Giáo dục tại “quốc gia khởi nghiệp” ngày càng tụt hậu

(Dân trí) - Hiện tại ngân sách chi cho giáo dục của Israel đang cao hơn ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, các trường học ở “quốc gia khởi nghiệp” này, đang bị các chuyên gia đánh giá là thất bại, có thể tụt hậu.

Hiện tại ngân sách chi tiêu cho giáo dục của Israel đang cao hơn ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, các trường học ở “quốc gia khởi nghiệp” này lại đang bị các chuyên gia đánh giá là thất bại, có thể tụt hậu trong tương lai không xa.

Điểm số của học sinh Israel trong bài kiểm tra quốc tế gần đây, thể hiện trên các kỹ năng đọc, toán, và khoa học, được cho là tệ hại nhất trong nhóm các quốc gia phát triển. Điều đáng nói là nhóm học sinh này không bao gồm học sinh Do Thái giáo chính thống vốn ít học ba môn học nói trên.

Điểm mấu chốt nằm ở chất lượng giáo viên. Trong nhóm các quốc gia phát triển, giáo viên Israel đứng chót trong bảng xếp hạng qua các bài kiểm tra đọc, viết và khả năng làm việc với các con số. Lương khởi điểm của giáo viên tiểu học ở Israel là 21.000 USD, bằng 1/2  mức lương của Mỹ.

Giáo dục tại “quốc gia khởi nghiệp” ngày càng tụt hậu - 1

Các trường học Israel đang có dấu hiệu không đáp ứng được yêu cầu chuẩn bị lực lượng lao động cho thị trường hiện đại. Ảnh: The New York Times.

Theo những người trong cuộc, chương trình đào tạo nâng cao cho giáo viên rất nghèo nàn và phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của các bộ trưởng giáo dục khi mới lên nắm quyền. Giáo viên thì ngày càng phải đối mặt với bạo lực từ học sinh và phụ huynh và ít được cấp trên hỗ trợ.

Tệ hơn, các chuyên gia cho rằng những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề của trường học lại kéo tụt đội ngũ giáo viên đi xuống. Biết sử dụng tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc, nhưng rất nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông với vốn tiếng Anh quá ít ỏi đã không thể vào đại học. Các bài thi đầu vào đại học không được đánh giá hằng năm nên nhiều chính khách tìm cách làm cho bài thi dễ đi để lấy thành tích.

Thành công đáng kể của Israel trong những năm 1990 là đã mở rộng được khả năng tiếp cận giáo dục đại học bằng việc thành lập các trường cao đẳng ít mang tính kinh viện hơn. Nhưng cũng trong thời gian này, kết quả giáo dục Israel lại cho một kết quả đáng ngờ khi hàng loạt sinh viên trường luật khi tốt nghiệp không có khả năng làm việc được trước tòa.

Theo Ram Shmueli, nhà hoạt động giáo dục lâu năm, giáo viên và hiệu trưởng thường xuyên than phiền về việc bị mất quyền tự chủ khi các quan chức nhà nước áp đặt các bài giảng chi ly tới từng giờ giảng. Cứ 5 giáo viên thì có tới 4 người bỏ nghề sau 5 năm giảng dạy.

Ram Shumueli cho biết: “Họ hiểu rõ rằng thu nhập của giáo viên là thấp, nhưng họ muốn cống hiến cho xã hội. Nhưng nếu không có quyền tự chủ, họ sẽ bỏ đi”.

Điểm số cũng cho thấy sự chênh lệch ngày càng lớn giữa nhóm học sinh nói tiếng Do Thái và nhóm học sinh nói tiếng Arab và ngay giữa các tầng lớp xã hội trong nhóm học sinh nói tiếng Do Thái.

Một trong những lý do cho vấn đề này là Israel đang giải ngân ngày càng nhiều cho giáo dục thông qua các quỹ tương đáp (quỹ có thể bù trừ chi tiêu cho các hoạt động khác nhau).

Đây là dạng quỹ tài chính mà các hiệu trưởng rất thích vì họ có thể sử dụng chúng vào bất cứ việc gì. Tuy nhiên, quỹ tương đáp chỉ có thể nhận tiền khi chính quyền đô thị chia sẻ ngân sách, và như vậy các thị trấn nhỏ ít có khả năng tiếp cận được nguồn tài chính này.

Hatem Abu Queder, hiệu trưởng Trường Bedouin thuộc vùng Đông Nam Beersheva, đã phải dán những tấm hình mô tả tàu vũ trụ con thoi và hệ mặt trời lên mặt trong của một tấm bìa quảng cáo. Ông cho biết mong muốn một lần được đưa lũ trẻ tới thăm NASA nhưng không tiếp cận được quỹ tương đáp để làm việc này.

Giáo dục tại “quốc gia khởi nghiệp” ngày càng tụt hậu - 2

Học sinh Do Thái giáo chính thống trong một giờ học tại một trường học Do Thái trong khi định cư Beitar Illit. Ảnh: The Times of Israel.

Tất cả những gì ông có trong tay là một trạm dự báo thời tiết, một sàn tập nhảy cho những nữ sinh còn quá ngượng ngùng khi phải nói chuyện với các bạn nam. Điều đáng nói là tất cả những công trình này đều được xây dựng bằng tiền quyên góp từ các gia đình có hoàn cảnh không mấy dư dả trong vùng.

Những gia đình khá giả chi rất nhiều cho gia sư. Các chương trình hướng đạo của người Do Thái phát triển năng lực lãnh đạo, tính kỷ luật và khả năng làm việc theo nhóm cho lũ trẻ. Các đơn vị quân đội tinh nhuệ cũng hỗ trợ các trường đại học, giúp tạo lập các CEO cho các dự án startup tương lai. Thế nhưng, những ngả đường này không mở ra cho công dân gốc Arab.

Lãnh đạo các tập đoàn công nghệ cao thì khẳng định Israel không lo thiếu sinh viên siêu tài năng trong lĩnh vực toán học và khoa học.

Tuy nhiên,  Giáo sư Amnon Shashua, đồng sáng lập tập đoàn phát triển hệ thống cảnh báo va chạm MobilEye, cho rằng: “Vấn đề không phải là tầng lớp tinh hoa mà là giáo dục cho đại chúng. Việc làm nào cũng vậy, người ta không thể làm một mình mà cần phải có sự hỗ trợ của những người xung quanh, không chỉ là những người thông minh nhất”.

Các nhà kinh tế học thì cảnh báo Israel đang bị chia thành hai nền kinh tế: Khu vực công nghệ cao đang tăng trưởng mạnh, chiếm 9% tổng số việc làm trong xã hội, và các khu vực còn lại đang ì ạch phía sau với năng suất thấp.

Tuy nhiên, một số cho rằng nguy cơ còn đang biểu hiện ở những nấc thang trên cùng của hệ thống giáo dục. Nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 2011 Dan Shechtman, hiện đang là Chủ tịch Quỹ học bổng Wolf, lo rằng nhân tài Israel sẽ đem các giải thưởng danh giá về cho nước khác.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang không cho họ về nước [do có quá ít phòng thí nghiệm tiên tiến cho họ làm việc. Chúng ta cần phải đưa họ về nước”.

Hữu Dương (Theo The New York Times)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm