Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

"Giáo dục là yếu tố đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên"

Thúy Diễm

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng giáo dục, văn hóa, khoa học là một trong những yếu tố quan trọng có tính quyết định Đắk Lắk có phải là Trung tâm vùng Tây Nguyên hay không.

Đắk Lắk đề xuất tăng nguồn lực cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Chiều 23/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc cùng Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Đắk Lắk.

Giáo dục là yếu tố đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác làm việc với tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Thúy Diễm).

Báo cáo với đoàn công tác, bà H'Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã nêu những kết quả, khó khăn trong công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 1.000 trường học với trên 470.000 học sinh (tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 36%). Địa phương có trên 36.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong ngành giáo dục.

Tỉnh Đắk Lắk được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục cơ sở lên phổ thông trung học đạt 84%, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THPT vào đại học là 55%.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 4 trường Trung cấp, 8 trường Cao đẳng, 2 trường Đại học và 2 phân hiệu trường Đại học.

Giáo dục là yếu tố đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên - 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của Đắk Lắk thành trung tâm vùng Tây Nguyên (Ảnh: Thúy Diễm).

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2022, tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các huyện mua sắm, cung cấp bổ sung thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. So với năm học 2010-2011, hệ thống, quy mô các cơ sở giáo dục trình độ Cao đẳng, Đại học và sau Đại học có những bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu. Công tác xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau THCS, THPT cũng được tỉnh chú trọng.

Ngoài những thành tựu đạt được, ngành giáo tỉnh Đắk Lắk cũng gặp phải một số khó khăn như chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng dạy nghề chưa toàn diện, thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Đắk Lắk là địa phương có mật độ dân cư phân bố không đồng đều, có số đông dân di cư tự do, tỷ lệ học sinh bỏ học cao, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, công tác quản lý về dạy nghề còn có mặt hạn chế.

Qua đó,  tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất các chương trình, dự án từ nguồn vốn ODA, ngân sách Trung ương để hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục địa phương miền núi, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số trong đó có tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu Chính phủ triển khai Chương trình kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên. Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm và đổi mới chương trình, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên còn thiếu.

Giáo dục rất quan trọng đối với việc phát triển Đắk Lắk thành trung tâm vùng Tây Nguyên

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những kết quả giáo dục mà tỉnh đã đạt được, như 5 năm qua, trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, Đắk Lắk là địa phương dẫn đầu trong 10 tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

Giáo dục là yếu tố đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên - 3

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thăm trường ĐH Tây Nguyên (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trong đó, Bộ trưởng ghi nhận việc tỉnh rất quan tâm công tác chăm lo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, với Nghị quyết 23 định hướng phát triển Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên thì yếu tố giáo dục, văn hóa, khoa học là một trong những yếu tố quyết định Đắk Lắk có phải là Trung tâm hay không. Do đó, vấn đề giáo dục phổ thông không chỉ cho của mỗi Đắk Lắk mà còn cho chính khu vực.

Do đó, người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị tỉnh Đắk Lắk tập trung cao độ, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học, đội ngũ giáo viên.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý trong quá trình rà soát sắp xếp cơ sở giáo dục, các điểm trường lẻ trên địa bàn cần thận trọng, dồn điểm trường nhưng không để các em học sinh phải đi xa quá, cần cân nhắc, phân tích ghi nhận thực tế phải vì học sinh.

Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tiếng dân tộc cho học sinh và rất cần nguồn giáo viên dạy tiếng dân tộc chất lượng, được đào tạo bài bản tại trường đại học.

Trong buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thống nhất định hướng chỉ đạo sáp nhập trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk về trường ĐH Tây Nguyên và giao Sở GD&ĐT Đắk Lắk có nhiệm vụ làm đề án sáp nhập.

Bộ trưởng cũng mong lãnh đạo tỉnh quan tâm, hỗ trợ trường ĐH Tây nguyên về cơ sở hạ tầng như xây ký túc xá cho học sinh, nội trú giáo viên. Qua đó, tạo điều kiện để trường phát triển, thu hút nhiều con em người đồng bào dân tộc thiểu số theo học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm