Giáo dục ĐH còn “cái đuôi bao cấp”

Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong ĐH thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người theo hình ảnh của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục ĐH hiện nay.

Báo cáo đề dẫn hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH” do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 13/4, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, khẳng định: “Chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” của Đảng và Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với bối cảnh hiện tại của đất nước và với xu thế quốc tế. Nếu tập hợp được những trí tuệ lớn và khơi thông được sức mạnh đồng thuận trong nhân dân thì chủ trương ấy sẽ thành hiện thực”.

 

Mối nguy của giáo dục ĐH

 

Đến nay, chúng ta đã xây dựng được mạng lưới hơn 400 trường ĐH và CĐ, đã tạo ra tiềm lực nhất định về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất kỹ thuật, về quy mô đào tạo… Nhưng GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng nền giáo dục ĐH của ta đang nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ, gò bó. Ngày nào chúng ta còn quản lý theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, theo cách “xin-cho” thì khó có sáng tạo được. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, mong muốn nhận được những giải pháp cụ thể để xác lập một số tiền đề làm cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục ĐH Việt Nam.
 

Theo GS-TS Huỳnh Như Phương, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) TPHCM, đổi mới không đơn giản là một ý nguyện mà là một sự nghiệp khoa học và thực tiễn có quy luật của nó. Vì vậy, trong lúc này chỉ có thể bàn việc chuẩn bị đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH mà chưa thể tiến hành.

 

Giáo dục ĐH còn “cái đuôi bao cấp”
Các đại biểu tại hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH” ở TPHCM.
 

Trong điều kiện hiện nay, nên tập trung đổi mới việc tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống giáo dục ĐH, bao gồm cả người dạy lẫn người làm công tác quản trị ĐH. Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong ĐH thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người theo hình ảnh của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục ĐH hiện nay.

 

GS-TS Huỳnh Như Phương cho rằng: Nước ta còn nghèo, những người có tài về một lĩnh vực chuyên môn thường không nhiều nhưng các trường chưa liên kết chặt chẽ để sử dụng tài năng của nhau, chưa chiêu mộ tài năng ở các viện nghiên cứu và ngoài xã hội. Ông đề nghị khuyến khích việc thành lập các trường CĐ và trung cấp nghề. Tạm ngưng cho thành lập các trường ĐH, cả công lập lẫn dân lập và tư thục.

 

Tài chính, tự chủ hay tự trị?

 

Vần đề phân tầng ĐH, tự chủ ĐH, tự trị ĐH… được nhiều đại biểu quan tâm. GS-TS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, tóm gọn: “Tập trung vào tài chính và quản trị mới cải cách được”. Tài chính ở đâu? Nhiều đại biểu đặt vấn đề tăng học phí, bởi không ở đâu học phí ĐH một năm chưa bằng học phí gửi trẻ một tháng như ở Việt Nam.
 

PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, nói: “Với dân nghèo thì phải có chính sách xã hội, chứ chúng ta không thể hy sinh nền ĐH bằng một thứ học phí cào bằng, rẻ mạt như thế”. PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, đề nghị hãy để cho các trường ĐH làm kinh tế. Ông dẫn chứng: “Chulalongkorn là trường ĐH hàng đầu của Thái Lan, ngoài ngân sách của nhà nước, họ còn có 3 khách sạn, 2 siêu thị, 2 bệnh viện, 3 cao ốc văn phòng cho thuê… Chính nhờ có nguồn tài chính mạnh này mà họ chủ động thực hiện rất nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế”.

 

Về vấn đề ĐH tự chủ hay tự trị, PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, Trưởng đại diện của UPC tại Việt Nam, chỉ rõ: “ĐH tự trị thì trường tự chịu trách nhiệm về các hoạt động, tính minh bạch, chất lượng đào tạo. Thất bại của trường không thể đổ cho người khác, cơ quan khác hay kêu cứu. Vì thế, nhà trường phải tăng cường năng lực cạnh tranh; phải bảo đảm chất lượng để thu hút người học. ĐH tự chủ rất khó cho các trường hoạt động độc lập, vì trường bị chi phối bởi các ràng buộc”. Ông nói thêm: “Nếu Bộ GD-ĐT duy trì cung cách quản lý mang tính kiểm soát như hiện nay thì dẫn đến các trường muốn được việc cho mình phải nói dối, lách luật, đổ thừa, phong bì...”.

 

Lửng lơ trách nhiệm

 

Tình hình giáo dục ĐH ở các trường tư thục, dân lập chúng ta vẫn còn lúng túng trong quản lý và điều hành vì hành lang pháp lý không đầy đủ. Các trường ĐH ngoài công lập ở ta đã có lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển (từ năm 1988). Đến nay, chúng ta đã có 80 trường ĐH và CĐ ngoài công lập, vậy mà chúng ta vẫn chưa xác định rõ đâu là sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu cộng đồng; chưa làm rõ khái niệm thế nào là ĐH tư, ĐH dân lập…

 

PGS-TS Đoàn Lê Giang bức xúc: “Những thay đổi lẻ tẻ, cục bộ của từng cá nhân giảng viên, từng khoa, từng trường không giải quyết được vấn đề gì hết. Khi người Pháp đến nước ta, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, họ lần lượt, triệt để và cưỡng bách áp dụng nền giáo dục phổ thông và ĐH ở nước ta, giống như mô hình Pháp - mô hình giáo dục được coi là tiên tiến nhất bấy giờ, mà không cần có một sự thỏa hiệp nào với nền giáo dục nho học trước đó.

 

Chưa đầy 20 năm, họ đã tạo ra nền ĐH mới của nước ta với hàng loạt trường danh tiếng: Đại học Y Hà Nội, CĐ sư phạm, CĐ Mỹ thuật Đông Dương, Viện Viễn Đông Bác Cổ… Trong khi đó, hơn 25 năm đổi mới, nền ĐH của chúng ta vẫn chưa cắt nổi cái đuôi bao cấp, các giáo sư ĐH của chúng ta vẫn chưa qua khỏi diện “xóa đói giảm nghèo”, trong các ĐH hàng đầu của chúng ta chỉ có vài khoa tiên tiến nhất mới đạt chuẩn Đông Nam Á (AUN). Như vậy, chừng nào giáo dục ĐH của chúng ta mới “được sánh vai cùng các cường quốc năm châu”? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng tụt hậu này?”.

 

Kết hợp giảng dạy và nghiên cứu

Ý kiến kết hợp giảng dạy và nghiên cứu được sự đồng thuận cao. PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đề xuất: “Để chất lượng đào tạo và nghiên cứu tác động thuận lợi, nên tách đào tạo ĐH của Bộ GD-ĐT nhập với Bộ Khoa học - Công nghệ, thành Bộ ĐH và Khoa học - Công nghệ.

Phần còn lại của Bộ GD-ĐT cùng phần đào tạo nghề nhập lại thành Bộ GD. Như vậy, nhiệm vụ đào tạo ĐH và nhiệm vụ của các viện, các trung tâm nghiên cứu sẽ được nâng chất, kết hợp tốt giữa giảng dạy và nghiên cứu. Và đây cũng là cơ sở thuận lợi để các ĐH nghiên cứu của Việt Nam định hình”.

 

Theo Vu Gia

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm