Bức xúc vì những khoản "tự nguyện đóng góp" nhưng không hề tự nguyện

Quang Trường

(Dân trí) - Bên cạnh 2 triệu đồng quỹ lớp/học kỳ, phụ huynh còn phải "tự nguyện" đóng góp 10 triệu đồng/năm tiền cơ sở vật chất cho trường học ở Thanh Oai, Hà Nội.

Ban đại diện cha mẹ học sinh "tiêu tiền như phá"

Chị Lê Thị Yến có con học lớp 1 tại trường tư thục ở Thanh Oai, Hà Nội than thở về khoản thu quỹ lớp và các khoản tiền "tự nguyện đóng góp".

Đầu năm học, chị Yến nộp cho con 1 triệu đồng tiền quỹ lớp. Gần hết học kỳ 1, ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) thông báo đã tiêu hết quỹ, yêu cầu mỗi phụ huynh đóng thêm 1 triệu đồng nữa.

Chị Yến cho rằng, ban đại diện "tiêu tiền như phá".

Bức xúc vì những khoản tự nguyện đóng góp nhưng không hề tự nguyện - 1

Bản kê khai mà chị Yến cho rằng "không đàng hoàng, không rõ ràng" của ban đại diện CMHS (Ảnh: NVCC).

"Ban đại diện CMHS "đẻ" ra quỹ đội bóng lớp, phụ huynh phải cắn răng quyên góp ít nhất mỗi người 500 nghìn đồng. Tôi không đóng khoản này nhưng thỉnh thoảng thấy cũng tội con mình vì cả lớp liên hoan sau khi đá bóng, con mình thì không được tham gia.

Trưởng ban CMHS hay khởi xướng làm đồng phục lớp, nào là đồng phục thể thao, đồng phục mùa hè, mùa đông. Trong khi đồng phục chung của nhà trường cũng đã đủ mọi loại áo vest, áo sơ mi, áo gile len, áo gile vải, áo khoác, quần dài. Tiền đồng phục khoảng 3 triệu đồng.

Lương của thầy cô trường tư đã cao nhưng đến các dịp lễ, tết, ban đại diện CMHS đều quà cáp, phong bì cho tất cả các giáo viên. Ngày 20/11 năm ngoái, lớp biếu cô chủ nhiệm tận 3 triệu đồng với lý do cô vất vả. Tuy nhiên, tôi cho rằng dạy dỗ học sinh là trách nhiệm của cô, cô không nhiệt tình thì trường tư sẵn sàng đào thải", chị Yến nói.

Chị cho biết, tiền mua chậu cảnh cho nhà trường cũng trích từ quỹ lớp ra, cô giáo gợi ý "đó là việc thi đua giữa các lớp". Những khoản chi này có tên là "nhờ cô mua hộ cho cả lớp" nên không phụ huynh nào dám không theo.

Theo chị Yến, thỉnh thoảng, quỹ lớp lại bị trích ra để mua trà sữa, pizza cho cả lớp. Đó là những khoản không cần thiết vì phụ huynh đã đóng nhiều tiền ăn cho con, nếu ăn thêm các món đó, các con dễ bỏ bữa ở trường vì no.

Ngoài ra, trong học kỳ 1 vừa qua, ngôi trường này đã tổ chức tới 3 lần hội chợ. Mỗi học sinh được phát một phiếu mua hàng nhưng thường chỉ đủ để mua cốc nước. Vì vậy, phụ huynh luôn phải cho con thêm tiền để đi hội chợ. Tại đây, giáo viên là người bán hàng.

Có lần, nhiều học sinh không có tiền mua sắm, cô giáo nhắn lên nhóm nhắc phụ huynh nào có nhu cầu thì cô sẽ ứng tiền cho các con mua đồ.

"Các bố mẹ vì sợ con thèm mà không có tiền mua, tội nghiệp con nên nháo nhào nhờ cô ứng trước cho con. Tôi không đồng tình với những việc trên, quan điểm của tôi là không tiếc tiền, nhưng không muốn cho con sống với vật chất thừa mứa", chị Yến nói.

Bức xúc vì những khoản tự nguyện đóng góp nhưng không hề tự nguyện - 2

Đoạn chat trong nhóm phụ huynh lớp. Chị Yến cho rằng, những khoản quà tặng tất cả cô giáo nhân ngày 20/10 và tổ chức sinh nhật học sinh là không cần thiết (Ảnh: NVCC).

Nhà trường "vẽ" ra nhiều khoản tự nguyện đóng góp

Phụ huynh này thông tin, bên cạnh quỹ lớp, nhà trường cũng "vẽ" ra nhiều khoản mang tên "tự nguyện đóng góp". Riêng chi phí cơ sở vật chất của nhà trường, phụ huynh đã phải đóng góp 10 triệu đồng/năm học.

Ban đầu, chị Yến nghĩ mình đã phải đóng số tiền học phí và quỹ lớp khá lớn là xong, nhà trường sẽ sử dụng, sắm sửa đầy đủ mọi thứ cho con. Tuy nhiên, con vừa đi học được 1 tuần, giáo viên đã kêu gọi phụ huynh góp tiền làm giá sách, quyên góp sách để làm thư viện lớp.

Đầu năm học, nhà trường thông báo các con phải có máy tính bảng để học. Phụ huynh đăng ký để nhà trường "mua hộ". Nếu em nào không đăng ký, dùng máy tính cá nhân thì bố mẹ phải chủ động cài đặt phần mềm học.

"Vì quy trình cài đặt phức tạp, theo tâm lý chung, chúng tôi nhờ trường mua hộ cho tiện, với giá 4 triệu đồng/máy. Đáng nói, từ đầu năm đến giờ, các con mới chỉ học với máy tính bảng 2 lần rồi bỏ xó, rất lãng phí", chị Yến nói.

Chị Yến cho biết, chồng chị từng ở trong ban đại diện CMHS lớp nhưng phải xin rút lui sau một thời gian. Lý do là mỗi mình anh có ý kiến khác, một số phụ huynh còn lại chỉ muốn quyết định chi tiêu nhanh, không để số đông phụ huynh kịp có ý kiến.

"Anh ấy đề xuất là khi chi tiêu thì ban đại diện nên cân nhắc xem có thực sự cần thiết hay không, bởi vì điều kiện của mỗi gia đình là khác nhau. Mang tiếng là trường tư nhưng không phải ai cũng khá giả, cũng có nhà phải gồng mình lên để cho con theo học.

Hơn nữa, ban đại diện nên cho phụ huynh thời gian bình chọn ý kiến, chứ không phải thông báo gấp rồi ai bận, không để ý thì cho qua luôn. Ví dụ, có khi chỉ 13/30 phụ huynh bình chọn đồng ý, 17 phụ huynh còn lại chưa bình chọn là họ đã chốt. Không chịu được cách làm việc đó, chồng tôi phải xin ra", chị Yến nói.

PV Dân trí đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm lớp con của chị Yến để làm rõ những phản ánh của phụ huynh, tuy nhiên, cô giáo này từ chối trả lời.

"Tôi không có thói quen chia sẻ bất kỳ một thông tin nào liên quan đến nhà trường, làm ảnh hưởng đến hình ảnh ngôi trường mình đang làm việc", giáo viên này trả lời.

*Tên phụ huynh đã được thay đổi.

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, phương pháp dạy con, câu chuyện học sinh, sinh viên... tại ô bình luận bên dưới hoặc gửi về email: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm