Hậu Giang:
Giáo dục đạo đức học sinh với mô hình lớp học “4 không”
(Dân trí) - Mô hình lớp học “4 không” được Trường THCS Trường Long A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) triển khai, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục đạo đức học sinh.
Mô hình lớp học “4 không” mà Trường THCS Trường Long A đang triển khai thực hiện là: không nói tục, chửi thề; không hút thuốc - không uống rượu bia; không bạo lực; không chơi game. Thầy Trần Văn Mười - Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long A cho biết, mô hình lớp học “4 không” xuất phát từ ý tưởng của nhà trường từ đầu năm học 2014 - 2015 này.
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Trần Văn Mười cho biết, mô hình lớp học “4 không” ra đời xuất phát trước thực trạng hiện nay một số bộ phận thanh thiếu niên có dấu hiệu sa sút nghiêm trọng về đạo đức, nhu cầu cá nhân phát triển lệch lạc, kém ý thức trong quan hệ cộng đồng, không có tính tự chủ, dễ bị lôi cuốn vào những việc xấu, đặc biệt là đối tượng học sinh (HS) cấp THCS vì ý thức của các em chưa cao.
Qua ghi nhận trên địa bàn huyện, HS nói tục, chửi thề, hút thuốc, uống rượu bia, có hành vi bạo lực, trốn học chơi game lại có chiều hướng gia tăng. Hiện tượng một số người lớn trong gia đình không gương mẫu như sa vào nghiện hút, rượu chè, cờ bạc… là “điều kiện” để trẻ học theo. Còn ngoài xã hội có rất nhiều tệ nạn xấu lôi kéo, cám dỗ dẫn đến nhiều em dễ bị sa ngã. Trong khi đó, ở trường học, một số giáo viên chưa đi sâu, đi sát để nắm bắt hoàn cảnh riêng của từng em. Việc áp dụng các phương pháp giáo dục đạo đức còn cứng nhắc, thậm chí sai nguyên tắc, xem nhẹ yếu tố thuyết phục, thô bạo trong đối xử với HS… đã dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức và học tập của các em.
Theo thầy Mười, trước những thực trạng trên và để góp phần vào công tác giáo dục đạo đức HS, Trường THCS Trường Long A xây dựng mô hình lớp học “4 không” nhằm tạo cho các em tính tự giác, có ý thức hơn trong việc phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.
Mô hình được thực hiện trong toàn thể HS khối lớp 8 của trường, Đây là khối lớp học đang có hiện tượng nhiều HS nói tục, chửi thề, bỏ học chơi game, có hành vi bạo lực với bạn, tập hút thuốc, uống rượu bia. Được biết, Trường THCS Trường Long A khối lớp 8 có 3 lớp, với 120 em HS, trong đó có 55 em HS nữ.
Sau khi thống nhất thực hiện ý tưởng lớp học “4 không”, nhà trường đã mời phụ huynh của khối lớp 8 kết hợp với giáo viên bộ môn cùng cam kết tại gia đình tránh việc nói tục, chửi thề để các em không bắt chước, không tập cho các em hút thuốc, uống rượu bia cũng như giám sát thời gian của các em để tránh việc tham gia chơi game. Song song đó, nhà trường cũng tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh và nhà trường, giữa HS và nhà trường để thực hiện tốt các quy ước của mô hình.
Khi triển khai, nhà trường tổ chức phân loại em nào thường hay nói tục, chửi thề, em nào thường hay bỏ học chơi game, em nào có hút thuốc, tập uống rượu bia, em nào có hành vi bạo lực lập thành danh sách để có kế hoạch mời các em lên trao đổi, giáo dục. Nhà trường cũng tổ chức cho các em HS đóng góp ý kiến cho bản dự thảo quy ước lớp học “4 không” để các em tự mình ghi nhận, biểu quyết và hình thành một quy ước chung.
Trong quá trình thực hiện, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo sát lớp để nắm được những HS cá biệt, thường hay nói tục, chửi thề, hút thuốc, trốn học chơi game, có hành vi bạo lực để có biện pháp xử lý. Hàng tuần, trong giờ sinh hoạt chung, trường tuyên truyền cho các em HS về tác hại của thuốc lá, rượu bia, game online, bạo lực học đường và làm thế nào để không bị lôi cuốn vào những điều không hay đối với lứa tuổi HS.
Thầy Mười cho biết, trong bản ký cam kết đều có nêu rõ các em HS phải thực hiện những gì như có văn hóa ứng xử trong và ngoài nhà trường; thực hiện phòng chống các tệ nạn xã hội như tuyệt đối không mang theo thuốc lá, không hút, không thử dù chỉ một lần, không tập hay tham gia uống rượu bia cả nhà và ở trường. Thực hiện công tác an ninh trật tự trong và ngoài nhà trường như tuyệt đối không gây gổ đánh nhau, không tụ tập băng nhóm quá khích dẫn đến những hành động không hay, vi phạm pháp luật.
Khi thực hiện mô hình, các em HS chịu sự giám sát của nhau, bạn bè cùng nhắc khi thấy bạn nào đó có dấu hiệu vi phạm, nếu không sửa thì giáo viên chủ nhiệm sẽ tiếp tục nhắc nhở và khi vi phạm sẽ mời phụ huynh xử lý. Nếu em nào vi phạm thì căn cứ thang điểm thi đua của lớp để xếp loại hạnh kiểm hàng tháng, cuối học kỳ, cuối năm. Bên cạnh đó, các em HS cũng cam kết nếu vi phạm sẽ chịu xử lý kỷ luật với các mức như: phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.
Theo thầy Trần Văn Mười, dù mô hình “4 không” mới chính thức được ký kết thực hiện vào tháng 11/2014 nhưng từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai thực hiện ngay sau khi đại hội phụ huynh và được phụ huynh đồng thuận.
Cho đến thời điểm này, mô hình lớp học “4 không” bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh HS và hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. “So với năm rồi thì đến thời điểm này khối 8 năm nay không có trường hợp nào bỏ tiết chơi game. Trước đó vẫn có tình trạng đánh nhau ở ngoài nhà trường nhưng sau khi ký cam kết thì chưa thấy vụ việc nào xảy ra”- thầy Mười phấn khởi nói.
Em Liên Thảo Vân (HS Lớp 8A1) chia sẻ: Mô hình “4 không” được lớp của em thực hiện rất tốt. Nhiều bạn sau khi ký cam kết đã trở nên “ngoan” hơn. Từ đó, việc học tập của các bạn cũng đạt kết quả cao.
Chia sẻ thêm với PV Dân trí, thầy Trần Văn Mười cho biết, mô hình lớp học “4 không” nhận được đánh giá cao của lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành A. Bước đầu, trường sẽ thí điểm đến hết năm học 2014- 2015, đến cuối năm tổng kết thấy có hiệu quả tốt sẽ triển khai trong toàn bộ các khối lớp học THCS của trường và rộng hơn nữa là trong toàn huyện.
Được biết, mô hình lớp học “4 không” cũng đã được Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành A thuyết trình với Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang như là một “sáng kiến mới” trong phương pháp giáo dục đạo đức HS.
Bài, ảnh: Huỳnh Hải
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |