì mà thu nhiều vậy cô, tiền đó thu để làm gì?", tôi cảm thấy rất bối rối, không biết giải thích làm sao. Phụ huynh thì nghĩ giáo viên rất ác, tối ngày chỉ lo thu tiền.
Trong các cuộc họp phụ huynh, khi nghe tôi thông báo đóng tiền, phụ huynh không thắc mắc nhiều mà thường bỏ về luôn, không đóng tiền. Mình cũng không trách người ta được, ngẫm lại thì cuộc họp phụ huynh của chúng tôi dường như chỉ để thu tiền", chị N. nói.
Thầy giáo xúi phụ huynh không đóng tiền "tự nguyện"
Thầy Nguyễn Minh Đ. - Giáo viên tại một trường THPT ở Hà Nội cho biết, quan điểm của thầy là không bao giờ can thiệp vào quỹ phụ huynh, không gợi ý phụ huynh thu - chi cho bất kỳ khoản nào.
Thầy Đ. chỉ đạo ban đại diện CMHS kê khai tất cả các khoản thu và công khai với cả lớp trong buổi họp cuối học kỳ.
Theo thầy Đ., ở trường nơi thầy công tác cũng đặt ra những khoản thu trên danh nghĩa tự nguyện, kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh. Ví dụ như chi phí tổ chức các cuộc thi văn nghệ, hội chợ, sửa chữa hành lang lớp học, cải tạo cảnh quan nhà trường,…
"Tôi là giáo viên, cũng là một phụ huynh nên tôi hiểu không ai muốn tự nguyện đóng góp những khoản thu vô lý, lại không được nhà trường công khai kết quả chi tiêu. Mang tiếng là trường ở Hà Nội nhưng là ngoại thành, không khác gì nông thôn ở các tỉnh lẻ, phụ huynh đa số làm nông dân, công nhân.
Vì vậy, tôi "nói nhỏ" với ban đại diện CMHS rằng nên "lờ đi" những khoản đó, báo cáo lý do với nhà trường là quá nửa phụ huynh trong lớp không đồng ý đóng góp", thầy Đ nói.
Nhờ vậy, làm giáo viên chủ nhiệm hơn 10 năm, chưa bao giờ thầy Đ. để xảy ra tình trạng lạm thu quỹ lớp. Năm học này, ban đại diện CMHS lớp chỉ thu khoảng 200 nghìn đồng/phụ huynh/học kỳ, mức thu này do ban đại diện CMHS tự thống nhất với phụ huynh cả lớp để đưa ra, thầy Đ. không gợi ý.
Phần lớn tiền quỹ dành để chi cho những hoạt động phục vụ trực tiếp học sinh. Chỉ dùng quỹ để tặng quà giáo viên vào Ngày Nhà giáo Việt Nam và Tết Nguyên đán.
Thầy Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thượng Tiến (Hòa Bình) cho biết, thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình, nhà trường thu một số khoản phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của mình.
Các khoản thu tự nguyện đều được nhà trường thống nhất với ban đại diện CMHS, được sự đồng ý của phụ huynh thì mới thu. Dựa trên điều kiện thực tế của đa số gia đình học sinh còn khó khăn, nhà trường chỉ thu trung bình vài chục nghìn đồng/khoản.
"Những khoản đóng góp của cha mẹ học sinh giúp chúng tôi rất nhiều trong việc nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy và học.
Khi tôi nhận quyết định về làm hiệu trưởng, nhà trường chưa có gì ngoài những dãy lớp học cũ và nhà hiệu bộ mới xây dựng. Nhờ những khoản đóng góp, tôi bắt đầu thay đổi bộ mặt nhà trường bằng việc sơn, vẽ trang trí lại lớp học, mua quạt treo tường phục vụ giáo viên, trang bị tivi thông minh cho các lớp, làm mới những tấm khẩu hiệu trong nhà trường.
Trên tinh thần tiết kiệm, hạn chế nhất có thể việc thu tiền của phụ huynh, chúng tôi xây dựng phòng tin học ban đầu bằng 2 bộ máy tính được mua mới, sửa lại 3 máy cũ và nhận tài trợ 4 máy từ các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Để minh bạch chi tiêu, chúng tôi mua sắm hay sửa chữa những gì đều chứng minh bằng sản phẩm. Phụ huynh không tin cứ đến trường thăm quan sẽ thấy. Cuối mỗi học kỳ, chúng tôi công khai thu, chi kèm theo hóa đơn, chứng từ đầy đủ để tất cả phụ huynh nắm được", thầy Hoàng nói.
Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, phương pháp dạy con, câu chuyện học sinh, sinh viên... tại ô bình luận bên dưới hoặc gửi về email: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!