Giáo dục Quảng Trị "đau đầu" vì thiếu hơn 500 giáo viên đầu năm học mới
(Dân trí) - Quảng Trị hiện thiếu hơn 500 giáo viên ở các cấp học, đặc biệt là ở bộ môn tin học và tiếng Anh khi năm học mới 2022-2023, 2 bộ môn này trở thành môn bắt buộc với học sinh lớp 3 trở lên.
Trước thềm năm học 2022-2023, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Trị đang loay hoay giải "bài toán" thiếu giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra cục bộ tại nhiều địa phương như: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh...
Theo tìm hiểu, hiện nay Quảng Trị thiếu hơn 500 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, ở cấp Tiểu học thiếu nhiều nhất, đặc biệt ở 2 môn tin học và tiếng Anh. Ngoài ra, nhiều trường còn thiếu giáo viên ở môn mỹ thuật và âm nhạc.
Ở môn tin học, năm học vừa qua, có đến 44 trường tại Quảng Trị không có giáo viên. Còn với môn tiếng Anh, nhiều trường học trên địa bàn chưa đủ giáo viên dạy môn này theo quy định. Cá biệt, có 7 trường học cấp tiểu học chưa có giáo viên dạy môn tiếng Anh.
Trong khi đó, năm học 2022-2023 này, tin học và tiếng Anh trở thành môn bắt buộc đối với học sinh lớp 3 trở lên, do đó việc không có giáo viên ở 2 bộ môn này khiến nhiều trường học "đau đầu".
Tại huyện Hướng Hóa, thầy giáo Hoàng Văn Sơ - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện này cho biết, việc thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường sẽ gây khó khăn cho hoạt động dạy học. Hiện huyện Hướng Hóa còn thiếu hơn 150 giáo viên.
Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa đang tổ chức rà soát lại đội ngũ giáo viên trên địa bàn để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, đề xuất cấp trên bổ sung giáo viên còn thiếu nhằm đảm bảo công tác dạy và học.
Còn tại huyện Vĩnh Linh, năm học vừa qua ở các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học ở địa bàn các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê không có giáo viên dạy môn tin học và tiếng Anh nên không triển khai dạy theo kế hoạch.
Qua rà soát bước đầu, tại Vĩnh Linh, bậc Tiểu học hiện còn thiếu 25 giáo viên dạy các môn văn hóa cũng như giáo viên tiếng Anh, tin học; bậc THCS thiếu 14 giáo viên dạy các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, toán, tổ hợp lý - hóa - sinh, công nghệ.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh, với đội ngũ giáo viên hiện tại không đảm bảo dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong khi đó, việc hợp đồng giáo viên gặp khó khăn do không có chỉ tiêu.
Nhằm giải quyết tình trạng trên, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh đề ra nhiều giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời như điều giáo viên dạy tăng cường cho các trường còn thiếu. Tuy nhiên, giải pháp điều động giáo viên dạy liên trường tồn tại bất cập, khó khăn do chế độ giáo viên không đảm bảo, công tác quản lý khó khăn..
Được biết, để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện dạy học môn ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm nay và các năm tiếp theo Quảng Trị cần bổ sung thêm khoảng 244 giáo viên.
Bên cạnh khó khăn về giáo viên dạy học, điều kiện cơ sở vật chất để dạy học môn tin học tại các trường ở Quảng Trị cũng khó khăn khi hiện chỉ có 170 phòng máy tính và vẫn còn 31 trường chưa có phòng máy tính hoặc có nhưng không đáp ứng đủ số lượng và điều kiện để tổ chức dạy học. Cùng với đó, các trang thiết bị chuyên dụng, tài liệu học tập môn tiếng Anh cũng chưa đáp ứng yêu cầu để dạy học.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện ngành đang tổ chức rà soát lại đội ngũ giáo viên trên địa bàn. Trước ngày 31/8, sẽ hoàn tất rà soát việc thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học. Từ đó, Sở GD&ĐT sẽ đề xuất với Sở Nội vụ tuyển dụng các chỉ tiêu biên chế được giao cho phù hợp.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Trị, hiện chỉ tiêu biên chế được giao ít, trong lúc số lượng giáo viên thiếu rất lớn. Hơn nữa, chỉ tiêu tinh giản biên chế được giao "rất căng", nên càng khó khăn hơn.
Để khắc phục những khó khăn do thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT Quảng Trị sẽ đưa ra một số giải pháp trước mắt như: Tổ chức dạy liên trường, liên cấp và tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, việc hợp đồng giáo viên cũng khó khăn vì vướng cơ chế.