Giáo dục nghề nghiệp: Đẩy mạnh triển khai tự chủ và chuyển đổi số

M.C

(Dân trí) - Năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh hướng nghiệp, nâng cao năng lực cán bộ, thực hiện chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả nguồn lực.

Ngày 23/02/2021, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng tham dự và chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về công tác và trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2021.

Tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng TCGDNN Trương Anh Dũng, các Phó Tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh, Nguyễn Thị Việt Hương, Phạm Vũ Quốc Bình, lãnh đạo các Vụ đơn vị thuộc Tổng cục.

Giáo dục nghề nghiệp: Đẩy mạnh triển khai tự chủ và chuyển đổi số - 1

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chỉ đạo cuộc họp trực tuyến

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng hoan nghênh công tác chuẩn bị của Tổng cục về các nhiệm vụ năm 2021 đúng trọng tâm, đúng vấn đề.

Năm 2021, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Tổng cục đã quyết liệt triển khai đưa ra giải pháp, mục tiêu cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, điều đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Tổng cục.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19, nguồn lực, nhân lực, cơ chế..., tuy nhiên Tổng cục đã có nhiều giải pháp triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể đến các vụ, đơn vị, Thứ trưởng tin rằng Tổng cục sẽ hoàn thành các nhiệm vụ được giao năm 2021.

Tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng TCGDNN Nguyễn Hải Cường trình bày kết quả triển khai nhiệm vụ trong 2 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2021. Theo đó, năm 2021, Tổng cục sẽ triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách về GDNN đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, hiện đại và hội nhập quốc tế; ưu tiên các chiến lược, quy hoạch và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành có tính đột phá mới tạo động lực cho GDNN phát triển.

Chủ động, linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của GDNN, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành; tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự của Tổng cục; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức Tổng cục đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đổi mới sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số GDNN với yêu cầu nhanh hơn, hiệu quả hơn để tạo bứt phá; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, trọng tâm trong công tác thống kê, quản lý và chỉ đạo điều hành.

Huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho GDNN; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa, nhất là xã hội hóa nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động GDNN.

Giáo dục nghề nghiệp: Đẩy mạnh triển khai tự chủ và chuyển đổi số - 2

Toàn cảnh cuộc họp tại điểm tập trung

Để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Tổng cục cũng đã đưa ra 8 giải pháp chủ yếu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức trong toàn hệ thống GDNN về phòng chống dịch Covid-19, không chủ quan, mất cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh; sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu.

Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN; ưu tiên xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, phát triển GDNN trong tình hình mới.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới GDNN; trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng GDNN, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) trong GDNN.

Đồng thời, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp.

Các tỉnh, thành phố căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong GDNN. Xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ hoạt động dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh triển khai tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo chất lượng cao.

Ngoài ra, nâng cao năng lực, tạo bước chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của Tổng cục và địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan. Bám sát các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để thúc đẩy tiến độ ban hành Thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

 Tập trung triển khai công tác chuẩn bị cho các Hội giảng, hội thi năm 2021: Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, tổ chức thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 gắn với chuỗi các sự kiện kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 04/10/2021, tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2021, Hội thao quốc phòng, an ninh và Hội thao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề theo chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các vụ, đơn vị cũng đã bổ sung nhiều ý kiến trong triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Một số ý kiến cũng đặt ra vấn đề về nhân sự của Tổng cục, nhân sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương, công tác kiểm định, Trung tâm thực hành vùng, Khởi nghiệp... để thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đồng tình về 5 trọng tâm của giáo dục nghề nghiệp trong năm 2021, Thứ trưởng cũng lưu ý thêm nội dung gắn kết doanh nghiệp, gắn đào tạo với thị trường lao động, công tác kiểm định, trung tâm thực hành vùng, Khởi nghiệp... cần có sự quan tâm chỉ đạo và đưa các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ.

Về một số vấn đề kiến nghị của Tổng cục, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục có ý kiến báo cáo Bộ bằng văn bản cụ thể để lãnh đạo Bộ có ý kiến chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn.