Giáo sư Võ Quý - Cha đẻ của Bảo tồn Môi trường Việt Nam

(Dân trí) - Vào đầu thập niên 1960, một nhà nghiên cứu chim trẻ tuổi đã thành công trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam chọn một vùng đất rộng gần thủ đô Hà Nội để xây dựng khu bảo tồn quốc gia đầu tiên của đất nước.

Bà Pamela McElwee, giáo sư Trường Đại học Rutgers, hiện là chuyên gia về lịch sử môi trường Việt Nam, cho biết: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lắng nghe nhà nghiên cứu chim trẻ tuổi này. Tôi nghĩ, điều đó cho thấy nhà nghiên cứu đó quan trọng đến mức nào”.

Tên của ông là Võ Quý, và ông vừa qua đời ngày 10/1 tại Hà Nội ở tuổi 87. Hơn nửa thế kỷ làm việc, Giáo sư Võ Quý được biết đến với những nghiên cứu tiên phong về thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam và những nỗ lực khôi phục môi trường sống của những loài động thực vật nhiệt đới đã bị phá hủy bởi chất độc trong chiến tranh.


Giáo sư Võ Quỹ, đứng giữa, và các nhân viên khu bảo tồn Vũ Quang ở miền Trung Việt Nam đang xem xét các giống cây vào năm 1996. (Ảnh: Kathy Wilhelm/AP

Giáo sư Võ Quỹ, đứng giữa, và các nhân viên khu bảo tồn Vũ Quang ở miền Trung Việt Nam đang xem xét các giống cây vào năm 1996. (Ảnh: Kathy Wilhelm/AP

“Bạn thực sự có thể gọi ông là Cha đẻ của Bảo tồn Tự nhiên ở Việt Nam”, đó là nhận định của ông David Hulse, giám đốc văn phòng Hà Nội trong thời gian từ năm 1992 đến 1999 của tổ chức môi trường quốc tế WWF.

GS McElwee nhận định, công trình nghiên cứu 2 tập của GS Võ Quý “Chim Việt Nam” vẫn là một công trình kinh điển trong lĩnh vực này. GS Võ Quý tiến hành nghiên cứu trong suốt thời chiến tranh và xuất bản tập đầu tiên vào năm 1975.

Nhưng những công trình của GS Võ Quý không chỉ giới hạn ở lĩnh vực nghiên cứu chim hoặc trong phòng thí nghiệm: ông thường sử dụng vị thế của mình như là nhà tự nhiên học hàng đầu Việt Nam để bảo vệ các chính sách, trong đó có kế hoạch hành động đa dạng sinh học đầu tiên của đất nước, kế hoạch này nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Hulse cho biết năm 1985, GS Võ Quý thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, đây là một cây cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Khoảng mười năm trước đây, GS Võ Quý đóng vai trò là trung gian giữa Mỹ và Việt Nam khi hai nước thảo luận về cách cùng giải quyết vấn đề chất độc dioxin.

Giáo sư Võ Quý năm 2008. (Ảnh: AFP - Getty Images)
Giáo sư Võ Quý năm 2008. (Ảnh: AFP - Getty Images)

Theo GS McElwee, GS Võ Quý sinh ngày 31/12/1929 ở Hà Tĩnh, và học tập ở Trung Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam. Sau đó, ông nhận bằng Tiến sĩ của Đại học Matxcơva và giúp đỡ thành lập Đại học Tổng hợp Hà Nội.

GS McElwee nhận định: “GS Võ Quý có một “sự kết hợp độc đáo giữa sự nhạy bén khoa học và cách xử thế”.

Được biết, đến tận cuối đời mình, GS Quý vẫn tham gia trong một chương trình quen thuộc về môi trường trên Đài Truyền hình Việt Nam. Trẻ em Việt Nam biết đến ông với biệt hiệu “Giáo sư Chim”.

Xác nhận rằng GS Võ Quý đã qua đời, bà Le Thi Van Hue, học trò của GS Võ Quý, hiện là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, cho biết giáo sư bị tiểu đường và các vấn đề về tim và thận.

Xuân Vũ

Theo The New York Times