Giáo dục học sinh kĩ năng, lòng nhân ái từ môn nghệ thuật tuồng

(Dân trí) - Cô giáo Nguyễn Hồng Duyên, giáo viên trường THPT Olympia - Hà Nội, trưởng Dự án “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” cho biết, qua khảo sát và nghiên cứu, nhận thấy nghệ thuật Tuồng có thể dễ dàng tích hợp được với hoạt động dạy học môn Ngữ văn, Lịch sử, Mĩ thuật, Âm nhạc.


Học sinh trường Olympia trong một vở Tuồng

Học sinh trường Olympia trong một vở Tuồng

Thúc đẩy giáo dục kĩ năng học sinh

Dự án “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” chính là một trong các dự án với sự tham gia của 5 khối lớp (5, 6, 7, 8, 11) và toàn bộ giáo viên tổ Ngữ văn, Âm nhạc, Mĩ thuật, Lịch sử trường THPT Olympia - Hà Nội.

Qua khảo sát và nghiên cứu, chủ nghiệm Dự án là cô Nguyễn Hồng Duyên nhận thấy nghệ thuật Tuồng có thể dễ dàng tích hợp được với hoạt động dạy học môn Ngữ văn, Lịch sử, Mĩ thuật, Âm nhạc. Các tích truyện trong tuồng, phần nhiều lấy từ các nhân vật, sự kiện Lịch sử. Có thể học Lịch sử bằng cách xem Tuồng.

“Mĩ thuật của Tuồng cũng rất đặc biệt với tính ước lệ cao và nghệ thuật hoá trang, vẽ mặt nạ rất hấp dẫn với trẻ nhỏ. Âm nhạc của tuồng là sự kết tinh của nghệ thuật âm nhạc từ dàn nhạc truyền thống Việt Nam mà trong đó các nghệ sĩ chơi nhạc cụ trong dàn nhạc Tuồng được đánh giá là những nghệ sĩ đỉnh cao…

Hơn thế, các bài dạy học Lịch sử, Mĩ thuật, Âm nhạc trong chương trình lớp 7, 8 đều có những nội dung phù hợp để tích hợp vào chủ đề này: câu chuyện về Trần Quốc Toản và lá cờ thêu sáu chữ vàng, nghệ thuật vẽ mặt nạ, các nhạc cụ truyền thống dễ dàng trở thành đối tượng để các học sinh bộc lộ cảm xúc, để các em viết thành những câu chuyện, nhật kí, phóng sự, làm thành các bộ phim giới thiệu.... Do đó trong các khối lớp tham gia, khối lớp 7, 8 được lựa chọn dạy học tích hợp các bộ môn này vào hoạt động của môn Ngữ văn: văn tự sự và biểu cảm” - cô Duyên thuyết minh.

Trao đổi thêm về nội dung tích hợp, cô Nguyễn Hồng Duyên cho biết, trong dự án “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” có 233 học sinh (lớp 5, 6, 7, 8, 11) và 20 Giáo viên tham gia phụ trách các môn Ngữ văn, Lịch sử, Âm nhạc, Mĩ thuật. Các em học sinh sẽ tham gia vào các hoạt động: Chuẩn bị cho dự án; Tổ chức chuyến tham quan nhà hát Tuồng; Tổ chức tiết Luyện nói văn biểu cảm, văn tự sự bằng hình thức báo cáo sản phẩm.

Ý nghĩa của dự án được nhiều người đánh giá cao ở các khía cạnh từng môn. Đối với môn Ngữ văn, học sinh học theo cách này sẽ được luyện nói văn biểu cảm và văn kể chuyện thông thường là những giờ dạy học học sinh được chủ động thể hiện mình với các sản phẩm dưới dạng nói, đóng vai… Giáo viên tại đây thường tổ chức cho các em dưới hình thức như một buổi báo cáo sản phẩm học tập để các em được thể hiện mình.

"Sản phẩm học tập sẽ thường bị bó hẹp và không có tính thực tiễn nếu chỉ là những sản phẩm tự nghiên cứu. Việc cho học sinh đi thực tế tại nhà hát Tuồng sẽ giúp các em có được cảm xúc và những kiến thức sống động để có thể làm văn kể chuyện hay hơn, các chất liệu sinh động và thực tế hơn. Đặc biệt tìm hiểu nghệ thuật truyền thống cũng là một chủ đề rất ý nghĩa để rèn năng lực thẩm mỹ, cảm xúc nhân văn cho các em ở lứa tuổi lớp 7, 8" - cô Duyên cho biết.

Ngoài ra, với môn lịch sử, trước đó học sinh thường được học Lịch sử thông qua các hoạt động học trên lớp và thăm quan các Bảo tàng, học tập Di sản. Các dạng học tập này rất quen thuộc, việc đưa học sinh đến với môn Sử thông qua việc xem Tuồng là trải nghiệm mới mẻ, thú vị làm tăng độ hấp dẫn cho môn học.

Giúp học sinh nhận thức với thực tiễn đời sống xã hội

Trao đổi thêm về dự án, cô Nguyễn Hồng Duyên cho biết, dự án này là hoạt động góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tăng cường hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học, đặc biệt khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn tại trường Olympia.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá của thế giới, giáo dục của một quốc gia cần đặt ra mục tiêu đầu ra là những HS có phẩm chất của công dân toàn cầu với một phông văn hoá chắc chắn, việc cho HS tìm hiểu văn hoá truyền thống là một yêu cầu rất bức thiết. Các loại hình Chèo, Cải lương, Ca trù, Đờn ca tài tử, Múa rối…

Học sinh ít nhiều đã được tiếp xúc trong sách giáo khoa Ngữ văn hoặc xem các cuộc thi trên truyền hình. Nghệ thuật Tuồng là một bộ môn nghệ thuật khó, các em ít được tiếp xúc và chưa có cơ hội trải nghiệm. Chúng tôi đưa ra dự án này để bổ sung vào “chỗ hổng” đó.

Dự án này còn mang nhiều ý nghĩa về cộng đồng. Thực tế, bộ môn Nghệ thuật Tuồng là một bộ môn nghệ thuật kinh điển, có phần xa lạ đối với thẩm mỹ của đại chúng.

Tính phổ biến của bộ môn này đến với học sinh trong hoàn cảnh hiện nay lại càng bị thu hẹp hơn khi thị hiếu của lớp trẻ có phần thay đổi theo xu hướng toàn cầu hoá. Do vậy, dự án có ý nghĩa cộng đồng rất lớn khi đã tạo được hiệu ứng lớn trong 233 học sinh và lan truyền tới hàng trăm gia đình trong cộng đồng học sinh.

An Trung