Giáo dục Thái Bình quyết “đẩy lùi” tiêu cực
(Dân trí) - Thẳng thắn “vạch” ra những biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra đánh giá và thi cử sau đó phân tích, đưa ra các giải pháp tích cực. Đây sẽ là những bước tiến quan trọng của giáo dục Thái Bình trong việc khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá chất lượng dạy học, thi cử.
Sở GD-ĐT Thái Bình vừa hoàn thành và công bố dự thảo của Đề án “Đẩy mạnh đội mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá chất lượng dạy học, trong thi cử” để xin ý kiến đóng góp của cơ sở giáo dục tại địa bàn. Đề án này nhằm đẩy mạnh việc xây dựng mô hình nhà trường đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá (KTĐG) kết quả giáo dục, thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy học góp phần khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong KTĐG, trong thi cử và chuẩn bị cho quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Kiểm tra đánh giá bất cập, giáo viên gà bài cho học sinh
Trong dự thảo Đề án này, Sở GD-ĐT Thái Bình thẳng thắn đưa ra những hạn chế, bất cập về KTĐG chất lượng dạy học và tổ chức các kỳ thi. Cụ thể, việc tổ chức các kỳ kiểm tra chất lượng cuối kỳ, cuối năm; thi cử ở một số đơn vị chưa bảo đảm khách quan. Còn hiện tượng học sinh (HS) gian lận, quay cóp, chép bài của nhau. Còn giáo viên (GV) không làm tròn nhiệm vụ, thậm chí vi phạm quy chế coi thi, chấm thi. Cá biệt vẫn còn tình trạng GV gà bài cho HS trong thi, kiểm tra, kể cả trong các kỳ đánh giá diện rộng. Một số GV tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường dạy trước nội dung kiểm tra.
Động cơ của HS khi tham gia các kỳ kiểm tra, thi rất khác nhau; đối với bài kiểm tra cuối kỳ cuối năm thường bị xem thường mục tiêu đạt được của HS chỉ cần không quá thấp ở một số môn học. Việc ra sử dụng chung một đề kiểm tra để đánh giá chất lượng trong một huyện hay trong toàn tỉnh còn bất cập vì mặt bằng chất lượng HS trong một huyện hay trong toàn tỉnh không đồng đều, đề kiểm tra phải đáp ứng cho mọi đối tượng nên không tránh khỏi hiện tượng khó đối với HS trường A nhưng lại dễ đối với HS trường B (trong công lập và ngoài công lập);
Sở GD-ĐT cũng nhận định: Trình độ chuyên môn còn hạn chế một số cán bộ quản lý chưa có kỹ năng tổ chức chỉ đạo các hoạt động KTĐG, tổ chức các kỳ thi. Việc thực hiện không đúng quy trình KTĐG của GV phần lớn do đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT, của Phòng GD-ĐT phát hiện và chấn chỉnh.
Một số trường buông lỏng việc quản lý điểm số, hồ sơ HS như điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ của HS không được cập nhật thường xuyên; GV có thể thay đổi điểm kiểm tra của HS; cá biệt có trường hợp sửa, thay mới học bạ của HS;
Do hạn chế trong việc tổ chức điều hành quản lý giữ liệu thông qua phần mền tin học nên ở một vài kỳ thi, kỳ kiểm tra vẫn để xảy ra nhầm lẫn điểm dẫn đến thiếu chính xác về đánh giá xếp loại HS; chạy theo bệnh thành tích, cán bộ quản lý ở một số đơn vị đã buông lỏng khâu kiểm tra giám sát việc thực hiện quy chế của GV; buông lỏng kỷ cương các hoạt động kiểm tra, thi cử. Thực tế ở một số đơn vị cơ sở vật chất chưa đầy đủ, chất lượng đội ngũ chưa cao, chất lượng HS đầu vào còn thấp, chưa đẩy mạnh các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, KTĐG mà kết quả xếp loại học lực của HS không thua kém các đơn vị có phong trào dạy học tốt, không đúng với thực trạng chất lượng dạy học của đơn vị.
Dẫn đến hệ quả là không rèn luyện được tính trung thực trong thi, kiểm tra; nhiều HS còn thụ động trong việc học tập; khả năng sáng tạo và năng lực vận dụng tri thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống còn hạn chế; chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu đặt ra của Luật Giáo dục là “Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo”.
Đổi mới đánh giá, hướng tới bỏ kì thi vào lớp 10
Bên cạnh đó, tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của HS dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của GV và HS; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm; chú trọng công tác phụ đạo HS yếu; nắm chắc tình hình, nguyên nhân HS bỏ học và có giải pháp khắc phục tình trạng này; vận động nhiều lực lượng tham gia nhằm duy trì sĩ số.
Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn. Hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”; đánh giá được sự tiến bộ về phẩm chất và năng lực của người học; Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, của xã hội.
Ngoài ra, tập huấn hướng dẫn cho cán bộ quản lý, GV về quy chế, nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng CNTT tổ chức, quản lý các kỳ thi. Phấn đấu việc tổ chức tất cả các kỳ thi, hội thi, cuộc thi đều an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đảm nguyên tắc, học thật, thi thật, chất lượng thật. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ quản lý, GV, HS... vi phạm quy chế thi. Đổi mới cách đánh giá xếp loại và sử dụng kết quả các kỳ thi như: không xếp giải đồng đội; không lấy kết quả một kỳ thi, một hội thi, một cuộc thi để đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của người thi; không lấy kết quả kỳ thi để đánh giá xếp loại thi đua của các đơn vị...
“Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tiến tới bỏ kỳ thi tuyển sinh vào các trường THCS chất lượng cao, vào THPT, thay vào đó bằng hình thức xét tuyển, như xét tuyển HS học xong chương trình tiểu học vào THCS” - dự thảo đề án nhấn mạnh.
S.H