Giáo dục người lớn: Một thiết chế giáo dục cần có chính sách ưu tiên

(Dân trí) - Hệ giáo dục người lớn, giáo dục không chính quy là một thiết chế giáo dục của dân, do dân và vì dân, do đó nó phải được sự chỉ đạo của Nhà nước, và cần được có những chính sách ưu tiên trong một xã hội hiện đại.

Dân trí xin giới thiệu bài viết của Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm


Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

Giáo dục người lớn - một xu thế thế giới

Sự cần thiết và cấp bách của giáo dục người lớn (GDNL) đã được khẳng định trong bản báo cáo nổi tiếng của Edgar Faure “Học để tồn tại: Giáo dục hôm nay và ngày mai” (năm 1972).

Báo cáo này đã khẳng định Giáo dục sẽ không còn là đặc quyền của một tầng lớp tinh hoa hay là vấn đề của một nhóm độ tuổi nào đó. Giáo dục sẽ dành cho tất cả mọi người và dành cho suốt cuộc đời của mỗi cá nhân.

Trên cơ sở phân tích bất cập của hệ thống giáo dục đương thời trước những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như trong sản xuất, Edgar Faure đã kiến nghị các nước thành viên cần phải cải cách hệ thống giáo dục của mình, lấy nguyên tắc ‘‘Học tập suốt đời’’ Chìa khoá chính, do đó phải coi trọng phát triển GDNL song song với phát triển Giáo dục nhà trường chính quy cho trẻ em.

Các nước trên thế giới, đặc biệt các nước phát triển đã sớm nhận thức được rằng đầu tư vào Vốn con ngườilà đầu tư cho phát triển, rằng đầu tư vào “vốn nhân lực” không chỉ đơn giản là đầu tư cho giáo dục giới trẻ để tạo nguồn nhân lực tương lai, mà đồng thời phải đầu tư vào việc tăng ngay kiến thức và chất lượng nguồn nhân lực hiện hành.

Cho đến nay, GDNL đã phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Ngày càng nhiều công trình nghiên cứu và những minh chứng thực tế khẳng định rằng việc học không chỉ dành cho trẻ em, rằng người lớn vẫn hoàn toàn có khả năng, có nhu cầu học và học tốt.

Bắt đầu từ cuối những năm 20 của thế kỉ XX, sự ra đời của cuốn sách “Việc học của người lớn” năm 1928 của E.L Thorndike (nhà giáo dục học người Mỹ) đã làm xoay chuyển nhận thức về khả năng học tập của người lớn. Các nghiên cứu ngày càng đi đến sự nhất trí cho rằng “Học tập của người lớn phải là việc kéo dài suốt cuộc đời;

Những kết quả nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau đã cho thấy một hệ tâm lý khác biệt của người lớn. Ngày càng có nhiều nhà giáo dục trên thế giới khẳng định cần phải phát triển một chuyên ngành giáo dục mới, khác với Giáo dục học truyền thống (Padagogy). Đó là chuyên ngành “Giáo dục học người lớn” (Andragogy), mà người có công khởi xướng là một nhà giáo dục học người lớn nổi tiếng ở Mỹ - Malcom Knowles, người được mệnh danh là “Cha đẻ của Giáo dục học người lớn” (the Father of Andragogy).

UNESCO với vấn đề Giáo dục người lớn

UNESCO là Tổ chức Quốc tế sớm nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của GDNL và đã có nhiều Sáng kiến, nhiều Chương trình hành động và Khuyến nghị phát triển GDNl trên phạm vi toàn thế giới.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, UNESCO đã tổ chức 6 Hội nghị thế giới GDNL nhằm rà soát, đánh giá tình hình phát triển GDNL ở các nước và đề xuất các Khuyến nghị, Chương trình hành động phát triển GDNL trên phạm vi toàn cầu.

Hội nghị thế giới GDNL lần thứ nhất tại Elsinor, Đan Mạch (1949)

Hội nghị thế giới GDNL lần thứ 2 tại Montreal, Canađa (1960)

Hội nghị thế giới GDNL lần thứ 3 tại Tokyo, Nhật Bản (1972)

Hội nghị thế giới GDNL lần 4 tại Paris, Pháp (1985)

Hội nghị thế giới GDNL lần 5 tại Hamburg, Đức (1997)

Hội nghị thế giới GDNL lần 6 tại Belem, Braxin (2009)

UNESCO ngày càng khẳng định vị trí và vai trò của GDNL

Trong thập kỉ 50 của thế kỉ XX, GDNL được thừa nhận có vai trò quan trọng “Vì sự công bằng xã hội trong giáo dụcthông qua việc tạo cơ hội học tập cho những người thất học do chiến tranh, trong việc giáo dục tình yêu hoà bình, lòng khoan dung, đẩy mạnh dân chủ, tạo ra nền văn hoá chung.

Bước sang thập kỉ 60 của thế kỉ XX, GDNL được đánh giá giữ vai trò quan trọng “trong thế giới đang đổi thay”, trong việc đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức của người dân trước sự “bùng nổ thông tin” và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kĩ thuật và công nghệ.

Đến thập kỉ 70 của thế kỉ XX, GDNL được đặt trong bối cảnh của “Giáo dục suốt đời”. Và được coi là công cụ đưa giáo dục thế giới ra khỏi cuộc khủng khoảng lúc bấy giờ.

Chuyển sang thập kỉ 80 của thế kỉ XX, vai trò của GDNL bắt đầu được khẳng định đối với đời sống kinh tế, văn hoá xã hội và góp phần giải quyết một số vấn đề toàn cầu như vấn đề dân số, môi trường, vấn đề củng cố hoà bình, tự do, công bằng và hợp tác quốc tế, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giữa các tầng lớp, các nhóm dân cư, giữa các nước giàu và các nước nghèo, vấn đề dân chủ hoá giáo dục, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các di sản văn hoá.

Đặc biệt, GDNL được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc giúp mọi người học tập suốt đời, đặc biệt đối với nhóm đối tượng thiệt thòi, “bị bỏ quên” như phụ nữ, trẻ em gái, thanh niên thất nghiệp, người tàn tật, người già và người nghèo ở nông thôn...

Vào những thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX, GDNL được coi là “Chìa khoá” bước vào thế kỉ XXI và được thừa nhận đã có đóng góp to lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cá nhân và giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu như xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế, sự phát triển nhanh chóng của KHKT, sự xuất hiện ngày càng nhiều “xã hội thông tin” và “nền kinh tế tri thức” và những vấn đề có tính toàn cầu khác như vấn đề thất nghiệp, đói nghèo, ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, bản sắc văn hoá dân tộc v.v...

Bước sang thế kỉ XXI, GDNL được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người để có thể chống chọi được với những thách thức của thời kỳ mới và được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân của các nước, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ (MTPTTNK)Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững” do Liên Hợp quốc đề ra.

Trong 21 điểm của chiến lược phát triển giáo dục thế kỉ XXI của UNESCO đã có tới 6 điểm nói về GDNL, trong đó điểm thứ 1 đã chỉ rõ trong chủ trương phát triển giáo dục những năm tới của các nước phát triển cũng như đang phát triển "GDNL phải là nét chủ đạo”.

Điểm thứ 2 trong Chiến lược này đã chỉ rõ “Giáo dục cho mọi lứa tuổi trong suốt cuộc đời, không chỉ bó hẹp trong 4 bức tường nhà trường, có nghĩa là phải cải tổ toàn diện nền giáo dục và phải đa dạng hóa các hình thức giáo dục”. Và điểm thứ 12 trong Chiến lược này đã khẳng định “Phát triển nhanh chóng GDNL phải là một mục tiêu ưu tiên của chiến lược giáo dục của các nước trong những năm tới”.

Nhận thức được vai trò ngày càng quan trọng của GDNL với tư cách là một trong 2 bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân của các nước, vì học tập (giáo dục) người lớn chính là học tập (giáo dục) không chính quy ngoài nhà trường, UNESCO đã đề nghị các quốc gia phải phát triển GDNL đồng thời với phát triển GDTE (Giáo dục trẻ em (Giáo dục chính quy trong nhà trường).

UNESCO đã khẳng định “GDNL có đối tượng riêng nên cần phải được tổ chức một cách có hệ thống; cần được đầu tư kinh phí; cần có tài liệu riêng; cần có đội ngũ giáo viên, chuyên trách riêng; đội ngũ giáo viên của GDNL cần phải được bồi dưỡng thường xuyên”. Đồng thời UNESCO cũng khuyến cáo GDNL “cần phải mềm dẻo, linh hoạt hơn và cần đến sự quan tâm và tham gia nhiều hơn của cộng đồng”.


Nguyễn Mạnh Cầm: Hệ giáo dục người lớn, giáo dục không chính quy là một thiết chế giáo dục của dân, do dân và vì dân, do đó nó phải được sự chỉ đạo của Nhà nước, và cần được có những chính sách ưu tiên trong một xã hội hiện đại.

Nguyễn Mạnh Cầm: "Hệ giáo dục người lớn, giáo dục không chính quy là một thiết chế giáo dục của dân, do dân và vì dân, do đó nó phải được sự chỉ đạo của Nhà nước, và cần được có những chính sách ưu tiên trong một xã hội hiện đại".

Giáo dục không chính quy ở Việt Nam và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Ở Việt Nam, giáo dục không chính quy (GDNL) cũng đã được quan tâm phát triển từ rất sớm. Nguyên Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Giáo dục quốc dân Vũ Đình Hòe đã khẳng định “Giáo dục ở học đường và Giáo dục ngoài học đường phải được coi là hai bộ phận của một nền giáo dục, hai công việc của một tổ chức quan trọng như nhau và liên lạc mật thiết với nhau”. Ông cũng đã biên soạn cuốn sách “Một nền giáo dục bình dân” (1946) - một tài liệu quý về lý luận giáo dục bình dân/Giáo dục người lớn của Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập nước, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc dân, ông đã tham mưu với Hồ Chủ Tịch ban hành Sắc lệnh số 17 về việc thành lập Nha Bình dân học vụ để chăm nom việc học của dân chúng nhằm xóa nạn mù chữ do ông Nguyễn Công Mỹ làm Giám đốc.

Trong thời kỳ Bổ túc văn hóa (1965-1975), nhận thấy việc học ở các lớp Bổ túc văn hóa có nhiều khác biệt, so với học trong nhà trường chính quy, Chính phủ đã cho phép thành lập các trường sư phạm BTVH ở Trung ương và địa phương để đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên dạy BTVH góp phần nâng cao chất lượng BTVH thời bấy giờ.

Số lượng các trường Sư phạm BTVH tăng lên nhanh chóng (từ 1966 đến 1970 tăng từ 13 lên đến 21 trường). Chỉ thị số 110/CP (ngày 13/7/1968) của Hội đồng Chính phủ đã nêu rõ “Tất cả các loại giáo viên BTVH đều được Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, văn hoá, nghiệp vụ ...”

Từ năm 2000 đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển Giáo dục không chính quy nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời ngày càng tăng, ngày càng đa dạng của người lớn

* Nghị quyết Đại Hội IX của Đảng năm 2001 nêu rõ “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính qui và giáo dục không chính qui, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”.

* Kết luận của Hội nghị TW 6, khoá IX (7/2002) khuyến khích “Phát triển giáo dục không chính qui, các hình thức học tập ở cộng đồng, ở các xã, phường gắn với nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tập suốt đời, hướng tới xã hội học tập”.

* Hội nghị TW 7, khoá IX (3/2003) đã quyết định tiến hành cuộc vận động lớn toàn dân xây dựng phong trào “Cả nước trở thành một xã hội học tập” - “Học tập suốt đời”.

* Đại hội X (4/2006) đã chủ trương “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, phát triển hệ thống học tập cho mọi người với những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục”.

* NQ ĐH XI (2011) chủ trương“Hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hoá giáo dục và đào tạo trên cả 3 phương diện: động viên các nguồn lực trong xã hội; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng; khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời”.

* Trong Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, Nhà nước chủ trương “Phát triển giáo dục không chính qui như là một hình thức huy động tiềm năng của cộng đồng để xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập cho mọi người, ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, mọi nơi có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi cá nhân, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực …”.

Trong xã hội học tập hệ giáo dục không chính quy gắn kết và liên thông với hệ giáo dục chính quy trong nền giáo dục quốc dân của mỗi quốc gia. Trong khi hệ giáo dục chính quy đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai thì hệ giáo dục không chính quy mà thực chất là giáo dục người lớn đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hiện hành tức là những người đang lao động trong mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh.

Thông qua giáo dục, học tập không chính quy, nhân lực hiện hành chủ yếu vừa làm vừa học, kiến thức được nâng cao, tay nghề được cải tiến, nghề nghiệp được hoàn thiện và trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, công nghệ không ngừng đổi mới, đặc biệt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tuy mới bắt đầu nhưng hứa hẹn nhiều biến đổi lớn lao, nhiều thành công đột biến; họ được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp thu công nghệ mới, trên cơ sở đó nâng cao năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hệ giáo dục người lớn, giáo dục không chính quy là một thiết chế giáo dục của dân, do dân và vì dân, do đó nó phải được sự chỉ đạo của Nhà nước, và cần được có những chính sách ưu tiên trong một xã hội hiện đại.

Theo xu hướng chung trên thế giới hiện nay và căn cứ vai trò quan trọng, không thể thiếu được ở bất cứ một quốc gia nào của hệ giáo dục, học tập không chính quy với sự tham gia của đa số người dân theo hướng học tập cho mọi người và học tập suốt đời cần có một tổ chức đủ năng lực điều hành vì trong hệ này hình thức giáo dục, hình thức học tập rất đa dạng, rất linh hoạt do có nhiều yêu cầu, nhiều mục tiêu học tập khác nhau, và một sự đầu tư tài chính hợp lý.

Yêu cầu này vẫn tồn tại cả khi đất nước đã trở thành một xã hội học tập.

NGUYỄN MẠNH CẦM

Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm