Giáo dục kỹ năng sống: Nơi hào hứng, nơi kêu khó

Khó khăn lớn nhất khi giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh tiểu học là phần lớn giáo viên chưa quen, còn xem là việc của người khác.

Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học được Bộ GD-ĐT triển khai vào năm học 2010-2011. Để áp dụng, bộ “gợi ý” đây là môn học mở, tùy điều kiện từng trường để áp dụng linh hoạt. Nhiều giáo viên ở TPHCM cho biết vì  không quy định tiết học, giờ học cụ thể nên tùy thuộc vào sở thích, năng lực giáo viên.

 

 
Giáo dục kỹ năng sống: Nơi hào hứng, nơi kêu khó - 1
Những buổi sinh hoạt dã ngoại cũng là cách để học sinh rèn luyện các kỹ năng.


Cô và trò đều hào hứng


Đến Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) vào đúng giờ ra chơi, từng đoàn học sinh tay cầm xô, tay cầm cuốc kéo nhau ra khu vườn phía sau sân trường để tưới cây, chăm bón. Những giàn khổ qua bắt đầu đơm trái và nhiều bồn hoa đang hé nụ là thành quả của cô và trò trong gần một năm qua. Trước công trình của mỗi lớp đều có sổ nhật ký ghi lại ngày nào gieo hạt, ngày nào cây nảy mầm, ra hoa…, cây không lớn được hay chết cũng phải ghi vào nhật ký để rút kinh nghiệm.


Bà Lê Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Không những trò hào hứng mà các cô giáo cũng sôi nổi tham gia. Có những ngày nghỉ, nhiều cô vẫn đến trường thăm vườn hoa, vườn rau của lớp. Đây là một phần trong những kế hoạch của trường để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em biết cách trồng cây ra sao và biết để được hái quả thì phải trải qua quá trình vất vả, chăm sóc thế nào. Qua đó để hiểu thêm về công việc của người nông dân, biết trân trọng sức lao động và thành quả lao động”.


Trước khi Bộ GD-ĐT có tài liệu hướng dẫn triển khai dạy kỹ năng sống, nhiều trường tiểu học tại TPHCM đã triển khai nội dung này trong hoạt động của trường. Ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) là nội dung tiết kiệm điện; Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) là nội dung tiết giảm tối đa các thiết bị chiếu sáng, tận dụng cây xanh để làm mát mà không phụ thuộc vào máy lạnh…


Chưa quen với lồng ghép


Bà Lê Thúy Hà cho biết: “Giáo viên không ngại khó, không ngại khổ nhưng ngại phía cha mẹ học sinh vì kỹ năng sống thì không phải chỉ học trong nhà trường. Các cô chỉ quản lý học sinh trong thời gian ở trường còn khi ra đường, về nhà thì cha mẹ mới là người thầy thực sự. Khổ nhất là nhiều vị cha mẹ không hợp tác với nhà trường, con cái học thế nào cũng mặc.

 

Ở trường, cô giáo dạy không được vứt rác bừa bãi mà phải cho vào thùng rác nhưng ngay trước mặt con, nhiều phụ huynh cầm cả bịch nước mía vứt toẹt xuống đường. Không ít lần, giáo viên phải làm những việc tế nhị như nhắc học sinh về dặn ba mẹ đừng mặc quần đùi, áo hai dây đến trường. Những việc nhỏ như vậy còn khó cho nên chuyện xin phụ huynh kinh phí để học sinh học ngoại khóa là rất gian nan”.


Theo ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD- ĐT quận 1, sở dĩ giáo viên kêu khó vì chưa quen với cách lồng ghép những nội dung của giáo dục kỹ năng vào các môn học. Dạy kỹ năng sống khá đơn giản như có thể cho học sinh tìm hiểu về lịch sử qua việc tham quan các bảo tàng, nhà triển lãm; đến công viên để tìm hiểu về động vật, các loài cây.


Ông Tạ Duy Hồng, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh là phần lớn giáo viên đều chưa quen việc. Trong các buổi sinh hoạt, tổ trưởng bộ môn thường phải nhắc nhở thì giáo viên mới nhớ. Nhiều giáo viên còn hiểu nhầm môn giáo dục công dân mới là môn có trách nhiệm giảng dạy kỹ năng sống”. Ông Hồng cũng cho rằng việc phối hợp với phụ huynh là cực kỳ quan trọng, không nên phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên vì giáo dục kỹ năng sống không phải chỉ trong ngày một ngày hai mà là một quá trình lâu dài, liên tục.

 

Chỉ cần có “lửa”

Nhiều hiệu trưởng chia sẻ dạy kỹ năng sống chủ yếu phụ thuộc vào cái tâm của giáo viên. Ngay cả những giáo viên lớn tuổi, nếu thật sự có “lửa” cũng không ngần ngại, nhất là khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hiệu trưởng của một trường tiểu học tại quận 1 cho biết không ít giáo viên than khổ vì phải thêm việc do từ trước đến nay chỉ chú trọng dạy kiến thức, hết giờ ở lớp thì về, còn việc dạy đạo đức, kỹ năng sống được xem là của môn học khác. Cũng có trường quan niệm dạy kỹ năng sống là phải dã ngoại, đi xa nên nếu trường hoặc phụ huynh có kinh phí tổ chức thì đi, không thì thôi.

 

Theo Đặng Trinh

Người Lao Động