Giáo dục lịch sử thông qua các bộ phim hoạt hình là điều cần thiết
(Dân trí) - Vào đầu tháng 10 tới, Đài truyền hình Việt Nam dự kiến phát sóng chương trình lịch sử “Hào khí ngàn năm” qua thể loại phim hoạt hình 2D. Nhiều nhà sử học lên tiếng ủng hộ chương trình và hi vọng sẽ mang làn gió mới cho giới trẻ khi tiếp cận với việc học lịch sử.
Chương trình lịch sử “Hào khí ngàn năm” qua thể loại phim hoạt hình 2D nhằm tái hiện trên màn ảnh truyền hình tiến trình lịch sử nước nhà từ buổi đầu dựng nước đến hết thời kì phong kiến Việt Nam. Chương trình dự kiến sẽ được phát sóng vào 21h55 các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam từ ngày 1/10/2015.
Kì vọng của nhà sản xuất chương trình “Hào khí ngàn năm” là nhằm góp phần làm khơi dậy lòng yêu lịch sử, vun đắp tình yêu Tổ quốc, mở rộng tầm nhìn thế giới; cũng như làm sống dậy những giá trị truyền thống và đạo lý tốt đẹp của cha ông trong lòng cộng đồng xã hội.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Một cách tiếp cận mới về lịch sử sinh động hơn
Lịch sử là bộ môn nền tảng trong khoa học xã hội, có tác dụng trọng yếu đối với việc nâng cao phẩm chất nhân văn của học sinh. Môn học lịch sử phát huy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn minh nhân loại, giúp học sinh biết và nhận thức được tiến trình phát triển của xã hội loài người và của dân tộc Việt Nam; hiểu được tác dụng của quần chúng nhân dân và cống hiến của những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử, tiếp thu kinh nghiệm và trí tuệ của người đi trước.
Dạy học lịch sử không chỉ đơn thuần mô tả, tái hiện những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, mà còn phác họa một cách hệ thống quá trình hình thành và phát triển hàng ngàn năm với những thăng trầm của dân tộc; giúp cho người học tìm về với cội nguồn văn hóa cha ông, tiếp thu những bài học đạo lý, giúp con người hình thành ý thức bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp và và ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với quê hương, cộng đồng, đất nước.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cũng khẳng định, mấy năm gần đây, do không thi tốt nghiệp môn Lịch sử ở Trung học phổ thông, rồi lịch sử chỉ là môn tự chọn của năm học vừa qua… thì ý thức của học sinh với môn Lịch sử và hiểu biết của học sinh về lịch sử ngày càng yếu kém. Mặc dù đội ngũ thầy cô dạy môn Lịch sử đã có nhiều cố gắng tích lũy kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp, nhưng dạy học lịch sử vẫn khô khan, kém hấp dẫn, giới trẻ chưa thực sự yêu lịch sử Việt Nam.
Để khắc phục tình hình nói trên, trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, một số nhà giáo dục lịch sử đã có những định hướng xây dựng Chương trình và biên soạn sách giáo khoa Lịch sử sau 2015 ở phổ thông (do Bộ GD-ĐT chủ trì) với mục tiêu làm cho học sinh thấu hiểu và yêu thích môn lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc.
“Trong khi chờ đợi một chương trình mới, việc phát sóng chương trình “Hào khí Ngàn năm” sẽ đưa ra một cách tiếp cận mới sinh động hơn trong việc truyền tải các nội dung lịch sử” – PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ bày tỏ.
PGS.TS Vỳ cũng cho biết thêm, chương trình “Hào khí ngàn năm” đã tham khảo và phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu uy tín, để hoàn thiện nội dung mong muốn mang đến cho khán giả truyền hình cái nhìn cơ bản và hệ thống về lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó cũng đã biên soạn một khối lượng lớn các chủ đề, câu chuyện lịch sử, giới thiệu về các triều đại, các nhân vật tiêu biểu trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong cách tiếp cận để xây dựng chương trình thể hiện tính khoa học rõ nét.
“Tôi đánh giá cao việc Chương trình đã sử dụng nguồn tư liệu gốc như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám Cương mục…Tôi tin rằng Chương trình đầu tư kĩ lưỡng về hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, cùng với phương pháp xử lý linh hoạt trong việc sưu tầm tư liệu kết hợp với sáng tác hiện đại , chương trình sẽ tạo nên những tập phim hoạt hình sinh động, hấp dẫn đối với công chúng, nhất là với học sinh phổ thông trong quá trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa Lịch sử. Qua đây học sinh nói riêng và người dân nói chung sẽ hiểu sâu hơn, nhận thức tốt hơn nữa được vai trò của quần chúng nhân dân trong việc sáng tạo lịch sử và đóng của những vĩ nhân, bước đầu lý giải về quan hệ giữa cá nhân với xã hội, nâng cao năng lực phán đoán phân biệt giữa đúng và sai, thiện và ác, xấu và đẹp, từng bước xác lập thái độ tích cực, cầu tiến, hình thành nhân cách và phẩm chất cá nhân lành mạnh” – PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Hình thành phim hoạt hình lịch sử cho giới trẻ là hết sức quan trọng
Việc hình thành bộ phim hoạt hình về lịch sử cho giới trẻ là hết sức quan trọng bởi nếu chúng ta chỉ nhìn vào giáo dục học đường không thôi là chưa đủ. Trên thực tế giới trẻ được tiếp nhận được những kiến thức lịch sử thông qua ngôn ngữ xã hội nhiều hơn. Ví dụ như những bài hát ru của ông, bà, cha, mẹ hoặc những câu chuyện cổ tích cũng là một cách tiếp cận.
Trong thời kỳ xã hội hiện đại ngày nay thì phương tiện nghe nhìn có vai trò rất quan trọng và việc truyền tải kiến thức qua kênh này là điều nên làm.
“Tôi có biết đến chương trình “Hào khí Ngàn năm” sắp phát sóng và cá nhân tôi rất ủng hộ và đồng ý tư vấn cho chương trình. Tôi hết sức hoan nghênh bởi đây là một nỗ lực của cộng đồng, đặc biệt là giới truyền thông trong việc giới thiệu tri thức đó tới giới trẻ. Tuy nhiên ở đây chỉ có một vấn đề chúng ta cần lưu ý đó là lịch sử phải nói chính xác nhưng đòi hỏi ngôn ngữ phải hết sức hấp dẫn, nhất là cho giới trẻ. Đây chính là sự điều chỉnh giữa các nhà nghệ thuật với những người chuyên môn. Tôi không đặt ra vấn đề là biến tất cả thành sách giáo khoa nhưng chí ít nó kích thích các em một mối quan tâm tìm những cái hấp dẫn trong lịch sử và để cho các em tiếp cận” – nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, bên cạnh những bộ phim cổ trang (một kênh rất tốt) nhưng có điều phải dàn dựng công phu, để đi vào được đời sống thì đòi hỏi sự đầu tư rất lớn thì phương thức sử dụng các bộ phim ngắn bằng công nghệ 3D là một cách rất thích hợp so với hiện nay.
“Tôi biết có rất nhiều nhóm anh em đang tiến hành làm những bộ phim hoạt hình lịch sử và việc đầu tiên chúng ta phải hoan nghênh, đừng ngăn cản họ. Đương nhiên làm cái gì mới mẽ thì những bước đầu tiên có thể có va vấp, có những cái chưa thật hoàn thiện. Chúng ta nên thiện chí đóng góp hơn là việc chỉ biết phê phán. Quá trình làm chúng ta phải tìm hiểu hiệu ứng xã hội, tìm hiểu từ những người xem, từ bậc phụ huynh, từ các nhà giáo dục, kể cả các nhà làm công tác tuyên giáo nữa để xem hiệu ứng như thế nào. Nếu toàn xã hội đều quan tâm thì chắc chắn chương trình sẽ tốt” – Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Nguyễn Hùng (thực hiện)
(Email hungns@dantri.com.vn )