Giáo sư Hoàng Tụy - khát vọng chấn hưng giáo dục nước nhà còn mãi…
(Dân trí) - Giáo sư Hoàng Tụy, cây đại thụ của Toán học Việt Nam vừa qua đời ở tuổi 92 nhưng ông còn để lại cho đời nhiều dấu ấn. Không chỉ là một nhà Toán học lừng danh của Việt Nam, GS Hoàng Tụy còn có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Trong cuốn sách "Xin được nói thẳng" của mình, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến để dành chỗ xứng đáng với tầm vóc dân tộc, trong một thế giới nhiều biến động, chỉ có một chiến dịch khả dĩ thành công, đó là dựa vào trí tuệ và tài năng để khắc phục những yếu kém khác. Như vậy, lẽ sống còn của dân tộc kêu gọi ta hãy chăm lo đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nhân tài”.
Đó cũng chính là những trăn trở của giáo sư đầu ngành Toán học trong suốt hơn 70 năm qua với tấm lòng tha thiết muốn đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho nền khoa học-giáo dục Việt Nam.
Bởi vậy mà trong suốt những năm ấy, theo chiều dài lịch sử, GS Hoàng Tụy thường xuyên tranh luận, lên tiếng trên các diễn đàn để thẳng thắn chỉ ra những điều bất cập, lệch lạc, gây trở ngại cho sự tiến bộ của giáo dục, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước.
Bằng sự hiểu biết sâu rộng về khoa học - giáo dục trong và ngoài nước, cùng với những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trực tiếp, GS Hoàng Tụy không chỉ đưa ra nhận xét về tình hình thực tế tại từng thời điểm mà còn nêu các giải pháp một cách cụ thể và chi tiết mà ông cho là phù hợp và khả dĩ với Việt Nam trong các tác phẩm của mình.
Cải cách thi cử và sách giáo khoa
Từ những năm 90, những bài viết về giáo dục của GS Tụy thường đề cập đến các vấn đề trong thi cử, dạy thêm - học thêm hay cải cách giáo dục… Và có những điều mà ông chỉ ra là vấn đề vẫn đang còn tồn đọng cho đến ngày nay.
Năm 1999, GS Hoàng Tụy có gửi Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Bộ GD&ĐT bản kiến nghị “Mấy giải pháp cấp bách về giáo dục”.
Ông thẳng thắn đề cập đến góc tối khi nhìn vào thực trạng giáo dục nước nhà bấy giờ: Thi cử nặng nề quá mức cần thiết, gây nên áp lực tâm lý và vật chất không thể chấp nhận được cho xã hội và mọi gia đình. Dạy thêm, luyện thi tràn lan, ảnh hưởng tệ hại đến uy tín nghề giáo và chất lượng giáo dục.
Chi phí cao so với hiệu quả sử dụng, mỗi năm đều in mới sách giáo khoa, rất tốn kém mà không có điều kiện cải tiến nội dung lẫn hình thức. Cùng với đó, ông nêu kiến nghị cải cách thi cử: giảm bớt số kỳ thi, phân tán tổ chức thi, thu hẹp diện thi tuyển vào các cấp học…
Giai đoạn từ những năm 2000 trở đi, cùng nhịp chuyển biến của đời sống kinh tế - xã hội, GS Hoàng Tụy bàn về việc hướng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo các chuẩn mực quốc tế. Theo ông, giai đoạn này, quy mô giáo dục đại học phát triển rất nhanh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thông tin về khoa học công nghệ được cải thiện đáng kể nhưng hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học chưa cao.
Mặc khác, ông “thức tỉnh” xã hội cần nhìn rõ thêm mặt tối của nền giáo dục. “Con em chúng ta bây giờ học hành đầy đủ hơn các thế hệ cha anh. Trường lớp khang trang hơn, sách vở, giấy bút đầy đủ và đẹp hơn. Trước đây mấy chục năm có nằm mơ cũng không thể thấy hàng triệu cô tú cậu tú xin thi vào đại học.
Nhưng thử nghĩ lại xem mặt sáng ấy của ta sáng hơn thiên hạ chừng nào, còn mặt tối có ít tối hơn không? Sao ta ưa nhìn kỹ mặt sáng của mình mà không chịu khó dù chỉ một đôi lần nhìn rõ thêm mặt sáng của thiên hạ và mặt tối của ta để tìm ra những giải pháp cần thiết”, GS Hoàng Tụy viết vào mùa xuân năm 2003.
Với cách nhìn của GS Tụy, có hai sự cố nghiêm trọng trong giáo dục giai đoạn đó: kỳ thi tuyển sinh đại học và sách giáo khoa cải cách giáo dục là những bài học đích đáng, thật đích đáng, dù có tốn kém và đau xót nhưng nếu biết rút kinh nghiệm thì đây chính là bước chuyển mình cho cả nền giáo dục.
Năm 2004, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ có chuẩn bị một báo cáo đặc biệt về giáo dục. Nhân cơ hội này, GS Hoàng Tụy có bài viết nhìn lại toàn diện và sâu sắc những vấn đề lớn của ngành giáo dục, những gì là cái được chính và cái tồn tại lớn nhất, vướng mắc lớn nhất để tích cực giải quyết và tìm đường thoát ra khỏi “khủng hoảng” của nền học nước nhà, làm cho giáo dục thật sự là đòn bẩy đưa đất nước đi lên.
“Hiện nay, trong khi khắp nơi trên thế giới đang sôi sục phong trào chấn hưng giáo dục, nếu ta cứ để giáo dục lay lắt thế này mà không thấy sự tụt hậu của nó thì tương lai ảm đạm đang chờ chúng ta, thế hệ này sẽ mang tội lớn với con cháu”, ông nhận định. Và tất nhiên, cùng với đó GS Hoàng Tụy phân tích, nêu rõ những đóng góp, ý kiến của mình nhằm “chấn hưng” giáo dục. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy giáo dục và thành lập một tổ chức bên cạnh Bộ GD&ĐT hay Chính phủ để nghiên cứu kế hoạch, lộ trình cụ thể hiện đại hóa giáo dục.
Giáo dục và những vấn đề cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hội nhập
Có những điểm thời sự và cũng thú vị mà GS Hoàng Tụy phân tích đầy tâm huyết. Năm 2005, ông đặt vấn đề: “Giáo dục là hàng hóa?”. Bởi lẽ, xung quanh việc chấn hưng giáo dục có ý kiến cho rằng dù muốn hay không thì trên thực tế đã có thị trường giáo dục rồi. Vì vậy, không nên né tránh việc xem giáo dục là hàng hóa.
Vị giáo sư nêu quan điểm rằng” Giáo dục, nếu ngày nào đó, trong phạm vi nào đó, nên được xem là hàng hóa thì cũng phải là một thứ hàng hóa đặc biệt, chứ không thể là một hàng hóa như mọi loại hàng hóa khác. Nhà nước phải có trách nhiệm chính cung ứng cho dân thứ hàng hóa này và xã hội phải có cơ chế hữu hiệu kiểm soát chất lượng của nó”. Ông cũng bàn thêm về giáo dục đại học trước áp lực thương mại hóa.
Trong bản kiến nghị năm 2009, GS Hoàng Tụy và một nhóm tri thức đã kiến nghị về cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục.
Giai đoạn từ năm 2010-2010, theo dòng lịch sử giáo dục, GS Hoàng Tụy có nhiều ý kiến đóng góp về đổi mới thi cử và sách giáo khoa. Với ông, một nền giáo dục tiên tiến hay lạc hậu thể hiện ngay qua sách giáo khoa. Khi Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đưa ra để lấy ý kiến dư luận năm 2015, GS Hoàng Tụy bàn sâu về việc tích hợp hay không tích hợp môn Lịch sử và môn Công dân với Tổ quốc.
Có thể nói, bằng sự tâm huyết, quan tâm sâu sát đến nền giáo dục nước nhà và những kinh nghiệm, tầm nhìn của mình, GS Hoàng Tụy đã có tiếng nói thể hiện khát vọng tha thiết trong chấn hưng giáo dục nước nhà.
Giới khoa học thế giới ngưỡng mộ, kính trọng GS Hoàng Tụy, bởi ông là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”. Ông từng được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh cho "những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà".
Giờ đây, giáo sư Hoàng Tụy đã ra đi nhưng những đóng góp của ông vẫn còn giá trị tham khảo theo những mốc lịch sử quan trọng của giáo dục Việt Nam.
Lệ Thu