Giáo dục Phần Lan: Không thanh tra, không chỉ trích

(Dân trí) - Giáo viên ở Phần Lan tự chủ vì hiệu trưởng được tự chủ, văn hóa giáo dục không chỉ trích, không thanh tra kiểm tra… Và đặc biệt, giáo viên được trao quyền tự chủ do được đào tạo rất bài bản.

Những tiết lộ về sự tự chủ của giáo viên Phần Lan từ những quản lý giáo dục đến từ Phần Lan tại buổi nói chuyện “Vai trò của giáo viên trong giáo dục Phần Lan” tại ĐH Sư Phạm TPHCM mới đây làm nhiều giáo viên người Việt ngỡ ngàng. Hội trường chỉ có 120 chỗ nhưng có đến gần 200 giáo viên, nhà quản lý giáo dục tham dự.

Giáo viên quyết định dạy cái gì

Bà Anna Mari Jaatinen, đến từ Trường Tiểu học Siltamäki, Phần Lan - người có 22 năm trong vai trò hiệu trưởng cho biết trong lớp học ở Phần Lan, giáo viên là người thiết kế nội dung dạy học, quyết định dạy như thế nào, dạy cái gì, dạy nội dung đó vào thời điểm nào, lựa chọn nguồn tài liệu và sách giáo khoa nào dùng cho học sinh…

Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ muốn dạy cái gì thì dạy, không dạy thì thôi. Họ phải đảm bảo các mục tiêu như kỹ năng tư duy, kỹ năng học tập, kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ, năng lực về mặt xã hội, thấu hiểu về văn hóa, bản thân mình và đặc biệt là khả năng thấu hiểu thông tin từ nhiều nguồn, năng lực kết nối, khởi nghiệp, những kế hoạch để thay đổi môi trường học tập…


Bà Anna Mari Jaatinen - Trường Tiểu học Siltamäki, Phần Lan.

Bà Anna Mari Jaatinen - Trường Tiểu học Siltamäki, Phần Lan.

Dù nhiều mục tiêu như vậy nhưng suốt 16 năm ở phổ thông, học sinh ở Phần Lan không trải qua một kỳ thi quốc gia nào. Hàng năm học sinh chỉ trải qua các bài test, bài test quan trọng nhất là nội dung về hạnh phúc, niềm vui đi học. Bên cạnh đó là bài test về Toán và tiếng mẹ đẻ.

Theo ý kiến của bà Anna Mari Jaatinen, có thể 2 năm tới, Phần Lan sẽ thay đổi chương trình giáo dục.

Không chê trích, không thanh tra

Bà Anna Mari thông tin, giáo viên có được sự tự chủ như vậy bởi chính hiệu trưởng cũng hoàn toàn tự chủ. Hiệu trưởng không can thiệp vào bất cứ việc gì của giáo viên mà chỉ đóng vai trò nhà hỗ trợ, tư vẫn, nhà giáo dục. Và giáo viên cũng đóng vai trò như vậy với học sinh.

Để có được sự tự chủ này, theo bà Anna Mari, quan trọng nhất là chất lượng đầu vào sư phạm rất cao, giáo viên đã trải qua quá trình đào tạo sư phạm tốt. Và một yếu tố hàng đầu là nghề giáo ở Phần Lan nhận được sự tin tưởng trong xã hội. Văn hóa giáo dục ở Phần Lan rất tích cực, vận hành trên cơ sở giáo dục động lực truyền sức mạnh và chung giá trị về niềm tin.

Đặc biệt, điều làm cả hội trường cùng “ồ” lên khi bà Anna Mari khẳng định, không có bất kì hệ thống thanh tra, kiểm tra, xếp hạng trong giáo dục Phần Lan. Không có bất cứ một cơ quan thanh tra kiểm tra nào trong cả nước.

Nhiều người đặt ra, nếu giáo viên không đảm bảo được các mục tiêu giáo dục, bà Anna Mari cho hay, đó không phải là lý do để chê trích hay trừng phạt. Ở trường học, có đội ngũ hỗ trợ sẽ dễ dàng nắm bắt tình hình và báo cáo. Khi đó, quản lý sẽ cung cấp sự hỗ trợ, giúp đỡ để giáo viên làm tốt hơn. Giáo viên dạy học cũng áp dụng tinh thần này với học trò.

"Chúng tôi có những bước hỗ trợ trong trường học đảm bảo trẻ nào cũng vui vẻ, thành công. Tất cả giáo viên cung cấp sự hỗ trợ này ở mức thấp nhất. Những đứa trẻ có khó khăn về học tập hay hành vi sẽ được hỗ trợ ở cấp độ 2. Lúc này ba mẹ các em sẽ được mời để cùng phối hợp với nhà trường. Một bản cam kết với cụ thể các bước hỗ trợ là gì sẽ được lập ra giữa hai bên. Ở cấp độ 3 là việc hỗ trợ những kế hoạch giáo dục có tính chất cá nhân".

Theo bà Anna, trước đây, đội ngũ cố vấn nhà trường đảm hết việc hỗ trợ cho học sinh. Việc mời phụ huynh phối hợp với nhà trường mới diễn ra khoảng 5 năm gần đây.

Một điều vị hiệu trưởng thâm niên ở Phần Lan nhấn mạnh là vai trò phụ huynh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong giáo dục. Đặc biệt là với trẻ gặp khó khăn về học tập hay hành vi, ngoài sự hỗ trợ của đội ngũ hỗ trợ thì gia đình cũng sẽ được mời để cùng phối hợp, hai bên sẽ thiết lập các bước hỗ trợ học sinh.

Cạnh tranh vào Sư phạm ở Phần Lan: 1 “chọi” 10

Thạc sĩ Mika Rantala, hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan, có 24 năm kinh nghiệm trong nghề ví von việc cạnh tranh vào Sư phạm ở Phần Lan thật sự là “sứt đầu mẻ trán”, trung bình cứ 200 người đăng ký vào sư phạm thì chỉ 20 người được chọn.


Thạc sĩ Mika Rantala, hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan.

Thạc sĩ Mika Rantala, hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan.

Để theo ngành Sư phạm, học sinh tốt nghiệp phổ thông phải làm bài thi trên giấy (không áp dụng cho giáo viên đăng ký làm giáo viên bộ môn) nhằm kiểm tra việc hiểu bao nhiêu về giáo dục. Sau đó họ sẽ làm bài test năng khiếu và phỏng vấn. Điểm bài thi tốt nghiệp phổ thông là một yếu tố quyết định việc đỗ hay không.

Ông Mika cho hay, đầu vào Sư phạm ở Phần Lan chất lượng rất cao, trước hết là chất lượng của học sinh phổ thông và lý do hàng đầu là động cơ mong muốn của học sinh. Một khi đã chọn Sư phạm là họ rất tha thiết, rất tâm huyết đối với công việc này.

Với giáo viên Phần Lan, nghề giáo không chỉ là một nghề kiếm sống mà hơn hết đi dạy còn được xem như là phong cách sống, một nghề thăng hoa để đưa đến thông điệp đến với người học và tạo điều kiện để người học khám phá thế giới.

Hoài Nam